Hơn 25 năm sống một mình, ăn cơm hộp và dành tình yêu cho ngoại ngữ
Ông Chánh năm nay đã gần 80, ở độ tuổi này lẽ ra người ta đã ở nhà để con cháu chăm nom. Thế nhưng, ông lại chọn cách tận hưởng cuộc sống bằng việc cần mẩn đến thư viện, và luyện học mỗi ngày. Vì với ông, con chữ không chỉ là một thứ đam mê mà còn để quên sự cô đơn cuối đời.
Chỉ cần đến thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM (Quận 1, TP.HCM), hỏi: Ông cụ học tiếng Anh?, là bạn sẽ được mọi người chỉ ngay. Ông có mái tóc bạc phơ, ngày ngày vẫn khom lưng ngồi lật từng trang từ điển, cặm cụi chép bài đã không còn xa lạ với nơi đây.
“Đến tuổi này vẫn ham học tiếng Anh là vì tôi mơ ước một ngày nào đó có thể thoải mái đọc báo chí nước ngoài, tự do giao tiếp tiếng Anh như người bản xứ” - ông Chánh cười.
Cứ thế, gần 25 năm nay, đều đặn mỗi sáng ông Chánh lại cắp quyển tập đến thư viện ngồi tận tối mới ra về. Ngày trước, ông cũng bắt đầu việc học tại nhà rồi ra công viên. Song do môi trường ồn ào quá, thế nên ông mới chọn vào thư viện làm nơi học tập. “Vừa yên tĩnh, lại có môi trường tốt, sách vở nhiều, mọi người đều đến để học tập nên làm mình cũng có động lực hơn.”
Chia sẻ về cái duyên đưa ông đến với tiếng Anh, ông Chánh tủm tỉm cười: Đó là bởi tình yêu của ông dành cho cô con gái út. “Ngày trước, thấy con học ngoại ngữ rất khó khăn. Nhiều chỗ không hiểu, con hỏi thì mình cũng không biết giải thích sao. Thấy vậy, tôi mới chép hết các từ vựng ra giấy rồi mày mò tìm hiểu, sau đó giảng lại cho con nghe để học tốt hơn” - ông kể.
Từ đó, ông cũng tạo ra cách học ngoại ngữ dành riêng cho lứa tuổi của mình. Hằng ngày, ông Chánh tra cứu, ghi chép rất tỉ mỉ. Ông dùng 3 màu mực và phân loại cẩn thận: Màu xanh là động từ quy tắc, màu đỏ là động từ bất quy tắc. Hệ động từ màu xanh thì danh từ phía sau màu đỏ và ngược lại.
Học từ vựng xong, ông lại ngâm cứu luôn cấu trúc ngữ pháp, dùng sao cho đúng, cho nhuần nhuyễn. Những lưu ý quan trọng hơn được lưu bằng nét gạch dưới chân chữ. Từng câu từng chữ ngay hàng thẳng lối trên giấy, dù đã bạc phếch màu vẫn được ông giữ nguyên. Hiện, ông cụ đã có khối tài sản kết xù là 50 quyển tập 200 trang ghi đầy từ vựng tiếng Anh.
Ông kể: Ngày nào không lên thư viện là khó chịu lắm. Bởi từ ngữ, những cấu trúc mới luôn thôi thúc ông phải tra rõ, biết nghĩa chính xác. Chỉ có thế, giấc mơ của ông mới nhanh chóng thành sự thật. Và dù ngày nắng hay mưa, ông luôn nhắc bản thân phải tiếp tục học tập nhiều hơn.
Ngoài ước mơ thông thạo tiếng Anh, ông Chánh còn dự định sẽ xuất bản cuốn sách về âm tiết tiếng Anh. “Tôi đã chuẩn bị được 600 trang đánh máy rồi, chỉ hai năm nữa thôi là đủ tư liệu để gửi đi xuất bản.”
Ông Chánh là một người Sài Gòn đáng trân quý!
Thăng trầm gần 80 năm đời người, ông Chánh đã đi qua không ít. Ngày ấy, ông sinh ra trong một gia đình truyền thống hiếu học, các anh chị đều đậu vào các trường đại học danh tiếng Pháp, thế nên phần nào ông cũng noi gương theo anh chị. Trước năm 1975, ông từng làm kiểm soát viên không lưu ở sân bay Nha Trang, sau đó vì biến cố nên gia đình di dân vào Sài Gòn sinh sống vào những năm 60.
Ông có 3 người con, 2 cô con gái đã định cư nước ngoài, còn cậu con trai gầy dựng sự nghiệp ở Sài Gòn nhưng chẳng may thất bại. Không để phụ thuộc vào con, ông Chánh quyết định thuê trọ trên đường Phạm Ngũ Lão sống một mình qua ngày.
Kể lại chuyện buồn đời mình, ông cười trừ: “Sống đến độ tuổi này là tôi quý rồi, không còn oán trách gì cả. Chuyện còn lại xem như quy luật, nước mưa từ trên rớt xuống chứ không rơi ngược lại. Mình là mình chỉ thương cho con cho cái bớt khổ cực mà thôi.”
Mỗi sáng bắt đầu với ông cụ bằng một ly cà phê sữa đá. Rồi ông lại bon bon chạy con xe đến thư viện học. Khi nào mệt lại lên máy tính thư viện đọc báo, coi tin tức hay đi lòng vong thư giãn gân cốt. Chiều tà, ông lại trở về căn trọ, hoặc ra công viên gần nhà tản bộ, đánh cờ với mấy người bạn già. Được bữa may mắn thì ăn cơm từ thiện 2.000 đồng, bữa tối cũng chỉ vỏn vẹn ổ bánh mì hay vài trái chuối là xong.
Cuộc sống thiếu thốn vậy! Nên thỉnh thoảng có người nhờ ông viết thư, giao tiếp ngoại ngữ thì gửi ông ít tiền. “Tôi ít có tiền lắm! Mỗi lần ai nhờ việc gì được vài trăm thù lao là để dành mua sách vở thôi. Sau này, đủ tư liệu rồi tôi sẽ học vi tính, như vậy không cần xoá xoá, cần sửa ở đâu thì thêm vào thôi.”
Gần 50 năm sống ở Sài Gòn, ông Chánh là nhân chứng sống cho cái thành phố sôi động, bao lần thay áo mới này. Ông kể: Sài Gòn nơi người trăm miền đổ về để lao động trí tuệ. Chính sự văn minh của thành phố này góp phần thôi thúc ý chí trao dồi ngôn ngữ của ông.
Ông còn nợ Sài Gòn nhiều ân tình không thể kể xiết. Là người bạn già mỗi ngày giúp ông thôi lo nghĩ về sự cô độc, là cô chủ nhà cho ông ở trọ miễn phí, là hộp cơm từ thiện tiếp sức việc học tiếng Anh, là cái tình cái nghĩa cngười Sài Gòn để ông đi qua cơn khốn khó của tuổi già…
Và là ông Chánh 80 năm, một người Sài Gòn trân quý mà thôi!