Ngày hôm qua 17/10, cộng đồng mạng xôn xao với thông tin MC Phan Anh cùng gia đình tự bỏ tiền túi ra 500 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung đang hứng chịu bão lụt. Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động thiện nguyện ở Việt Nam, một cá nhân tự bỏ ra số tiền lớn như thế để giúp đỡ cộng đồng. Trước nay chưa ai làm được, và cho đến thời điểm này, có lẽ, chỉ có thể là Phan Anh.
Chưa hết, ngoài sự ủng hộ cá nhân, anh còn kêu gọi mọi người cùng anh, chung tay giúp đỡ bà con rốn lũ miền Trung. Và, một điều khiến ngay cả Phan Anh còn phải ngạc nhiên, như một sự thần kỳ, chỉ trong vòng 24h đồng hồ, số tiền của người dân khắp nơi chuyển vào tài khoản của anh đã lên đến con số gần 8 tỉ đồng và chắc chắn sẽ còn tăng thêm, như một câu chuyện cổ tích.
Chính Phan Anh còn không thể tưởng tượng được số tiền mọi người ủng hộ lớn đến vậy, và bản thân anh cũng không nghĩ rằng, mình lại được mọi người tin tưởng nhiều đến thế!
Đấy là Phan Anh nghĩ, còn cộng đồng, từ lâu, họ đã dành cho anh sự trân trọng, niềm tin bởi những suy nghĩ và hành động của anh trong các vấn đề xã hội. Những việc anh làm, thực sự có ý nghĩa cho cộng đồng, và vì thế, nó có sức ảnh hưởng rất lớn. Người ta tin Phan Anh, vì điều anh nghĩ, anh nói đã chuyển thành hành động, mà những việc anh làm, nó vừa kịp thời, vừa mang nhiều ý nghĩa và thông điệp lớn!
Có thể nói, với một cá nhân, chỉ trong vòng 24 giờ mà kêu gọi được 8 tỉ đồng đóng góp của cộng đồng, đó thực sự là một kỳ tích. Lý giải về điều này, chỉ có thể kết luận, đó chính là LÒNG TIN.
Vâng, Lòng Tin là thứ mà bấy lâu nay đang giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt đối với một số tổ chức thiện nguyện xã hội. Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều vụ “ăn chặn” tiền từ thiện bị báo chí phanh phui, đó là những kẻ mang danh quản lý của một tổ chức xã hội, nhận tiền và vật chất từ sự ủng hộ của người dân, thay vì đi cứu trợ, ủng hộ bà con thiệt hại bởi thiên tai thì họ lại “ăn chặn” một phần không nhỏ, làm giàu trên chính sự khốn khó cùng cực của dân nghèo. Hoặc, sự thờ ơ vô trách nhiệm trong việc xử lý khối tài sản mà dân đóng góp, dẫn đến hỏng hóc, quá hạn sử dụng đành phải bỏ đi một cách cực kỳ lãng phí, trong khi người dân vùng đói nghèo đang đêm ngày phải chịu cảnh thiếu thốn trăm bề khiến cộng đồng bức xúc.
Tôi có một anh bạn nhà báo, cũng hay làm công việc thiện nguyện. Anh kể, cách đây 2 năm, khi sự kiện “biển Đông nổi sóng”, cộng đồng đã có nhiều hoạt động quyên góp tiền ủng hộ những ngư dân đánh bắt xa bờ. Anh bạn tôi có nhận được một bức thư của một người Việt sống ở châu Âu, chị nói rằng, những người Việt ở khu vực chị sinh sống đã quyên góp được hơn 2 ngàn USD, muốn nhờ anh bạn tôi chuyển đến tay các gia đình có con, em đang làm bộ đội hải quân ở khu vực Trường Sa, như một lời động viên đến họ. Tuy nhiên, anh bạn tôi từ chối vì công việc bận rộn không thực hiện được, anh có nói với chị Việt kiều rằng, sẽ giới thiệu cho chị một tổ chức thiện nguyện khác, họ sẽ giúp các chị chuyển tiền đến địa điểm mà các chị nhờ. Thế nhưng chị không đồng ý, chị nói rằng, nếu em trực tiếp đi trao quà thì bọn chị chuyển tiền về, còn nếu em bận thì thôi, để dịp khác.
Câu chuyện này thêm một lần nữa cho thấy, nhiều người bây giờ tin vào một cá nhân nào đó, hơn là đặt niềm tin vào một tổ chức xã hội thiện nguyện, bởi họ đủ thông minh, đủ tỉnh táo để biết rằng, nên đặt niềm tin vào ai.
Tất nhiên, nói thế không có nghĩa phủ nhận toàn bộ các tổ chức xã hội thiện nguyện, vẫn còn rất nhiều nhóm, nhiều đơn vị, nhiều tổ chức đang có những hoạt động thiết thực, không chỉ ủng hộ, giúp đỡ những bà con bị thiên tai bão lụt, mà còn các công việc hàng ngày như giúp trẻ em nghèo học chữ, giúp bà con vùng sâu vùng xa sản xuất nông nghiệp và hàng loạt những hoạt động có ý nghĩa khác trên khắp mọi miền của Tổ quốc.
Tuy nhiên, từ việc cộng đồng đặt niềm tin lớn vào cá nhân Phan Anh, một số tổ chức thiện nguyện khác cũng phải nghiêm túc nhìn lại cách quản lý nhân sự cũng như tài sản của mình, để người dân có thể yên tâm, tin tưởng đóng góp tiền của, vật chất trong các hoạt động từ thiện, góp phần giảm bớt khó khăn cho những người nghèo hoặc bà con ở những vùng bị thiên tai địch họa, để cuộc sống của họ có thể ổn định hơn!
Một đời người, một rừng cây (nhạc: Trần Long Ẩn, ca sỹ: Lê Hành)