Chúng ta, đôi khi hoặc thường xuyên, tụng ca tình yêu như một giá trị bất biến trong cuộc đời này. Chúng ta tìm kiếm, chờ mong, có được rồi đau khổ mất nhau. Chúng ta ca thán về cuộc đời không còn tươi đẹp chỉ bởi thứ tình cảm mong đợi đã không hồi đáp.
Thế nhưng, có khi nào khi thật bình tâm ngồi lại, bạn có nghĩ rằng, đôi khi tình yêu được phô trương quá cũng là một điều thật không nên. Tất nhiên, ai khi yêu cũng tự hào về người đi bên cạnh mình, muốn hét lên với cả thế giới rằng tôi là người may mắn nhất. Điều đó cũng chính đáng, cũng đầy lòng biết ơn với cuộc đời.
Vậy nhưng, chả phải tình yêu thuộc về hai cá thể thôi đó sao, vậy thì chỉ cần hai người cảm nhận là đủ rồi. Hơn nữa, chúng ta yêu nhau vì chúng ta muốn ở bên cạnh nhau vậy thì quan trọng gì đâu chuyện cả thế giới biết hay không. Cứ chân chất giản dị trong tình yêu có khi lại hay giữa thời nhiễu loạn như bây giờ.
Không dám giấu diếm rằng, bài viết này được tôi nghĩ đến khi nghe anh chàng Lê Thiện Hiếu hát ca khúc “Ông bà anh” trong chương trình Sing my song số phát sóng đầu tiên. Ngay khi giai điệu tươi vui cất lên, vẻ mặt tươi sáng cùng những câu chữ hồn nhiên bình dị được gửi tới khán giả là tôi đã biết: Tình yêu không cần gì nhiêu hơn sự chân thành, xanh ngát xanh.
Ông bà anh yêu nhau thời chưa có tivi.
Ông bà anh yêu nhau thời chưa có xe hơi.
Ông thường đưa bà anh đi dạo quanh trên con ngựa sắt Thống Nhất màu xanh.
Ông có một tình yêu tươi xanh và em ơi em có hiểu lòng anh anh muốn có một tình yêu xanh ngát xanh.
Quả nhiên, những điều Hiếu kể về ông bà của mình làm tôi nhớ lại một thời của mình, thời của những 8X đời đầu đi học. Cấp hai đã “tập tành” học yêu, những mẩu giấy nhỏ xé từ trang vở viết vội vài chữ rồi gửi cho người bạn ngồi cách vài dãy bàn. Hoặc như, có những mối tình trong trường được nảy sinh từ học sinh ca sáng và ca chiều chỉ bởi những mẩu giấy để lại trong hộc bàn sau giờ học.
Thư từ cứ như vậy “vận chuyển” mỗi ngày, đong đầy cả sự hồn nhiên của những đứa trẻ ngây ngô muốn mở rộng thế giới, muốn tìm hiểu về những điều chúng chưa từng biết và muốn “thể hiện” rằng “ta đây đã lớn”. Sự hồn nhiên của những tháng ngày đó còn được lưu giữ trong những cuốn “lưu bút ngày xanh” khi khoá học kết thúc.
Chúng ta đã hì hụi, cặm cụi viết cho nhau những lời thương nhớ, viết cho nhau những lời ân cần, viết cho nhau những lá “thư tình riêng” trong một cuốn vở chung và chỉ đợi khi cả lớp đã viết hết mới dám mang về nhà nắn nót ở trang cuối cùng.
Bởi vậy, tôi hoàn toàn tin rằng khi bạn Hiếu kể về ông bà mình, rằng họ đã yêu nhau chân thành hồn nhiên như vậy. Tôi ghen tị vì sự giản dị đó đã không còn nữa. Tôi hậm hực bởi sự hồn nhiên đã mất đi. Tôi tức tối bởi bản thân mình đã không còn giữ được những điều mình từng yêu thích.
Tình yêu ngày xưa đẹp lắm con ơi!
Những dòng thư tay viết vội.
Những lời ngây ngô đầu môi.
Và thời ấy bình dị lắm con ơi!
Chạm tay nhau một giây thôi là nhớ nhau một đời
Sẽ là đáng trách nếu như chúng ta tiếc thương về một thời bình dị để lên án những giá trị đang có hôm nay. Tất cả mạng xã hội, smartphone đều không có lỗi. Lỗi là ở chúng ta khi đã quá lệ thuộc và rao bán mọi thứ thuộc về cuộc đời mình trên đó, bao gồm cả tình yêu.
Sẽ là vội vàng quy kết rằng tình yêu thời nay đã bị nhuốm màu vật chất một trăm phần trăm, nhưng nếu như đưa ra một con số thấp hơn, thì đó cũng không phải là một dẫn chứng sai. Cũng giống như Lê Thiện Hiếu hát trong ca khúc rằng:
Anh và em yêu nhau thời xe máy ô-tô
Anh và em yêu nhau thời Facebook, Zalo
Vật chất thời nào cũng đáng quý, cũng cần thiết cho đời sống đâu chỉ tình yêu. Vậy nhưng, đôi khi chúng ta mở báo, vô tình đọc được những câu chuyện về tình yêu chạy theo vật chất, chạy theo những đua đòi, chạy theo những vòi vĩnh và chạy theo cả những phù phiếm quá sức. Lựa chọn thuộc về mỗi người và sẽ chẳng ai có quyền lên án người khác nếu không phải người trong cuộc, nhưng, tôi chỉ thắc mắc là: Nếu như yêu là làm nhau hạnh phúc, làm sau vui sướng và làm nhau mỉm cười suốt ngày tháng thì những thứ được đong đếm bằng vật chất kia nếu là phương tiện để mang lại điều đó thì há chẳng phải ai cũng có thể làm được điều đó, đâu nhất thiết chỉ là “một người duy nhất”?
Và nếu so với:
Ông mua tặng bà anh một đoá hoa
Và đó là món quà đầu tiên
Ôi tình yêu!
Rõ ràng, một đoá hoa thôi cũng đủ làm người nhận trở nên hạnh phúc nếu người tặng là người mà tình yêu được gửi gắm trọn vẹn.
Tuy nhiên, mỗi thời mỗi khác, chúng ta có thể yêu nhau theo cách mà chúng ta cảm thấy thoải mái nhất. Chúng ta có quyền lựa chọn những phương thức để làm hạnh phúc người mình yêu. Chúng ta được chọn hình thức để mang đến nụ cười cho một nửa thế giới còn lại. Có thể là một đoá hoa, một cặp vé xem phim hoặc cũng có thể chỉ là đưa nhau đi dạo phố, ghé quán uống ly đá me, ăn bánh tráng nướng. Quan trọng nhất là chúng ta được yêu, được học yêu, được vui, được hạnh phúc đi bên cạnh một người mà chúng ta gửi gắm cả thế giới.
Hãy suy nghĩ tích cực rằng, mọi thứ phương tiện của hôm nay giúp ta kết nối với thế giới và biết đâu trong thế giới mình đang được kết nối sẽ có ai đó là của mình. Nhưng cũng như Thiện Hiếu nói, hãy yêu nhau chân thành, hãy trân trọng từng giây phút bên cạnh nhau, hãy xem trọng những điều giản dị, chân thành nhất để hiểu được tấm chân tình của nhau. Và nhớ, đừng giận ai đó nếu họ chưa kịp “rep inbox” khi đã “seen” nhé!