Gần 1 tháng nay các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đồng loạt ra quân lập lại trật tự giao thông, trật tự đô thị, giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Thực hiện chỉ đạo này, lực lượng chức năng đã huy động xe cẩu phá dỡ bậc tam cấp của các căn nhà lấn chiếm vỉa hè trên một số tuyến phố. Nhiều người dân cho biết sau khi bị phá bậc thềm, việc đi lại trở nên khó khăn hơn nhất là người già và trẻ nhỏ.
Bên cạnh đó, một số hộ dân còn tỏ ra bức xúc khi bậc thềm nhà mình bị phá. Có người còn đưa ra dẫn chứng việc xây bậc tam cấp nhô ra bên ngoài được sự đồng ý của UBND phường và sự giám sát của Thanh tra xây dựng.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền trong việc mạnh tay xử lý lấn chiếm vỉa hè, nhất là việc phá bậc thềm tam cấp. Không những tam cấp mà ban công của nhiều gia đình đều xây dựng trên đất không phải của mình. Từ những điều này, một số cư dân mạng đã đưa ra dẫn chứng về việc xây bậc thềm ở một số quốc gia trên thế giới để so sánh sự khác biệt với cách làm của Việt Nam.
Nếu như ở Việt Nam các hộ gia đình khi xây bậc thềm thường nhô ra ngoài để lấn chiếm diện tích vỉa hè thì một số nước trên thế giới, điển hình là Cộng hòa Séc việc xây dựng bậc thềm được thiết kế thụt vào bên trong của ngôi nhà, tránh làm ảnh hưởng đến không gian của người đi bộ.
Hình ảnh vỉa hè văn minh ở Cộng hòa Séc.
Chia sẻ trên một diễn đàn, độc giả Sương Nguyễn cho hay: “Bậc tam cấp ở nước ngoài không lấn chiếm vỉa hè một chút nào. Phố gọn gàng và sạch sẽ như thế này đây. Nhà cổ trăm năm cũng không chiếm đất của vỉa hè. Có nên ủng hộ dẹp vỉa hè làm đẹp phố”.
Không chỉ xây bậc tam cấp thụt vào phía trong của mép nhà, ở một số Thủ đô lớn trên thế giới như Paris (Pháp) Warsaw (Ba Lan), Brussels (Bỉ), Washington DC (Hoa Kỳ)… vỉa hè được quản lý rất chặt chẽ và nghiêm túc. Những thành phố này đều có vỉa hè khá rộng, có người bán hàng rong, nhạc công đường phố, xe bán thức ăn dạo… Tuy nhiên, những dịch vụ sinh lời này đều phải có giấy phép và phải trả chi phí.