Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Nỗi trăn trở của những phận người ở khu ‘ổ chuột’ chân cầu Long Biên vì dịch COVID-19: Ăn mì tôm, gạo tiếp tế sống qua ngày…

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hàng trăm người lao động nghèo ở khu “ổ chuột” chợ Long Biên, Hà Nội thêm chồng chất gánh nặng, lo toan. Nhiều người cả ngày chỉ quanh quẩn bốn bức tường nhà trọ, không có thu nhập…

“Giam mình trong nhà” đến bủn rủn chân tay

Gần 1 tháng nay, bà Đỗ Thị Thanh Hà (57 tuổi) cứ hết chui ra lại chui vào quanh quẩn trong 4 bức tường nhà trọ cũ nát ở khu “ổ chuột” dưới chân cầu Long Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. Dịch bệnh COVID-19 khiến cuộc sống của không chỉ bà Hà mà hàng trăm người dân ngụ cư bám trụ ở góc chợ Long Biên bị ảnh hưởng.

Những chiếc xe đẩy hàng thuê, xe đẩy bán nước chè, bán cháo… của những người lao động nghèo xếp xó một góc. Kể từ khi ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều người đã tạm lánh về quê. Tuy nhiên, có người vì lý do nào đó không dám về vì sợ bị đồn “mang dịch bệnh” về nhà. Có người thì không có chốn để về vì chẳng còn ai thân thích.

Những căn nhà trọ leo lắt của những người lao động nghèo dưới chân cầu Long Biên.

Nhiều ngày nay xe chở hàng mọi người dựng một góc do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Chiếc xe đẩy bán cháo của bà Hà những ngày trước xếp gọn một góc trong căn nhà trọ rộng khoảng 20m2. Trước đây, thời điểm chưa có dịch bệnh COVID-19, hằng ngày bà đẩy xe chở nồi cháo đầy bán ở chợ Long Biên rồi rong ruổi bán khắp lối ở phố cổ Hà Nội từ sáng sớm tinh mơ đến chiều tàn. Thế nhưng, do dịch bệnh bà cùng những người kinh doanh khác bắt buộc phải nghỉ. Cũng từ đó, cuộc sống của người phụ nữ này thêm lo toan, khổ sở.

“Tôi ở trọ tại đây cũng đã hơn 8 năm rồi. Thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh nhiều người không có việc cũng đã về quê. Tôi ở lại đây nhưng con cái lo lắng nên đã đón về quê. Tuy nhiên, về quê được một tuần, từ một người đang đi làm quen ngày “lượn” vài km để bán hàng giờ tù túng một chỗ tôi không quen. Chân tay tôi bủn rủn như không có sức lực. Ở nhà một tuần thì tôi bảo với các con đưa xuống lại thành phố. Đi làm còn đỡ đần chúng nó bỉm sữa cho các cháu nhỏ chứ cuộc sống của các con đều vất vả, khổ sở”, bà Hà tâm sự.

Dịch bệnh khiến cuộc sống của bà Hà thêm lao đao.

Thấy mẹ kiên quyết người con cũng đồng ý để chở bà Hà quay trở về với khu nhà trọ ở góc chợ Long Biên. Chồng bà Hà làm xe ôm hơn 10 năm nay, do ảnh hưởng của dịch cũng đã phải nghỉ việc về quê một thời gian.

“Hôm đi các cháu còn bảo “bà ở lại với con đi”. Tôi bảo bà đi chợ kiếm tiền mua sữa cho các con. “Con không cần đâu, con chỉ cần bà ở nhà thôi”. Nghe cháu nói vậy nhưng tôi chỉ có hai con gái đều đã lập gia đình, cuộc sống của chúng nó công việc không ổn định lại lo cho con nhỏ. Tôi phải cố gắng làm lo cho chúng nó chứ. Rồi còn lo kiếm thêm thu nhập trả tiền nhà trọ 2 triệu mỗi tháng nữa”, bà Hà nói.

