Luật sư Trương Thị Hoà (1946) là nữ luật sư gạo cội thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM. Hiện bà đang làm việc tại văn phòng Luật sư riêng ở phường Bến Nghé, quận 1.
Hơn 40 năm trong nghề, luật sư Trương Thị Hoà đã tham gia nhiều vụ kiện lớn nhỏ. Đặc biệt nữ luật sư giúp đỡ không công cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em…
Gần đây, bà đã trở thành luật sư đại diện cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong vụ ly hôn nghìn tỷ của vua cafe Trung Nguyên
- Có bao giờ luật sư Hoà nghĩ đến lúc dừng lại chưa?
- Hôm bữa đi làm về, cô đón một cuốc xe ôm, bình thường đi với giá 35 nghìn đồng, nhưng hôm đó không có xe nên tài xế lấy 70 nghìn. Tới nơi, ông ấy cũng hỏi như con: “Cô lớn tuổi rồi mà vẫn còn đi làm sao?”
Cô bảo: Còn giúp được người thì còn làm, tuổi tác đâu có gì quan trọng. Cũng như anh từng tuổi này vẫn chạy xe, nếu chiều nay không đón được cuốc xe của anh thì ai giúp đưa tôi về. Thế là ông ấy cười: Vậy là tôi cũng đang giúp người sao?, rồi khăng khăng chỉ nhận 35 nghìn.
Đấy! Tuổi tác đâu có gì quan trọng, khi nào cô vẫn còn giúp được người ta thì cô vẫn là luật sư…
“Trước khi bước qua cánh cửa văn phòng của tôi, họ có thể buồn bã. Nhưng ra về thì luôn nở nụ cười”
Trong suốt câu chuyện ngoài lề này, luật sư Trương Thị Hoà luôn bảo tôi rằng: “Đừng kể quá nhiều về con người cô trước công chúng…”
Vì vậy, tôi dùng những trang viết này không phải để ca tụng tên tuổi vị luật sư hơn 40 năm giúp đời, cũng không phải để miêu tả lại khuôn mặt nghiêm nghị, lý lẽ đanh thép của người phụ nữ ‘bí ẩn’ đã bên cạnh vua cafe Trung Nguyên trong mỗi phiên toà ly hôn.
Ở đây chỉ có câu chuyện kể về người phụ nữ bình dị, say mê luật, yêu áo dài, thích Việt Nam, luôn đứng về người nghèo để đấu tranh cho điều tốt. Hay đơn giản là một người vợ của một gia đình nhỏ.
Luật sư Hoà nhớ lại: Năm đó, trong một lần tình cờ trên đường đi học về, cô phải trú mưa trong khuôn viên một tòa án. Đứng ở đó, cô thấy một nữ luật sư đang tham gia tranh luận, tiếng vang vọng giữa không gian phiên tòa. Hình ảnh ấy cứ đeo đuổi suốt thời thơ ấu khiến cô vô cùng thích thú. Khi nhận ra nghề luật sư có thể giúp mình tiếp cận được với mọi người và giúp đỡ họ, cô lại càng say mê.
“Ngày ấy, nhiều người vẫn nghĩ luật sư phải là nam giới mới tốt. Cô nhớ có người từng nói thẳng với một luật sư của văn phòng cô rằng: “Nghe giới thiệu luật sư Hoà là luật sư nữ, tôi đã không muốn nhờ”. Dù vậy, cô vẫn quyết bám nghề và tin rằng xã hội cũng có ngày xa rời quan niệm đó” - luật sư Hoà kể lại.
Năm tháng đại học, cô đã học nhiều ngành khác nhau như ngôn ngữ học, nhân chủng học, xã hội học, văn hoá học, tâm lý học,… để bồi trợ cho công việc trân quý của mình. Nhiều hôm trùng lịch, vừa thi xong nơi này lại phải chạy đến học ở chỗ khác, nhưng cô Hoà luôn cảm thấy vui vì thực hiện được đam mê.
Thắm thoắt đã 40 năm, cái tên Trương Thị Hoà đã gắn bó với hàng nghìn vụ kiện lớn nhỏ. Từ những cuộc ly hôn nghìn tỷ của đại gia, án tử hình của một chàng trai trẻ tuổi, cảnh ngặt nghèo trong một gia đình sắp tan vỡ, hay đơn giản là đưa lời khuyên cho người dân thiếu hiểu biết luật pháp…
“Cái vui nhất trong nghề là trước khi họ bước qua cánh cửa văn phòng của cô, họ có thể cau có, buồn bã, thất vọng,… nhưng khi ra về thì luôn nở nụ cười” - vị luật sư bộc bạch.
