Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Nỗi khổ gia đình sống trong căn nhà 'tí hon' ở phố cổ Hà Nội

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Anh Nam chia sẻ, do sống trong ngôi nhà quá chật hẹp nơi phố cổ nên vợ con anh phải chịu nhiều khổ cực. Vợ anh Nam dù đang mang bầu 7 tháng nhưng phải đợi đêm đến khi mọi người đi ngủ hết mới cùng con gái ra ngoài ngõ tắm.

Phố cổ Hà Nội vốn ồn ào và náo nhiệt với những cửa hàng kinh doanh mọc san sát nhau. Đối với những người nhà “mặt phố” thì đây là nơi “hái ra tiền” từ việc kinh doanh, buôn bán… Nhưng ẩn sau những cửa hàng đông đúc, nhộn nhịp của khu phố cổ là những con ngõ siêu nhỏ, tối tăm sâu hun hún, quanh năm suốt tháng không bao giờ thấy ánh mặt trời.

Phố Ngõ Gạch, Quận Hoàn Kiếm được nhiều người biết đến với những con ngõ siêu nhỏ như vậy khi chiều rộng của chúng chưa đầy 50 cm và là nơi có nhiều ngôi nhà thiếu thốn đủ bề nằm ẩn sau mặt đường tấp nập.

Con hẻm trong phố Ngõ Gạch chỉ vừa một người đi.

Thấy khách đi vào sâu trong ngõ 14 phố Ngõ Gạch, một người dân cười cho hay ai nhỏ con có thể đi vào được chứ nếu người to béo thì chắc chắn không thể lách qua. Nếu muốn đi phải ép sát lưng vào tường nhà mới mon men được vào nơi bên trong tối tăm, sâu hun hút.

Đi gần hết con ngõ mới thấy được chút ánh sáng le lói xuất hiện là nơi giặt giũ, rửa rau, tắm giặt,… của một hộ gia đình. Tại đó, có tấm biển thông báo rất với dòng chữ “Đi vệ sinh xuống cống” khiến ai cũng ngỡ ngàng. Hỏi những người dân sinh sống tại đây thì được biết, chủ nhân của chiếc biển thông báo này là anh Nguyễn Phương Nam (29 tuổi) hiện đang sống ở tầng 2 căn nhà cổ nằm sâu trong ngõ cùng gia đình.

Cầu thang lối lên nhà anh Nam.

Nhà anh Nam rộng 8m2, phía ngoài là căn phòng đã được cơi nới, sửa lại để đặt bàn thờ. Anh Nam sinh ra và lớn lên trong con ngõ này, trước đây đã từng có thời gian anh và vợ ra ngoài thuê phòng trọ ở vì tại đây quá chật chội. Nhưng kể từ khi bố qua đời, anh cùng vợ lại dọn về đây sinh sống.

Ngay lối vào nhà anh Nam là khu bếp để gia đình anh đun nấu. Tuy nhỏ nhưng được anh bày trí khá gọn gàng và sạch sẽ. Trước đây căn nhà này ẩm mốc, chật hẹp khiến mọi sinh hoạt đều khó khăn. Nhưng từ khi lập gia đình, anh Nam đưa vợ con về đây thì đã sửa sang lại chút cho sạch sẽ.

Căn nhà rộng 8m2 là nơi vợ chồng anh Nam và con gái sinh sống.

Việc nấu nướng, ăn uống, ngủ nghỉ đều ở trong căn nhà chật hẹp này.

“Mùa này còn đỡ chứ mùa hè nắng nóng ngộp thở, lọ hoa vừa cắm xong đã héo ngay. Nhà tuy chật chội nhưng tính tôi rất gọn gàng sạch sẽ. Trong nhà không thiếu thứ gì chỉ không có nhà vệ sinh vì không gian không cho phép. Nhiều lúc muốn mời bạn bè đến đây chơi hay ăn uống nhưng cũng không thể lên được vì lối vào nhà quá chật, đi vệ sinh lại phải xuống đường rất bất tiện nên chẳng dám mời”, anh Nam tâm sự.

Không nhà vệ sinh, không nhà tắm cũng không có đường nước, hàng ngày gia đình anh Nam phải xách nước ở dưới ngõ lên để sử dụng. Việc tắm giặt, vệ sinh là vấn đề nhức nhối nhất khi mà cả nhà phải xuống dưới ngõ để… tắm tiên, vệ sinh cũng tại đó luôn và xả thẳng xuống cống.

Anh Nam cho biết, việc tắm rửa của mình còn đỡ chứ vợ con nhiều bất tiện.

“Tôi thì không sao, chứ vợ và con gái thì bất tiện lắm. Nhưng dù vậy vẫn phải cố gắng mà sống chứ biết làm sao được. Ở đây mỗi nhà tôi là không có nhà vệ sinh, phòng tắm. Chính vì thế chúng tôi phải xuống dưới ngõ để tắm giặt. Cứ đêm muộn người ta đi ngủ rồi mình mới xuống tắm, tôi là đàn ông nên tắm rửa thoải mái nhưng còn vợ và con gái thì khốn khổ. Mẹ con nó tắm cứ mặc nguyên cả quần áo. Dù chật chội, thiếu thốn như vậy nhưng vẫn phải ở chứ biết làm thế nào?”, anh Nam trải lòng.

