Cậu bé, chắc chưa tới 16 tuổi, tỏ ra sợ hãi. Cảnh sát bắt được cậu trên đường phố ở Kirkuk, miền bắc Iraq. Lột chiếc áo mà cậu đang mặc, họ phát hiện khối bom 2 kg gắn cơ thể gầy gò.
Theo Reuters, đó là câu chuyện xảy ra vào chủ nhật vừa qua. Chỉ chưa đầy một ngày trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ gặp chuyện tương tự nhưng nghiêm trọng hơn: một trẻ vị thành niên được cho là đã đánh bom cảm tử một đám cưới ở thành phố Gaziantep, khiến ít nhất 51 người chết, trong đó gần một nửa là trẻ em.
Những đứa trẻ “liều chết”
Vụ đánh bom tại Gaziantep không chỉ là vụ tấn công đẫm máu nhất trong năm tại Thổ Nhĩ Kỳ mà còn là vụ đầu tiên ghi nhận người đánh bom là trẻ em, cách mà các lực lượng phiến quân sử dụng trong nhiều cuộc chiến từ châu Phi đến Syria.
Tại Afghanistan, quân Taliban từ lâu đã sử dụng trẻ em. Năm 2012, một trẻ 14 tuổi đã mang bom lao vào căn cứ của NATO ở Kabul, khiến 6 người chết. Hai năm sau đó, một đứa trẻ khác cũng “liều chết” tại một trung tâm văn hóa Pháp ở thủ đô Afghanistan.
Các nhà nghiên cứu và quan chức nói rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS cũng như các lực lượng quân sự khác đang gia tăng áp dụng chiêu bài này. Việc sử dụng trẻ em được dự đoán là nhằm giúp chúng xây dựng lực lượng đang suy yếu, duy trì đội quân người lớn hoặc đơn giản chỉ là để qua mắt an ninh.
Ở miền tây châu Phi, lực lượng Boko Haram thường dụ dỗ những đứa trẻ cơ nhỡ hay những bé gái bị chúng bắt cóc trở thành người đánh bom. Ở Iraq và Syria, các nhà hoạt động cho biết IS đưa trẻ em ở những vùng mà chúng chiếm giữ hay trong những gia đình đầu quân về lãnh địa của chúng để tiến hành “giáo dục” tại các cơ sở trường trại.
“Những sư tử con của vương triều”
IS cũng đẩy mạnh tuyên truyền việc tuyển mộ trẻ em cho đội quân “Cubs of the Caliphate” (những sư tử con của vương triều) do chúng lập ra, đăng tải các hình ảnh và video trên mạng xã hội về việc những đứa trẻ này được huấn luyện, “giáo dục” cũng như thực hiện các vụ đánh bom và hành quyết.
“Việc chiêu mộ trẻ em đang gia tăng khắp khu vực”, Juliette Touma, một phát ngôn viên khu vực của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), cho biết. “Trẻ em ngày càng đảm nhận những vai trò tích cực hơn,…, được huấn luyện cách sử dụng vũ khí hạng nặng, điều khiển đại bác ở chiến trường, kỹ năng bắn tỉa và trong những trường hợp cực đoan, chúng trở thành những kẻ đánh bom liều chết”.
Đến nay, có rất ít thông tin được công bố về kẻ đánh bom tại Gaziantep. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành điều tra xem liệu có phải cậu bé bị cài bom mà không biết hay không. Việc này từng xảy ra tại Iraq, nơi những trẻ em, thậm chí những người lớn bị tâm thần, được phái đi đến những khu chợ mà không biết rằng trong người mình bị cài bom chờ nổ.
Hisham al-Hashimi, một nhà phân tích đang cố vấn cho chính phủ Iraq trong vấn đề IS, cho hay lực lượng phiến quân Hồi giáo đã tái khởi động chương trình tuyển quân Heaven's Youth (thanh niên của thượng đế) để bù đắp cho những thiệt hại của chúng ở Iraq và Syria.
“Trẻ em dễ dàng tuyển cho những nhiệm vụ cảm tử hơn những người khác, đặc biệt trong những lúc chúng đang đau khổ vì mất đi người thân”, ông nói. “Trẻ em cũng ít gây chú ý và nghi ngờ hơn đàn ông trưởng thành”.
Cuộc chiến tranh tâm lý
Một nghiên cứu tại Học viện Quân sự West Point, Mỹ, về việc tuyên truyền tuyển quân của IS từ tháng 1/2015 đến tháng 1/2016, cho thấy số vụ tấn công liều chết có sự tham gia của trẻ em đã tăng lên gấp 3 lần.
“Họ đã áp dụng chiến tranh tâm lý một cách có hiệu quả nhằm phô diễn sức mạnh, sự phòng ngự vững chắc cũng như gieo rắc nỗi sợ cho kẻ thù”, nghiên cứu khẳng định. “Việc chiêu mộ trẻ em và thanh niên của IS đã đến mức báo động”.
Trong một báo cáo hồi tháng 4, UNICEF nói số vụ tấn công liên quan đến trẻ em mang bom cảm tử từ năm 2014 đến thời điểm đó đã tăng lên gấp 4 lần tại miền đông bắc Nigeria, căn cứ địa của phiến quân Boko Haram, cũng như ở những nước lân cận gồm Cameroon, Niger và Chad.
“Đây là một trong những đặc điểm nổi bật của cuộc xung đột tại đây”, Thierry Delvigne-Jean, người phụ trách của UNICEF tại khu vực Trung và Tây Phi, cho biết.
Theo báo cáo nói trên, gần 2/3 trong số trẻ em đó là nữ. Ngoài ra, UNICEF cũng cho biết, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, họ đã ghi nhận 38 trường hợp trẻ em đánh bom liều chết ở khu vực Tây Phi.
Khoảnh khắc bom nổ trong đám cưới ở Thổ Nhĩ Kỳ: Vụ đánh bom liều chết tại một đám cưới ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 20/8 khiến ít nhất 51 người chết.