Nhiều người mong muốn giữ nguyên biển tên Bưu điện Hà Nội
Nhiều tháng nay, người dân thủ đô mỗi dịp đi dạo qua bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội không còn nhìn thấy tấm bảng tên màu xanh dương “Bưu điện Hà Nội” trên phố Đinh Tiên Hoàng nữa, mà thay vào đó là tấm biển với dòng chữ “VNPT Hà Nội”.
Cũng như bao bưu điện của các tỉnh thành, Bưu điện Hà Nội được đặt ở vị trí trung tâm thành phố - Hồ Hoàn Kiếm, trở thành biểu tượng của Hà Nội, nằm trong ký ức, suy nghĩ nhiều người.
Nên mấy nay, ai đi qua khu vực, khi ngước nhìn thấy dòng bản “VNPT Hà Nội” thay thế, đều cảm thấy vô cùng lạ lẫm và hụt hẫng. Theo Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, từ lâu hình ảnh “Bưu điện Hà Nội” đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Thủ đô và du khách.
Chia sẻ với chúng tôi, PGS. TS Hà Đình Đức, người có nhiều năm gắn bó với Hồ Gươm cho biết, ông đã quan tâm tới Bưu điện Hà Nội từ lâu. Theo PGS.TS. Hà Đình Đức, cuối thế kỷ 19, Sở Bưu điện Hà Nội là một trong những công trình được xây dựng từ khá sớm kể từ khi Hà Nội bắt đầu được quy hoạch và mở rộng với khu vực Hồ Gươm làm trung tâm.
Vị trí Sở Bưu điện Hà Nội nằm trên đại lộ Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng), vốn là vị trí của chùa Báo Ân. Năm 1888, người Pháp đã phá hủy chùa để xây nhà bưu điện. Dấu tích duy nhất còn lại của chùa Báo Ân là tháp Hòa Phong vẫn tồn tại đến nay, nằm đối diện với bưu điện và ngay sát hồ Hoàn Kiếm.
“Năm 1890 Pháp bắt đầu làm đường vòng quanh hồ Gươm là đường Đinh Tiên Hoàng. Năm 1893 Pháp xây Bưu điện Hà Nội, toà nhà đầu tiên họ xây là đoạn giáp Đinh Tiên Hoàng với đường Lê Thạch. Sau đó năm 1910 xây dựng thêm toà nhà sau này có đặt bảng tên Bưu điện Hà Nội và kéo đến đường Đinh Lễ, vị trí trước đây của chùa Báo Ân.
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Bưu điện Hà Nội xuống cấp, tòa nhà phía Lê Thạch vẫn còn tốt, còn tòa nhà Bưu điện Hà Nội xấu nên đã đập đi xây lại, trên nóc có đồng hồ 4 mặt”, PGS.TS Hà Đình Đức chia sẻ thông tin.
Tháng 12/2007, Bưu điện thành phố Hà Nội (cũ) chia tách bưu chính và viễn thông để thành lập mới hai đơn vị là Bưu điện Hà Nội (mới) và Viễn thông Hà Nội (VNPT Hà Nội). Toàn bộ tòa nhà B phía 75 Đinh Tiên Hoàng được giao cho viễn thông, còn tòa nhà A giáp phố Lê Thạch giao cho bưu điện.
Bưu điện trung tâm được coi cột mốc để tính cây số từ Hà Nội đến các nơi khác. Bởi lẽ ấy, khi xóa đi một hình ảnh quen thuộc, đặt biển tên doanh nghiệp vào, đều dễ làm người dân cảm thấy tiếc nuối.
“Theo tôi, Hồ Gươm luôn trong tâm khảm người dân Hà Nội và du khách thập phương, ai cũng nghĩ tới chuyện đi chơi bờ hồ, ăn kem bờ hồ, ngước lên nhìn thấy Bưu điện Hà Nội nhưng giờ mọi người thấy VNPT Hà Nội vô cùng khác lạ. Về mặt văn hoá tôi cho rằng nên sửa lại là Bưu điện Hà Nội, có thể làm bảng tên VNPT Hà Nội nhưng đặt ở vị trí thấp hơn”, PGS.TS Hà Đình Đức nói.
Theo ông Tuấn (thợ chụp ảnh ở Hồ Hoàn Kiếm hơn 30 năm) cho biết, trong suy nghĩ của ông cùng nhiều người dân thủ đô, Bưu điện Hà Nội không đơn giản là một địa danh nữa, mà đó là kỷ niệm, hơi thở ngày xưa dội về hiện tại và khát khao bền vững ở tương lai.