Vừa tranh thủ nấu ăn, người đàn ông này tâm sự, mùa hè việc tắm rửa sinh hoạt còn đỡ khổ, mùa đông đến gia đình anh đủ đường khó khăn, khổ cực.

Góc bếp nơi vợ chồng anh Nam rửa bát đũa.

“Mỗi khi mùa đông đến, tôi lại sang nhà hàng xóm tắm nhờ còn vợ và con gái đi tắm dịch vụ hoặc vào viện để tắm thuê. Năm nay tôi cố gắng tìm gần đây xem có chỗ nào tắm thuê cho mẹ con nó đỡ khổ chứ ra tận bệnh viện hơi xa mà lại ngại nữa. Mỗi lần vào đấy lại phải nói trông người nhà rồi vào tắm luôn chứ nói nhà ở phố cổ không có nhà tắm phải đi tắm thuê họ cười chết”, anh Nam cười.

Ở ngõ nhỏ nhất của thủ đô, mọi sinh hoạt bình thường đã khó khăn, đến khi nhà có công chuyện cũng không tránh khỏi phiền phức. Anh Nam kể nhiều chuyện khổ đến rơi nước mắt khi nhà có người phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. “Trước đây mẹ ở cùng với vợ chồng tôi, nhưng mỗi khi bà ốm phải đi cấp cứu thì không thể bế xuống được, nên giờ bà sang nhà anh trai tôi bên Gia Lâm ở. Con ngõ này mỗi khi có người ốm thì xe cấp cứu không đưa cáng vào được, đi ra phải một người cõng, người đằng sau đỡ mới đi được”, anh Nam tâm sự.

Chị Hoa đang mang bầu tháng thứ 7 mệt nhọc giặt giũ quần áo.

Theo chị Hoa do nhà quá chật nên có muốn sắm máy giặt cũng không có nơi để.

Chỉ vào bức ảnh cháu nhỏ mấy tháng tuổi, anh Nam đau xót nói, đất này không hợp trẻ con. Năm ngoái, tại căn nhà này, vợ chồng anh không may mất đi con trai 4 tháng tuổi. “Tại chỗ rộng chưa đầy 4m2 nơi cả gia đình vợ chồng con cái nghỉ ngơi, vợ tôi ngủ say không may đè vào con khiến cháu tử vong. Khi ấy, vợ chồng tôi buồn lắm, hai vợ chồng an ủi, đông viên nhau để vượt qua nỗi đau mất mát này”, anh Nam đau buồn kể lại.

Xong anh lại nói tiếp, hiện tại vợ anh đang mang bầu được 7 tháng. Điều khiến anh Nam lo lắng nhất là vợ sắp đến ngày sinh, nhà lại chật hẹp, nước nôi không có khó có thể sinh hoạt được. Khi nào vợ sinh, anh Nam tính sẽ đi nơi khác, không ở đây nữa.

“Tôi đã tìm được một người chăm sóc cho hai mẹ con rồi, hai mẹ con sẽ ở luôn nhà người đó trong 1 tháng, tháng sau đó nữa thì tách hai mẹ con ra để người khác trông cho yên tâm. Ở đây điều kiện không đảm bảo được”, anh Nam chia sẻ.

Đêm khuya chị Hoa phải đợi mọi người đi ngủ hết mới dám ra ngoài ngõ để tắm sau đó giặt giũ quần áo, mùa đông thì đi tắm nhờ bệnh viện.

Ngồi giặt quần áo ở giữa ngõ, chị Hoa đang mang bầu tháng thứ 7 chia sẻ, trước đây vợ chồng chị thuê nhà ở huyện Gia Lâm. Khi bố chồng chị qua đời, hai vợ chồng cùng con gái chuyển về đây sinh sống. Thời gian đầu, chị cảm thấy khó khăn và bất tiện vô cùng, nhưng rồi ở mãi thành quen. Bây giờ những cái bất thường ngày xưa chị lại cảm thấy rất bình thường.

Dù đang mang bầu gần ngày sinh nở nhưng hàng ngày chị Hoa vẫn xách nước, giặt quần áo. Mỗi ngày chị đi hàng chục lượt lên xuống cầu thang để rửa rau, rửa bát,… cũng chẳng thấy mệt nhọc.

“Tiếng là người Hà Nội, ở phố cổ mà hàng ngày tôi vẫn giặt quần áo bằng tay rồi phơi nhờ ngay ở ngõ này. Không phải là không mua được máy giặt mà là mua về để đâu và trên nhà cũng chẳng có nước nên đành chấp nhận”, chị Hoa nói.

Dù là phụ nữ nhưng chị Hoa và con gái mấy năm nay vẫn xuống dưới ngõ để tắm tiên như đàn ông. Mỗi tối khi mọi người đi ngủ hết mẹ con chị mới dám xuống tắm. “Mùa hè nóng nực, muốn tắm ban ngày thì cứ mặc quần áo vào dội nước, sau đó lên nhà thay. Mọi người không quen thấy khổ nhưng đối với mẹ con tôi thì là chuyện bình thường”, chị bộc bạch.

Dù bất tiện trăm bề nhưng vợ chồng anh Nam cho biết thêm sẽ cố gắng ở nơi đây để thờ cúng tổ tiên vì dù sao nơi đây cũng là nơi bao thế hệ gia đình anh từng sinh sống.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Tin mới nhất
Hoa hậu Tiểu Vy 'hẹn hò'