Một đoạn đê Bùi 2 (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vỡ khiến hàng trăm hàng trăm hộ dân phía trong đê vẫn đang bị ngập sâu trong biển nước. Người dân chủ yếu phải đi lại bằng thuyền thậm chí, nhiều người còn giăng lưới đánh cá ngay trong nhà.
Cách Trung tâm TP Hà Nội chỉ vài chục km, ở huyện Chương Mỹ, người dân đang phải đối mặt với những ngày tháng cực kỳ khó khăn. Một đoạn đê sông Bùi bị vỡ, nước lũ tràn vào khu dân cư. Chưa bao giờ, nhiều người thấy cảnh tượng nước trắng trời như thế. Không chỉ bị thất thoát tài sản mà cuộc sống giờ đây đã hoàn toàn đảo lộn, ngay cả trong bữa ăn, giấc ngủ, người ta vẫn không hết lo sợ vì bão lũ.
Đường xá ngập lênh láng nước, nhiều nhà dân chìm trong “biển” nước. Người dân muốn đi lại, phải nhờ đến đội quân chở bằng xe cải tiến hoặc thuyền thúng với mỗi lượt người và xe máy là 20 nghìn đồng.
Thiệt hại nặng nề nhất là những hộ gia đình nuôi thủy sản. Nhiều hộ phải quây lưới để hạn chế cá trong hồ ao thoát ra ngoài. Trong khi đó, tranh thủ lúc mưa lũ, nhiều người lại vây bắt cá từ trong nhà ra đến ngoài đường để cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Dưới đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi nhận tại Chương Mỹ vào chiều nay (ngày 13/10):
Trước đó, theo thông tin từ ông Đỗ Đình Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến, đoạn đê bao Bùi 2 bị vỡ vào sáng ngày 12/10 đã khiến gần 400 nhà ở vùng trũng bị ngập, nhiều diện tích hoa màu bị hư hại.
Đặc biệt, có 9.900 mét đê bị ngập, bao gồm thị trấn Xuân Mai và các xã Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Thanh Bình và Đông Sơn.
Chính quyền cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an kịp thời di dời 618 hộ với 5.558 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Trong thôn có những ngôi nhà đến sáng ngày 13/10 vẫn bị ngập nặng.
Theo thống kê, 92ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch; khoảng 842,4ha cây vụ Đông bị hư hỏng; diện tích cây ăn quả bị ngập khoảng 63,8ha; diện tích thủy sản bị ngập khoảng 125ha. Tính đến nay, trên địa bàn huyện, mưa lũ đã làm chết 178 con gia súc, 9.700 con gia cầm.
Lối đi lại trong thôn nay trở thành ” sông ”.
Ở những vùng trũng ngập sâu, người dân phải dùng xe kéo để di chuyển người và phương tiện.
Phương tiện thông dụng nhất trong mùa mưa lũ.
Người dân giăng lưới đánh cá ngay trong sân nhà.
Thu hoạch ngày mưa lũ.
Thời điểm bị ngập sâu nhất nước dâng tới tận ngực người lớn, bà con phải di chuyển bằng những chiếc thuyền như thế này.