Thông tin trên báo Thanh Niên đăng tải, sáng 1/10, mực nước trên sông Thao (sông Hồng) đang lên nhanh khiến nhiều vùng trũng thấp ven sông ở một số tỉnh thành có nguy cơ ngập lụt trở lại.
Theo ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 7 giờ sáng 1/10, mực nước trên sông Thao tại Lào Cai đạt 80,04 m (trên báo động 1 - 0,04 m), tại Yên Bái đạt 27,03 m (dưới báo động 1 2,97 m).
Ông Phùng Tiến Dũng dự báo, từ 1 - 2/10, mực nước sông Thao tiếp tục lên nhanh. Vì thế, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc bộ.
Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 3 Yagi, khu vực miền Bắc xuất hiện lũ lớn trên diện rộng. Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng cũng ghi nhận mực nước cao nhất trong 20 năm.
Các sông thuộc lưu vực sông Hồng, Thái Bình - hệ thống sông lớn nhất miền Bắc cũng xảy ra lũ, ngập lụt trên quy mô rộng lớn với nhiều mức vượt ngưỡng. Theo thống kê, có 20/25 tỉnh, thành phía Bắc xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng sau cơn bão số 3 Yagi.
Một số biện pháp phòng chống lũ lụt
Để đối phó với mưa lũ cũng như ngập lụt, người dân sống ở các khu vực vùng trũng thấp, có nguy cơ xảy ra ngập lụt cần chuẩn bị thuyền, phao, bè, mảng, vật nổi, gia cố nhà làm gác lửng, lối thoát trên mái nhà để ở tạm, cất giữ đồ đạc đề phòng lũ lên cao.
Bên cạnh đó, người dân cần dự trữ nước uống, lương thực, thực phẩm, thuốc men, để đủ dùng trong ít nhất 7 ngày, tìm hiểu cách ngắt điện, gas và nước. Người dân cũng cần chủ động sơ tán khỏi vùng bãi sông, vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Đồng thời, cẩn lưu giữ các số điện thoại và địa chỉ liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.