Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Vĩnh biệt PGS Văn Như Cương: Thầy đã sống một cuộc đời vẻ vang và ra đi trong thanh thản

''Người ta thường nói, có rất nhiều con đường để đi đến thành công, nhưng thầy Cương bao giờ cũng dùng con đường nhẹ nhàng, chân thành nhất có thể. Người ta thường nói, có rất nhiều con đường đi đến cái chết, nhưng thầy Cương cũng dùng con đường thanh thản, nhẹ nhàng nhất có thể''.

Hôm nay, ngày 12/10/2017, đám tang PGS Văn Như Cương sẽ diễn ra trong sự tiếc thương của hàng ngàn người.

Những ngày này, đi đâu, làm gì, các thế hệ học sinh của trường THPT Lương Thế Vinh nói riêng, và học sinh nói chung, đều cảm thấy một phần mất mát trong lòng. Người thầy từng chính tay biên soạn những cuốn sách giáo khoa Toán mà ai cũng từng học qua, từng xây nên những viên gạch đầu tiên của trường Lương Thế Vinh, từng được gọi là Dumbledore - vị hiệu trưởng vĩ đại trong truyện Harry Potter, đã không còn nữa. Thầy ra đi ở tuổi 80, sau gần 3 năm chống chọi với bệnh tật.

Thế nhưng, suốt quãng đời của mình, thầy Cương đã sống một cuộc đời vẻ vang, để rồi ra đi trong thanh thản, nhẹ nhàng.

Một cuộc đời sư phạm đầy nhiệt huyết

Nếu có một từ nào đó dành để mô tả thầy Cương, chắc chắn nhiều người sẽ liên tưởng đến ông Bụt - bởi chòm râu bạc phơ và sự nhân ái, đức độ cộng thêm trình độ sư phạm của mình. Học sinh rất sợ môn Toán, nhưng trong ký ức của các cựu học sinh Lương Thế Vinh, môn Toán dường như không còn là ác mộng khi thầy Cương đứng lớp. Bằng sự hóm hỉnh cũng như các phương pháp giảng dạy của mình, thầy đã biến môn học này thành những trò chơi, thành cuộc sống.

Nhiều lứa học sinh ở Lương Thế Vinh vẫn không thể quên hình ảnh thầy giáo già hay đi lang thang trong sân trường, để rồi nếu gặp học sinh nào đó đang ngồi chơi, thầy sẽ lại gần và kể chuyện, hoặc đố vui về Toán, ngôn ngữ… Chính những bài học mà như ”không học” đó, đã khiến Lương Thế Vinh trở thành 1 trong những ngôi trường có tỷ lệ đỗ Đại Học hạng Top mỗi năm.

Không chỉ dạy học sinh chuyên môn, thầy còn dạy cách làm người. Cứ mỗi mùa khai giảng, học sinh lại mong chờ nhất bài diễn văn của thầy Cương. Bởi nó không hề sáo rỗng. Trái lại, nó rất ”Đời”, và ”Thấm”, là sự đúc kết từ mấy chục năm sống và làm nghề của thầy. Đặc biệt thay, những kinh nghiệm đó không hề cổ hủ, lạc hậu, dù người viết nên nó đã là một ông già râu tóc bạc phơ.

”Thầy năm nay đã 79 tuổi, thầy cũng được “cắp sách đến trường” liên tục từ cấp 1, cấp 2, cấp 3 rồi Đại học, sau Đại học, nghiên cứu sinh và lấy bằng Tiến sĩ… Và bây giờ, khi nhìn lại cuộc đời đã qua của mình, thầy phải thừa nhận rằng những điều mình đã được học ở trường thực sự ra không phải là toàn những “bảo bối” và cũng không phải những “cẩm nang kỳ diệu” giúp cho thầy bước vào cuộc sống đời thường, một thực tế rất sôi động, đầy cơ hội và cạm bẫy…, trong cái đúng, cái sai, cái thiện, cái ác nhiều khi khó phân định được rõ ràng. Bởi vì hồi bấy giờ, nhà trường chỉ truyền thụ những kiến thức thuần túy sách vở, ít gắn liền với đời sống xã hội ngoài nhà trường. Dẫu sao thầy vẫn ân hận và lấy làm tiếc cho cái thuở đến trường ấy đã không tranh thủ để học được nhiều hơn những bài học bổ ích không nằm trong chương trình và sách giáo khoa” 

Những câu khuyên răn này khiến người ta hiểu rõ một chuyện: Để có được thành tựu, ai cũng cần phải học. Sự học là muôn đời. Nhưng học phải đi đôi với hành. ”Sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là vùng biển gần bờ mà thôi”.

