Một ngày thức dậy, bạn bỗng thấy chán nản vì cuộc sống này. Chán vì áp lực thi cử, chán vì áp lực công việc hay chán vì người bạn thích tự nhiên lại có người yêu? Nói chung, cái cảm giác chán cả thế giới này chắc nhiều người đã từng trải ít nhất một lần trong đời.
Nhưng từ từ đã nào. Ít ra bạn còn được đi học, được đi làm, có một người để thích, có một ngôi nhà đủ tiện nghi để về, ấy là bạn đã may mắn hơn hàng triệu người trên Trái đất này rồi.
Trên thế giới, có những nơi người ta không biết đến điện là gì, phải đi bộ hàng chục km chỉ để mang về một xô nước sạch, hay sống trong những nơi ánh sáng chẳng thể chạm đến dù đang ở giữa ban trưa.
Việc xóa đói giảm nghèo là vấn đề khó khăn, cần một lộ trình dài hơi. Tuy nhiên, nhiều nhà phát minh đã đưa ra những ý tưởng đơn giản mà rất thiết thực, biến cuộc sống của những mảnh đời thiếu thốn trở nên đỡ vất vả và dễ chịu hơn rất nhiều lần.
1. Những chiếc đèn làm từ vỏ chai
Nhiều nơi trên thế giới không có điện - điều này chắc ai cũng biết. Khu vực Sitio Maligaya tại Philippines là một nơi như vậy.
Nhưng nơi đây không những thiếu điện, mà có những khu nhà ổ chuột được xây dựng rất sát nhau, sát đến mức ánh sáng không thể chạm đến dù đang ở giữa ban ngày ban mặt.
Để giải quyết chuyện này, một nhóm sinh viên của Viện công nghệ Massachusetts - MIT (Mỹ) - đã phát triển một dự án rất tuyệt vời: tạo ra những chiếc đèn tận dụng năng lượng Mặt trời bằng chai nhựa.
Dự án mang tên: A liter of Light - 1 lít ánh sáng. Ý tưởng rất đơn giản: vận dụng nguyên lý khúc xạ ánh sáng. Khi ánh sáng tiếp xúc với một bề mặt phân cách giữa hai môi trường có chiết suất khác nhau, nó sẽ đổi hướng.
Nếu như đục một lỗ trên chần nhà, ánh Mặt trời sẽ chỉ chiếu sáng được một góc. Trong khi đó, chỉ cần lắp thêm một chiếc chai nhựa chứa nước bên trong, ánh sáng sẽ được khúc xạ ra nhiều phía, biến chiếc chai nhựa rẻ tiền thành một cái đèn Mặt trời đúng nghĩa.
Theo tính toán, những chiếc đèn chai rẻ tiền này có thể chiếu sáng tới 10 tháng một năm, với công suất tương đương bóng đèn 60W.
Sáng kiến này đã được đất nước Philippines nhân rộng bằng dự án “Một lít ánh sáng”, lắp đặt hơn 10.000 chiếc đèn chai, mang lại nguồn năng lượng bền vững cho cộng đồng nghèo ở Manila và các tỉnh lân cận.
2. Thùng phuy Hippo Water Roller - biến 9 tiếng đi lấy nước thảm họa trở nên thật dễ dàng
Hiện nay trên thế giới có hàng trăm triệu người không được tiếp xúc với nước sạch, nhất là tại các quốc gia đang phát triển thuộc châu Phi.
Để tồn tại, phụ nữ và trẻ em buộc phải lấy nước theo cách truyền thống: họ di chuyển quãng đường dài hàng chục km mỗi ngày, đội lên đầu cái xô đựng 20 lít nước. Đọc đến đây, chắc bạn cũng hiểu được công việc này tốn nhiều thời gian và công sức thế nào rồi đúng không.
Mỗi ngày họ phải tốn từ 3 đến 9h đồng hồ chỉ để đi lấy nước. Hơn nữa, việc đội tới 20 cân nước lên đầu ngày này qua ngày khác có khả năng gây tổn thương đến cột sống và đốt sống cổ.
Để giải quyết chuyện này, các nhà khoa học châu Phi đã đưa ra một ý tưởng vô cùng thiết thực. Đó là một thiết bị rất đơn giản, gồm một thùng phuy đựng được 90l nước, gắn vào một trục thép, biến thùng nước trở thành bánh xe.
Thiết bị không những giúp người dân tiết kiệm được thời gian và công sức, mà còn giúp lượng nước mang về đảm bảo được vệ sinh trong quá trình vận chuyển. Vòng đời của một chiếc thùng là 5-7 năm, đem lại hiệu quả cực cao.
3. Đèn chạy bằng muối và nước
Ý tưởng về một chiếc đèn chạy bằng muối và nước được đưa ra tại một số vùng biển thuộc Philippines, nơi có những khu dân cư không được tiếp xúc với điện.
Vậy là Salt ra đời. Salt là một chiếc đèn, và thứ nó dùng để chạy không phải là điện, mà là muối - đúng như tên gọi của nó - và một cốc nước.
Nguyên lý vận hành của Salt thì không được đơn giản như cách sử dụng. Bên trong Salt là một pin mạ điện. Pin này sẽ kích hoạt khi nước muối đổ vào, vì dung dịch này có thể sử dụng như một chất điện phân.
Theo Aisa Mijeno, nhà phát minh ra Salt, thì chiếc đèn này có thể sáng trong vòng 8 tiếng đồng hồ. Dự tính trong năm 2016, tổ chức của Mijeno sẽ cung cấp 600 chiếc đèn Salt cho những người dân Philippines sử dụng, sau đó sản xuất hàng loạt để bán ra toàn thế giới.
4. Điều hòa giải cứu mùa hè từ chai nhựa
Tại Bangladesh, hơn 70% hộ dân không biết điện là gì. Và để nâng tầm thảm họa, cũng 70% người dân ở đây đang sống trong những ngôi nhà lợp bằng mái tôn. Hệ quả là thường xuyên trong mùa hè, nhiệt độ phòng tại quốc gia này chạm ngưỡng… 45 độ C.
Để giải quyết chuyện này, một công ty quảng cáo tên Grey Dhaka, cùng các tình nguyện viên đã đưa ra một ý tưởng về một chiếc “điều hòa” - đúng hơn là máy làm mát - không cần dùng đến điện, với tên gọi Eco-Cooler.
Eco-Cooler thực ra có cấu tạo rất đơn giản: những chai nhựa đã qua sử dụng được cắt làm đôi, gắn lên một tấm bảng. Sau đó, áp nguyên tấm bảng vào cửa sổ là xong! Chúng ta đã có một máy điều hòa không cần điện mà lại cực kỳ thân thiện với môi trường.