“Chỉ cần nhắc rằng đang ở ngay dưới chân Bưu điện Hà Nội thì mọi người sẽ định hình được tôi đang đứng ở vị trí nào. Làm thợ chụp ảnh ở đây suốt bao năm qua nên tôi nghĩ nên đổi lại tên Bưu điện Hà Nội như cũ thay vì bảng tên VNPT Hà Nội. Cái gì đã là văn hóa, truyền thống thì không nên thay đổi”, ông Tuấn chia sẻ.
Cùng chung quan điểm với ông Tuấn, bà Nguyễn Thị Mai (70 tuổi, ngày nào cũng đi tập thể dục ở bờ hồ Hoàn Kiếm) cho biết, khi tấm biển Bưu điện Hà Nội được tháo xuống thay thế bằng bảng tên VNPT Hà Nội bản thân bà cùng nhiều người ai ai cũng thấy hụt hẫng, khác lạ.
Bà Mai mong muốn giữ lại cái tên nguyên bản của tòa bưu điện 5 tầng, mặc dù VNPT là đơn vị quản lý, có thể treo biển VNPT Hà Nội ở trước sảnh, còn bảng “Bưu điện Hà Nội” vẫn giữ vị trí cũ. Như vậy giá trị hơn rất nhiều.
“Tôi đồng ý với việc giữ lại tên Bưu điện Hà Nội. Phía trên để nguyên biển, phía dưới đặt dòng chữ nhỏ VNPT Hà Nội cũng được. Giờ thay đổi thấy lạ lắm”, bà Mai thành thật nói.
Sở Văn hoá “đòi lại” tên cho Bưu điện Hà Nội
Từ tháng 11/2017, Viễn Thông Hà Nội (VNPT Hà Nội) từng có văn bản gửi Thành ủy, UBND TP Hà Nội đề cập đến việc sửa chữa thay thế thiết bị của đồng hồ Bưu điện ở 75 Đinh Tiên Hoàng. Theo đó, đồng hồ Bưu điện làm từ năm 1977, đến năm 1978 được đưa vào hoạt động. Qua 40 năm hoạt động, đồng hồ Bưu điện bên cạnh hồ Hoàn Kiếm trở thành một trong những biểu tượng Thủ đô.
Tuy nhiên, theo thời gian, các bộ phận của đồng hồ dù được bảo dưỡng với những quy trình nghiêm ngặt nhưng đã bị xuống cấp. Nhiều bộ phận đã hư hỏng cần phải được sửa chữa thay thế để đảm bảo đồng hồ tiếp tục hoạt động chính xác.
Do tháp đồng hồ có vị trí quan trọng, nằm cạnh hồ Hoàn Kiếm nên VNPT Hà Nội báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội mong nhận được ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn việc sửa chữa đảm bảo đúng quy định.
Trước đề xuất trên, vào tháng 3/2018, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội có văn bản báo cáo UBND TP nêu ý kiến thống nhất việc sửa chữa thay thế thiết bị đồng hồ Bưu điện để đảm bảo hoạt động chính xác. Sở cũng đã có ý kiến về tên gọi và yêu cầu giữ nguyên kiến trúc bên ngoài của đồng hồ nhằm lưu giữ hình ảnh đã có từ lâu trong tâm thức người Hà Nội.
Đến ngày 6/11, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, các phòng chuyên môn của Sở đang tập hợp ý kiến để làm báo cáo gửi UBND thành phố kiến nghị một số vấn đề, bao gồm việc xem xét đổi lại biển tên Bưu điện Hà Nội.
Theo Sở VH&TT Hà Nội, việc bảo tồn di sản của Thủ đô cần phải quan tâm đến cả các di sản tiêu biểu của kiến trúc bởi đó là những minh chứng cho lịch sử văn hiến nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội. Chính vì vậy, Sở cho rằng, đơn vị chủ quản tòa nhà này (Công ty Viễn thông Hà Nội) nên 'trả lại' cái tên Bưu điện Hà Nội như trước đây.
Sở còn cho biết thêm, sẽ kiến nghị UBND TP xem xét theo chiều hướng đồng thuận với ý kiến nhân dân về việc nên thay tên hiện nay - VNPT Hà Nội bằng tên vốn có của công trình, chính là Bưu điện Hà Nội.