Cả đời mình, thầy cống hiến hết cho giáo dục. Đến mức, có nhiều phụ huynh cho con theo học trường Lương Thế Vinh, không phải vì nó hot, nó nổi tiếng… mà là vì đây là trường của thầy Cương. Họ tin rằng, dưới sự dạy dỗ và bảo ban của thầy Cương, những đứa con của họ sẽ thành người. Điều đó đúng là sự thật.

Biết bao nhiêu lớp học sinh đã trưởng thành từ ngôi trường này. Còn thầy Cương, dù đã già, đã ”về hưu”, nhưng học sinh vẫn rất hào hứng mỗi khi thấy thầy giáo già đi bộ trong sân trường, hoặc đánh hồi trống khai giảng. Học sinh vây quanh thầy, im lặng lắng nghe những lời răn thầy dặn - với những ai theo nghề giáo, còn gì hạnh phúc hơn thế? Và chắc chắn, thầy Cương chính là ”Ông thầy hạnh phúc nhất”!

Một tinh thần sống và yêu hết mình, tích cực 

Sinh lão bệnh tử - đó là vòng tuần hoàn của cuộc sống, không ai có thể tránh được. Nhưng chỉ đến khi cô Văn Thùy Dương - con gái thầy Cương - cạo đầu để cảm tạ ơn trên giúp thầy qua cơn bạo bệnh, người ta mới biết được, thời gian đó, thầy mang trong mình căn bệnh ung thư và chống chọi với nó. Nhưng nếu hỏi học sinh, và cả người thân của thầy, rằng thầy có sống đau khổ, tiêu cực vì bệnh tật không, thì câu trả lời là Không! Nếu có ai lạc quan nhất ở tuổi U80, đó chắc chắn là thầy Văn Như Cương.

Có một câu chuyện khá thú vị thế này. Cuối năm 2016, thầy Văn Như Cương từng ”gặp gỡ” thần chết. Đó là lúc thầy chiến đấu với căn bệnh ung thư được hơn hai năm rưỡi. Thần chết hỏi: “Sắp chết rồi, anh bạn không lo lắng, sợ hãi gì chăng?”.

Thầy đáp: “Không! Ta nay đã hơn 80 tuổi rồi, có đi cũng được rồi. Rất nhiều người trẻ ít tuổi hơn ta mà đã đi, họ bị tai nạn giao thông, bị hỏa hoạn, bị sóng thần, lũ quét, bị khủng bố, bị bom đạn chiến tranh, lại còn bị ăn phải thực phẩm bẩn… Bởi vậy, nếu ta phải đi bây giờ thì như nhà ngươi thấy đó, ta chẳng có gì mà lo lắng, sợ hãi cả!”. Thế là thần chết thất vọng bỏ đi. Thầy Cương thầm nghĩ: “Nhà ngươi ngu thế. Ta rất quý mạng sống của mình và vì thế thêm một lần nữa, ngươi lại thua ta!”.

Câu chuyện tưởng chừng chỉ như một giấc mơ mang màu sắc tâm linh sống động thôi, nhưng qua đó, đã thể hiện nhiều bài học ý nghĩa về cuộc sống. Có phải bệnh tật và cái chết sẽ dễ dàng khống chế, cướp đi sinh mệnh của những người thường xuyên sợ hãi, cô đơn? Vậy lý do gì thần Chết đã bỏ qua thầy? Bởi thầy đang có rất nhiều học trò yêu thương, có một gia đình hạnh phúc, có một người vợ tào khang, và có cả một cuộc đời ý nghĩa.

Không chỉ dạy chúng ta những bài học về kiến thức, mà thầy còn dạy hẳn về… Tình yêu. Tình yêu của người già như thế nào ư? Là như thuở mới yêu chứ chẳng khác gì. Như khi ông đang nằm trên giường bệnh, đau đớn mệt mỏi là thế đấy, nhưng vẫn kịp hờn dỗi với vợ khi bà dịch ghế ngồi xa ông tận…20cm. Chỉ vậy thôi mà ông dỗi!

