Chúng ta những ngày này
Chiếc xe trờ tới vỉa hè rồi đổ xịch trước cổng khu cách ly. Cậu tình nguyện viện lẩm nhẩm: "Xe chở F1". Có tất cả 22 ca, cậu nhanh chóng chạy vào trong sảnh thông báo cho các bác sĩ ở đây.
Ngay lập tức, họ có mặt tại sảnh để đón bệnh nhân. Trời nóng như thiêu đốt, trang phục bảo hộ không một kẻ hở, mồ hôi tuôn ra như tắm, các y bác sĩ vẫn đứng làm việc không ngừng nghỉ. Đó là những hình ảnh tại một khu cách ly ở Đà Nẵng.
Đằng sau mỗi người đều là một câu chuyện. Có chị điều dưỡng tạm thời gửi con cho nhà ngoại, tình nguyện lên đường chống dịch. Mỗi buổi tối, chị chỉ nhìn thấy thiên thần bé nhỏ của mình qua màn hình điện thoại. Có anh bác sĩ vừa cưới vợ chưa được tròn tháng, tạm xa gia đình để đến khu cách li, nơi nguy cơ lây nhiễm cao hơn bao giờ hết.
Nhưng, họ vẫn bước đi, vẫn tiến lên phía trước bằng những trái tim dũng cảm. Đó là những câu chuyện đẹp đẽ đã được kể nơi tuyến đầu chống dịch, vào thời điểm mà đất nước đang "căng mình" trong cuộc chiến đầy cam go với COVID-19.
Chỉ hơn 10 ngày, tính từ ngày 27/4 đến nay, nhiều ca mắc COVID-19 đã xuất hiện trong cộng đồng và lan ra nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước. Làn sóng thứ 4 được đánh giá là có nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Và đau lòng hơn, nhiều ca dương tính COVID-19 lại được phát hiện trong bệnh viện, nơi "mặt trận" chống dịch.
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, bệnh viện K Trung ương cả 3 cơ sở, bệnh viện Đa khoa Phúc Yên, bệnh viện Phổi Lạng Sơn... những ngày này trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Đằng sau những giờ phút "chiến đấu", là những bữa cơm dang dở, là những giấc ngủ không trọn vẹn. Gục trên một manh chiếu ở sàn nhà, ngay bàn làm việc... rồi lại lao vào công việc. Những giấc ngủ bao giờ cũng tròng trành, bởi họ biết, thời điểm này có rất nhiều bệnh nhân đang chờ đợi.
Vừa qua, mạng xã hội cũng đã lan truyền hình ảnh xúc động của những chiến sĩ chống dịch ngồi trên một chiếc xe kéo thô sơ, bắt tay đồng nghiệp trước khi lên đường "chiến đấu". Hình ảnh này được ghi lại tại khu vực xã Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Nơi đây đã từng phải phong tỏa sau khi có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, bệnh nhân từng đến khám và chữa bệnh tại bệnh viện K Tân Triều. Người mặc áo blouse trắng là bác sĩ Lê Phú Truỳ, trạm trưởng trạm y tế xã. Cái bắt tay như một cách truyền năng lượng, thêm niềm tin và sức mạnh cho những anh em mình trong những ngày dịch bệnh căng thẳng.
Khoảnh khắc đẹp đẽ đó đã khiến chúng ta rưng rưng xúc động. Nó phác thảo nên bức tranh của những ngày chống dịch. Vừa vất vả, vừa khốc liệt nhưng cũng lấp lánh niềm tự hào về những trái tim can trường, chưa bao giờ ngừng tiến lên phía trước.
Cảm ơn những trái tim dũng cảm
Có lần, chúng tôi phỏng vấn một chị bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Phải mất cả tuần, chị mới thiết lập được một cuộc hẹn với chúng tôi, qua điện thoại. Những ngày căng thẳng leo thang, chúng tôi cũng ngầm hiểu được sự vất vả, những áp lực đang đổ dồn trên đôi vai cũng những "chiến sĩ áo trắng".
Chúng tôi cũng "dự trù" luôn cả sự mệt mỏi đó trước khi trò chuyện với chị. Nhưng không, bên kia đầu dây của chúng tôi là một phụ nữ giàu năng lượng. Chị trao đổi bằng thái độ lạc quan nhất. Cuộc trò chuyện được bắt đầu vào buổi tối muộn, văng vẳng bên tai chúng tôi là những thanh âm của bệnh viện: tiếng xe cứu thương ra vào liên tục, tiếng gọi nhau của các nhân viên y tế, tiếng chân dồn dập...
Có những chi tiết, câu chuyện chia sẻ với sự vô tư, nhưng chúng tôi đón nhận với lòng biết ơn. Là những ngày đón bệnh nhân chị chẳng dám uống nước, bởi mỗi lần đi vệ sinh, chị phải tháo hết trang phục bảo hộ, điều này sẽ gây nên nhiều sự bất tiện trong lúc làm việc. Là những giấc ngủ không trọn vẹn, tròng trành bởi âu lo. Là những giọt mồ hôi tuôn rơi trên vầng trán, gương mặt... Cái nóng hầm hập vây lấy cơ thể, có những lúc chị cảm thấy nghẹt thở, đôi tai đau buốt vì vết hằn của chiếc khẩu trang...
Nhưng thái độ lạc quan của chị mới chính là điều quý giá nhất. Chị cảm thấy những việc mình làm là điều bình thường, như bao người. Mỗi ngày trôi qua sẽ có nhiều khó khăn, nhiều vất vả hơn, nhưng nó được đắp đổi bởi những nụ cười, lời cảm ơn từ bệnh nhân của chị.
Cũng như hàng trăm, hàng nghìn bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch thời điểm hiện tại, họ luôn tiến về phía trước với trái tim dũng cảm. Như bác sĩ Trần Văn Phúc đã chia sẻ trong một bài viết của mình: "Chúng tôi bị thương, đồng nghiệp đã có người gục ngã xuống, nhưng tất cả chúng tôi sẽ nắm tay nhau đứng dậy, bước tiếp cuộc trường chinh để làm nên chiến thắng thần kì như chúng tôi đã từng chiến thắng, để bảo vệ sức khoẻ và sự an toàn cho tất cả người dân".
Mỗi khi thông tin số ca mắc mới, người cách li, khu phong tỏa... hiện lên màn hình điện thoại. Bạn đã suy nghĩ gì? Chắc hẳn đó là sự phập phồng, lo lắng, hoang mang. Nhưng đối với các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, đó là nghĩa vụ, là trách nhiệm dù có bao nhiêu áp lực đi chăng nữa. Trải qua những ngày này, họ khiến chúng tôi tin rằng không gì có thể khuất phục được sự mạnh mẽ và dũng cảm ấy, kể cả làn sóng dịch bệnh khủng khiếp này. Chúng ta rồi sẽ vượt qua được tất cả.