Từ quê xuống khu nhà trọ, bà Hà cứ lượn ra rồi lượn vào quanh quẩn bốn bức tường suốt một tuần. Hết nằm lại nấu ăn, cứ đóng cửa phòng im ỉm. Cuộc sống lo toan cơm áo gạo tiền khiến bà Hà không chịu nổi.

Ngoài kia, dịch bệnh, nỗi lo bị xử phạt nhưng còn có nỗi lo lớn hơn thôi thúc bước chân bà Hà đi để kiếm sống qua ngày.

Như bao người khác, bà Hà cũng có nỗi lo bị xử phạt khi mưu sinh giữa lúc dịch bệnh, vậy nhưng nỗi lo “cơm áo gạo tiền” còn lớn hơn khiến bước chân thôi thúc bà Hà ra đường kiếm sống qua ngày. Bà thật thà kể, hai hôm nay bắt đầu nấu cháo rồi 1 giờ sáng đẩy ra góc chợ Long Biên bán cho những hộ kinh doanh, người lao động trong chợ. Bà bê từng bát cháo đưa đến tận nơi phục vụ rồi lại quay về xe múc bát kế tiếp đưa cho người khác. Cứ như thế người phụ nữ này lượn đến chùng hai đầu gối cho tới khi trời tờ mờ sáng lại vội vã thu dọn để trở về nhà.

“Do dịch bệnh, công an không cho buôn bán nên phải đi trộm vụng thế này. Tôi cũng đảm bảo đeo khẩu trang an toàn, bê cháo phục vụ từng người xong sau quay lại lấy bát. Đến khi trời sáng tôi hối hả thu dọn lại. Trước có ngày bán 3 nồi cháo được 300 nghìn đồng, còn giờ một nồi bán không hết cũng vội thu dọn chứ nhỡ bị xử phạt thì mất cả gốc lẫn lãi”, bà Hà kể.

Tháng vừa qua không có việc làm, bà Hà cùng một số người dân tại khu trọ nghèo đang xin chủ nhà giảm bớt tiền phòng để đỡ thêm gánh nặng. “Chúng tôi sẽ gặp rồi chia sẻ mong chủ nhà bớt một phần nào đó tiền nhà trọ. Chủ nhà bớt cho được đồng nào hay đồng đó chứ không làm ra tiền chúng tôi không biết lấy gì để đóng”, bà nói.

Nửa tháng không biết mùi thịt lợn, sống qua ngày nhờ gạo, mì tôm cứu trợ

Còn với cô Vũ Thị Phương ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội cũng phải dời quê đến nay gần 10 năm để bám trụ với nghề bán nước ở chợ Long Biên. Suốt gần tháng qua xe hàng chở nước của cô Phương phải dựng trong góc vì dịch bệnh. Cũng từ đó cô Phương trở thành người thất nghiệp. Người phụ nữ này hiện đang trọ cùng mẹ già là bà cụ Nguyễn Thị Si (88 tuổi, bị liệt và lẫn trí suốt 8 năm qua).

Cô Phương chăm sóc mẹ già 88 tuổi bị tai biến.

Ngồi trong ngôi nhà chưa đầy 10m2, cô Phương kể, chồng mất cũng đã nhiều năm. Nhà có hai người con một trai một gái. Do hoàn cảnh khó khăn nên cô Phương để hai con ở nhà rồi bám trụ ở góc chợ Long Biên, Hà Nội bán nước. Nhà chỉ còn duy nhất một mình nên người phụ nữ này đón mẹ già bị tai biến từ quê lên nhà trọ chăm sóc.

Hằng ngày, cô dậy sớm hãm nước chè, vối… để bán. Rửa mặt mũi, lo sinh hoạt cá nhân, chuẩn bị đồ ăn sáng cho mẹ già rồi lóc cóc đẩy xe rời khỏi nhà.