Đi qua hơn nửa đời người cùng nhau, nhưng thầy vẫn kêu vợ bằng em, xưng anh, và từng nói, cả đời chưa xưng anh/em với ai khác ngoài vợ hoặc em gái. “Năm nay tôi 79 tuổi, vợ tôi 76 tuổi và chúng tôi vẫn nói “Anh yêu em”/ “Em yêu anh” bình thường. Chẳng lẽ người già như chúng tôi lại không yêu nhau à? Nếu giờ vợ tôi nói với tôi câu đó thì tôi càng vui chứ chẳng có phản ứng bất ngờ, ngạc nhiên hay sốc vì vợ tôi vẫn thường nói câu đó với tôi”. Còn ai lãng mạn hơn thầy Cương?

Thế là, không chỉ học Toán, người ta còn học Yêu bởi thầy. Bài học lớn nhất, mà thầy đã dùng cả đời mình để chứng minh, đó là ”Hôn nhân chính là học yêu đi yêu lại, chỉ duy nhất một người”. Tình yêu ”hư”, thì mang đi sửa, chứ không vứt. Và có lẽ, thầy chính là người ”thị phạm” xuất sắc nhất.

Một cuộc sống vẻ vang, không tiếc nuối

Thầy Cương và gia đình theo Phật, vì vậy, mọi người đều hiểu triết lý sinh lão bệnh tử, và từ đó, họ chọn cách sống an nhiên. Ung thư rất khó thắng, nhưng thầy đã thắng nó gần 3 năm trời. Thầy đã lấy năng lượng từ đâu? Chắc chắn là từ tình yêu thương của gia đình, đồng nghiệp, của hàng nghìn con hạc giấy mà học sinh gấp cho, của màn trình diễn đồng ca mà học sinh hát tặng… Đó là bài thuốc tinh thần mà không phải ai cũng có được.

Chỉ những người sống thật vẻ vang, mới được nhận ân phước đó. Và cũng nhờ thầy, mà từ nay, những người mắc bệnh ung thư sẽ được ”truyền lưả”, để sống lạc quan hơn, dù chỉ còn một ngày để sống.

Sự ra đi nào cũng ít nhiều mang lại nỗi đau không thể tả thành lời. Và sự ra đi của thầy Cương cũng thể. Nhưng có lẽ, ai cũng hiểu, mình phải đón nhận tin buồn này với sự bình thản và an nhiên nhất, chứ đừng khóc thương than vãn. Bởi thầy đã sống một cuộc đời ý nghĩa và không tiếc nuối. Ước nguyện giáo dục đời mình? Đã hoàn thành và con gái thầy đang viết tiếp. Một cuộc hôn nhân bền vững? Vẫn còn đây, với người vợ tào khang đến tận phút cuối cùng. Một gia đình hạnh phúc? Có, con gái thành đạt, cháu gái đi du học, cháu trai lấy vợ và đã sinh quý tử. Thật không còn gì tiếc nuối.

Ngày thầy ra đi, vợ thầy quàng tay ôm chồng, xung quanh giường là con cháu tề tựu đầy đủ. Ở giây phút cuối cùng, thầy mở mắt nhìn từng người trong gia đình đông đủ. Rồi thở nhẹ nhàng, thầy nhắm mắt như đang ngủ. Lúc đó là 0h27 sáng 9/10, thầy mất, khép lại một cuộc đời trọn vẹn.

Khoảnh khắc cuối cùng của thầy và người vợ tào khang.

”Tôi nghĩ bố mình đã sống một cuộc đời không còn gì đáng chê trách. Với tư cách một người con, tôi cảm nhận bố là người cha vô cùng tuyệt vời. Tôi nghĩ chắc phải có phúc phận lắm, mình mới được sống trong một gia đình như thế. Mẹ tôi luôn yêu thương, chăm sóc bố còn bố thì cả đời chưa bao giờ gọi anh xưng em với bất cứ người phụ nữ nào ngoài mẹ và em gái. Trong mắt tôi, bố là người đàn ông rất mẫu mực và hết lòng yêu thương vợ, con” - câu nói này của cô Dương như một lời tóm gọn chuẩn xác nhất về cuộc đời của PGS Văn Như Cương.

Người ta thường nói, có rất nhiều con đường để đi đến thành công, nhưng thầy Cương bao giờ cũng dùng con đường nhẹ nhàng, chân thành nhất có thể.

Người ta thường nói, có rất nhiều con đường đi đến cái chết, nhưng thầy Cương cũng dùng con đường thanh thản, nhẹ nhàng nhất có thể.

Thầy Cương mãi trong trái tim của nhiều thế hệ học sinh.

Mong thầy yên nghỉ!.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Thanh Minh

Được quan tâm

Tin mới nhất
Di Động Việt: Hình thức mua hàng trả chậm không mới