Cứ thế, văn phòng luật Trương Thị Hoà đã trở thành nơi lui tới của vô vàn người dân “thấp cổ bé họng”. Ở đó, sau 4h chiều, vị luật sư gạo cội luôn cố tình nán lại thêm xíu thời gian chỉ để chờ đợi được cho họ lời khuyên, hoặc là một nụ cười lạc quan để ra về.
“Trước mỗi vụ kiện, khi thân chủ tìm tới cô thì cô đều khuyên nhủ họ nên suy nghĩ lại rất nhiều. Vì gia đình, vợ chồng, con cái,… mà có thời gian hàn gắn. Ấy vậy, nhiều người nghe xong rồi ra về, thôi không ra toà nữa.”
Trong những phiên toà quan trọng, vị luật sư luôn chọn mặc bộ áo dài thướt tha, lịch thiệp. Lý giải về điểm đặc biệt này, cô kể: Những bộ áo dài đều được đặt may tại quê nhà ở Trà Vinh. Người thợ may tự nhìn cô trên ti vi rồi chỉnh sửa, cách tân,… chứ chưa từng phải đo đạc lại một lần.
“Đi học, đi chợ, đi dạo hay cả tham dự toà án thì cô đều mặc áo dài bởi nó thể hiện sự duyên dáng, bình dị của người con gái Việt. Nhiều khi ra nước ngoài, người ta thấy cô mặc áo dài, cầm thêm chiếc nón lá lại thích thú chụp hình khiến mình vô cùng tự hào”.
“Người ta gọi tôi là người mẹ đang bảo vệ đàn con…”
40 năm trong nghề, cũng không ít khó khăn, lẫn kỉ niệm vui buồn xảy ra. Thế nhưng, nhờ ngọn lửa nghề mà luật sư Hoà luôn được soi sáng con đường đi tìm công lý.
“Năm đó, có chàng trai kia phạm tội hình sự nặng nên bị kết án tử hình. Gia đình tìm tới cô khóc lóc, năn nỉ. Lúc gặp cậu ấy trong tù, cô chỉ nói: Hết phiên toà này thì con lại làm lại cuộc đời, hổng có gì phải sợ nên cứ thành thật với chính mình.
Ngày ra toà, VKS yêu cầu tử hình, cô cãi thành chung thân. VKS kiến nghị lên trên tử hình, cô vẫn cãi thành chung thân. Rồi cậu ấy ở trong tù, chăm chỉ làm, tu tập dần. Có lần vào thăm thì cậu khoe: Con đã được bể án tù (giảm năm tù-PV). Cô mừng lắm!
Lúc về, cậu còn dặn: Đường cái xe cộ đông nên luật sư nhớ cẩn thận. Đấy! Họ mắc án tử nhưng vẫn tình cảm như vậy.” - luật sự Hoà nhớ lại.
Rồi buổi chiều nọ, đang ngồi ở văn phòng của mình thì có một cậu con trai dắt theo một cô gái đến rồi nói lớn: Đây, đây là người phụ nữ đã giúp anh trong vụ án năm ấy. Bà như người mẹ bảo vệ con hơn là luật sư biện hộ.
“Cậu ấy không cảm thấy xấu hổ mà còn tự hào kể lại cho vợ nghe về quá khứ. Nhiều năm sau này, có người còn đưa vợ, con cháu đến thăm mình, nên ở đây cô ví cái văn phòng của mình như cái chùa vậy.” - luật sư Hoà dí dỏm kể.
Bao câu chuyện nhỏ xíu xíu trong suốt hơn 40 năm theo nghề được vị nữ luật sư kể bằng niềm tin lấp lánh như thế. Để rồi sau nụ cười thường trực trên khuôn mặt già nua, cái vỗ vai mừng thầm cho một người buồn bã vừa mới tươi tắn trở lại sau cánh cửa văn phòng,… Tôi thầm hiểu rằng: việc giúp người giúp đã trở thành cảm hứng giúp luật sư Hoà luôn kiên trì trên con đường đi tìm cán cân công lý.
Cuộc sống ở tuổi 73, không con cái, nhưng cô chưa bao giờ cô đơn. Bởi vị luật sư còn có hàng nghìn người học trò, người nghèo khó ở bên cạnh suốt hơn 40 năm.