Chiếc xe đẩy di động cứ thế rong ruổi đi bán ở quanh chợ Long Biên rồi một số con phố khác. Công việc bắt đầu từ 8h sáng kéo dài đến 5h30 chiều lại vội trở về nhà để chăm sóc mẹ già.

Do ảnh hưởng của dịch nên cuộc sống mẹ con cô Hương chịu nhiều khổ sở.

Hằng ngày người phụ nữ này phải chăm sóc mẹ già yếu.

“Có hôm về thấy mẹ ngã lăn dưới đất lòng tôi đau như cắt. Bản thân cũng muốn ở nhà chăm sóc mẹ nhưng nếu ở nhà thì không có tiền để trang trải cuộc sống cho cả hai mẹ con. Tiền thuê giúp việc tôi cũng không có nên đành phải khoá cửa để mẹ ở trong phòng một mình cả ngày. Chiều về lại vội tắm rửa, chăm sóc cho mẹ”, cô Phương chia sẻ.

Vì tuổi bà Si đã cao, sợ mẹ ở nhà có chuyện bất trắc, cô Phương đã ghi cả số điện thoại của mẹ vào cửa phòng, để có việc gì đó mọi người kịp thời thông báo. Thi thoảng cô cũng nhờ hàng xóm xung quanh sang đỡ đần cụ Si. Số tiền kiếm được mỗi ngày khoảng 200 nghìn đồng cũng chỉ đủ cho hai mẹ con sinh hoạt, đóng tiền nhà trọ hàng tháng.

Trên cửa viết rõ số điện thoại phòng những lúc mẹ già ở trong nhà xảy ra sự cố.

Vì quá nhiều chuột nên cô Phương đã treo mì tôm cứu trợ lên trước cửa.

Từ ngày có dịch bệnh, cuộc sống của hai mẹ con gặp nhiều khó khăn. Cô không có tiền mua bỉm cho mẹ. Gạo với mì tôm thì được đoàn từ thiện giúp đỡ. Cô trải lòng: “Nửa tháng rồi mẹ con cũng chưa ăn và biết mùi thịt lợn, có hôm thì chỉ chiên quả trứng lên mẹ con ăn với cơm, có hôm thì mua cháo gói pha cho mẹ. Nhiều khi thèm ăn gì đó nhưng không dám mua vì còn phải lo tiền đóng nhà trọ nữa. Thôi âu cũng là cuộc sống của tôi đã như vậy rồi. Có hai con giờ cũng đã đi làm rồi, nhiều lúc cũng muốn về với các con nhưng không muốn chúng nó thêm gánh nặng.

Mẹ tôi bị lẫn nên có hôm bà quấy cả đêm khiến tôi không ngủ được, dù ban ngày đã phải làm việc rất mệt mỏi. Dù vậy, tôi cũng phải cố lo cho mẹ, được ở bên mẹ là vui rồi, kiếm tiền nhiều mà không có mẹ thì cuộc sống cũng không có ý nghĩa gì”.

Chiếc gánh đã theo bà Dung hàng chục năm nay nhưng mấy ngày qua đành phải để một góc nhà.

Cầm chiếc gánh đã theo mình hàng chục năm, bà Nguyễn Thị Dung (55 tuổi, ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) kể, những ngày qua do ảnh hưởng của dịch bệnh nên bà làm bữa được bữa mất.

Suốt bao năm qua các lối đi lại trong chợ Long Biên đã in hằn không biết bao nhiêu vết chân của người phụ nữ này. Khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt lộ rõ những nếp nhăn khi nhìn đứa con gái 15 tuổi khờ khạo, bà Dung không khỏi lo âu.

Con gái 15 tuổi ngây dại khiến bà Dung thêm lo toan.

Hai vợ chồng bà Dung có được mụn con gái, rồi đặt tên con là Nguyễn Thị Nhung. Khi Nhung được 5 tháng tuổi thì chồng bà Dung đột ngột qua đời vì ung thư. Cuộc sống ở quê khốn khó nên khi con gái 2 tuổi bà ôm con lên Hà Nội, mẹ con bà bám trụ tại khu chợ Long Biên này từ đó. Hằng ngày người phụ nữ này ôm con nhỏ đi làm thuê đủ thứ nghề với mong muốn có tiền để lo cuộc sống cho cả hai mẹ con. Tuy nhiên, đến nay đã 15 tuổi nhưng người con gái của bà Dung vẫn khờ khạo, ngây ngô như đứa trẻ lên 3.

Thế nhưng suốt bao năm qua Nhung vẫn theo mẹ hằng đêm. Từ 22h đêm, bà Dung cùng con gái ra chợ Long Biên bắt đầu công việc. Bà nhận gánh hàng thuê cho các chủ buôn, ai thuê gì gánh nấy. Lẽo đẽo sau người mẹ này luôn có hình bóng của người con gái khờ dại.

Suốt bao năm qua Nhung luôn lẽo đẽo theo mẹ trắng đêm ở chợ Long Biên.

“Để con ở nhà tôi cũng không yên tâm nên đành cho con đi cùng. Bao năm qua mẹ con đi đâu cũng có nhau. Tôi gánh hàng thì con đi theo cạnh không rời nửa bước. Công việc kéo dài từ đêm đến sáng hôm sau bất kể ngày mưa nắng, rét mướt. Người ta có mụn con để trông đợi và hy vọng nhưng với tôi bao năm qua vẫn phải lo cho con gái từng tí, nghĩ mà thêm lo lắng”, bà Dung chia sẻ.

Ngày trước mỗi đêm bà Dung cũng kiếm được 150 - 200 nghìn đồng từ việc gánh hàng thuê. Do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến bà Dung phải nghỉ nhiều ngày không có thu nhập, có ngày cũng chỉ kiếm được 50 nghìn đồng khiến cuộc sống của hai mẹ con thêm khổ sở.

“Chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi chứ như thế này những ngày tới không biết mẹ con lấy gì để sống, khổ lắm. Tôi giờ cũng có tuổi rồi sức khoẻ giảm đi nhiều, còn bị co thắt đại tràng nên lắm lúc phải nghỉ làm. Điều tôi lo nhất sau này con gái sẽ ra sao đây”, bà Dung bày tỏ.

Bà Thìn bao năm qua lăn lộn với nghề nhặt rác.

Còn với bà Nguyễn Thị Thìn (85 tuổi) cũng đã ở khu nhà trọ lụp xụp đến nay hơn 10 năm. Mở nồi cơm với ít rau và vài miếng chả cá được mọi người cho, bà Thìn bảo đây là thực đơn cho cả ngày.

Bà Thìn vốn kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai ở chợ Long Biên nhưng do đợt dịch bệnh nên nghỉ nhiều ngày nay. Suốt ngày bà chỉ quanh quẩn ở trong nhà trọ cũ nát chứa đầy phế liệu lượm lặt về.

Bữa cơm đạm bạc của bà lão 85 tuổi là gạo cứu trợ, rau với chả cá được mọi người cho.

Góc giường bề bộn đồ của bà lão.

Trong nhà đâu đâu cũng thấy phế liệu.

Những ngày qua bà Thìn không kiếm ra tiền, cuộc sống của bà lão trông chờ vào sự giúp đỡ của nhiều người. Có người thì cho bà gạo, có người cho mì tôm, người cho trứng… Ai cho gì bà ăn nấy.

“Thi thoảng mọi người cho đồ ăn thì còn có mà ăn chứ nhiều hôm pha gói mì tôm là xong bữa. Tôi chỉ mong dịch bệnh đi qua sớm để tiếp tục đi nhặt phế liệu kiếm thêm thu nhập lo trang trải cuộc sống cũng như tiền nhà trọ”, bà Thìn chia sẻ thêm.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc