Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Chuyện đời cơ cực của 19 người trong căn nhà 25m2 ở Sài Gòn

Hơn 6 năm nay, 16 cụ già rời quê hương vào Sài Gòn mưu sinh từ nghề bán vé số. Cùng sống trong nhà trọ rộng 25m2, 16 cụ già luôn yêu thương, chia sẻ với nhau nỗi nhọc nhằn mưu sinh lúc tuổi xế chiều.

Trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ ( phường Cầu Kho, quận 1), có một căn nhà trọ đặc biệt của những cụ già người đồng hương Phú Yên sinh sống bằng nghề bán vé số.

Căn nhà trọ rộng chừng 25m2 có đến 19 người sinh sống, trong đó có 16 cụ già đã lớn tuổi. Mỗi người mỗi cảnh đời khác nhau nhưng có chung cuộc sống nghèo khó. Rời vùng quê nắng gió Phú Yên, họ dắt díu nhau vào Sài Gòn bán vé số mưu sinh, lo cho mình và phụ giúp con cháu ở quê nhà. Ban đầu mới vào Sài Gòn do không quen đường, nhiều người bị mù, khuyết tật tay chân di chuyển rất khó khăn nên mọi người đã bàn với nhau thuê căn nhà ở chung, người khỏe mạnh giúp đỡ người tàn tật, ốm đau cùng mưu sinh nơi đất khách. Và quan trọng hơn là để tiết kiệm, có thêm chút tiền, sớm về thăm quê.

1

Căn nhà 25m2 hiện tại là nơi ở của 19 người, trong đó có 16 cụ già.

2

Mọi người phải chia nhau chỗ ngủ, chỗ ngồi.

3

Do diện tích khá nhỏ nên lúc ngủ không thể duỗi thẳng chân.

4

Bữa cơm đạm bạc của mọi người trước khi đi bán buổi tối.

Ông Ngô Văn Tiến (54 tuổi, quê ở huyện Tuy An, Phú Yên) là người đứng ra thuê căn nhà trọ cho mọi người ở. Ông chia sẻ: “Tôi thấy ông An bạn tôi cũng thuê nhà dưới đường Nguyễn Trãi rồi ở chung rất thuận tiện, nhiều người cùng quê hương, cùng chung cảnh nghèo khổ ở chung sẽ giúp đỡ qua lại được. Nghĩ việc làm ý nghĩa nên tôi đã mạnh dạn bỏ tiền cọc ra thuê nhà rồi kêu mọi người về ở chung”.

Ngôi nhà được ông Tiến mướn từ ngày 24/5/2010 đến nay đã ngót 5 năm. Trong ngôi nhà rộng 25m2 ban đầu có 16 “nhân khẩu”, về sau số người vào bán vé số đông hơn nên có nhiều thời điểm căn nhà nhỏ chen chúc đến gần 30 người.

5

Nhiều người lớn tuổi bị khuyết tật nên việc đi lại rất khó khăn.

6

15 giờ chiều, sau khi ăn cơm xong mọi người trong nhà bắt đầu đếm vé số để chia nhau đi bán buổi tối.

Hằng ngày, cứ đến 7 giờ ông Tiến lại chạy xe sang đường An Dương Vương (quận 5) lấy vé số rồi chở những cụ già ra các khu chợ bán. Đến 13 giờ, mọi người tập trung về nhà ăn cơm, ngủ trưa rồi tiếp tục đi bán buổi tối. Công việc của ông Tiến chủ yếu là chạy xe ôm nhưng ông vẫn cố gắng sắp xếp thời gian đưa các cụ già ra chỗ bán rồi mới làm công việc của mình.

“Hơn 5 năm nay vùng biển An Chấn quê tôi cứ mất mùa, trồng lúa cũng không thu hoạch được bao nhiêu nên tôi quyết định vào Sài Gòn chạy xe ôm. Ở quê làm bao nhiêu cũng không đủ sống, không đủ tiền cho con ăn học, từ khi vào đây làm thu nhập của tôi cũng đỡ hơn, có chút ít tiền gửi về cho gia đình”.

Ngoài ông Tiến, cuộc sống khổ cực ở vùng quê nắng gió còn đeo bám những người như bà Dìn (88 tuổi), ông Khói (76 tuổi), bà Thảo (64 tuổi), ông Phải (75 tuổi),… khiến họ phải rời quê vào Sài Gòn bán vé số mưu sinh.

Bà Thái Thị Dìn (88 tuổi), là người lớn tuối nhất trong nhà. Tuy đã ở tuổi xế chiều nhưng do cuộc sống ở quê quá khó khăn nên bà cũng theo người trong xóm vào Sài Gòn. Hằng ngày bà vẫn cần mẫn dậy sớm đi đến những khu chợ ở quận 1 bán vé số. Có những hôm trời mưa to, gió lớn bà thường xuyên bị té vì chân yếu và không thấy đường về. “ Té chỉ bị bầm chân thôi, về nhà tui tha dầu gió là mai hết liền à. Có bữa đi sụp hố bị trầy cả da nhưng mai vẫn đi bán tiếp chứ tui không nghỉ ngày nào”, bà Dìn lạc quan, cười nói.

7

Ông Tiến tranh thủ ngồi xem tivi trước khi chở các cụ già đi.

8

Do thường xuyên bị đau đầu nên bà Tám phải uống thuốc trước khi đi bán.

9 (2)

9

Bà Dìn, ông Khói ăn bát cơm nguội với canh rồi tiếp tục công việc của mình.

Trong lúc trò chuyện, bà Dìn chỉ tay về hướng ông Hai (78 tuổi) nói: “ Đêm qua ổng mới bị mấy thằng thanh niên giựt vé số, giờ ổng buồn lắm, đi đứt hết 700.000 ngàn. Từ tối qua tối giờ ổng cứ ngồi trong góc buồn thiu vậy đó”. Nghe đến đây nhiều người nhìn ông mà rưng rưng nước mắt, ai cũng buồn…

Trong căn nhà nhỏ nhiều người vẫn nhắc nhiều đến hoàn cảnh của anh em bà Hồ Thị Thảo (64 tuổi) và ông Nguyễn Khói (76 tuổi), hai anh em bà Thảo đều có hoàn cảnh khó khăn giống nhau. Từ nhiều năm trước bà Thảo mắc căn bệnh khớp khiến đôi chân bà yếu dần. Không có chồng con, ruộng đất nên bà Thảo phải sống nương nhờ vào anh trai là ông Khói. Ông Khói cũng bị mù nên cuộc sống của hai anh em bà lúc nào cũng khó khăn dù rất cố gắng.

Nghe nhiều người trong xóm rủ nhau vào bán vé số hai anh em bà Thảo cũng thu xếp quần áo đón xe vào Sài Gòn. May mắn khi những ngày đầu tiên đi bán vé số anh em bà Thảo gặp được ông Tiến, thế là anh em bà cùng về ở chung với mọi người.

10

Bà Thảo thắp vội nén nhang cầu mong hôm nay sẽ bán đắt để được về nghỉ ngơi sớm.

11

11(2)

Anh em ông Khói dắt nhau đi bán vé số. Họ sẽ đón chuyến xe buýt đến đường Tên Lửa (quận Bình Tân) bán đến khuya rồi đi bộ về nhà để tiết kiệm.

Hơn 3 năm nay, anh em bà Thảo vẫn cùng nhau đi bán vé số. Do đôi chân bà yếu nên ông Khói tình nguyện là “đôi chân” cho em gái, bà Thảo cũng trở thành “đôi mắt” cho anh trai. “Bán được bao nhiêu, anh em cưa đôi, tôi không có bà ấy tôi cũng không đi bán được, bà ấy mà thiếu tôi cũng không đi được. Ngày nào trời không mưa bán cũng lời được 100.000 ngàn, ngày mưa chỉ lời vài ba chục thôi”, ông Khói thiệt tình nói.

12

12 (2)

19 giờ, căn nhà nhỏ chỉ còn vài người.

13

Một góc bên trong căn bến chật hẹp, ẩm ướt.

14

Để đi lên căn gác xép phải đi trên chiếc cầu thang gỗ cũ kĩ, trơn trượt.

Trước kia, chị Đào Thị Lơ (50 tuổi) cũng bỏ đồng ruộng ngoài quê vào Sài Gòn đi bán vé số. Tuy nhiên, do không quen đường đi nên chị bán không được nhiều, mọi người khuyên chị ở nhà và đi chợ nấu ăn cho cả nhà. Mỗi ngày chị chi hết khoảng 150 ngàn cho việc đi chợ, nấu nướng, thuốc men cho các cụ già.

15

19 giờ 30, cụ Dìn bắt đầu đi bán đêm.

16

Trước khi đi cụ không quên thoa dầu gió để bớt đau chân và tránh bị cảm lạnh vì sương đêm.

17

Ngày thường cụ Dìn và nhiều người già duy chuyển đi bán bằng xe lăn.

18

Nhưng do trời đã tối nên ông Tiến đã tình nguyện chở cụ Dìn đến điểm bán trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8.

Công việc bán vé số của mọi người bắt đầu từ 2h sáng. Vì bán về khuya nên buổi sáng mọi người thường ngủ dậy muộn. Khoảng thời gian từ sáng đến chiều, có người tranh thủ đi bán thêm vé số hoặc nghỉ ngơi tại nhà. Đến 15 giờ mọi người bắt đầu về nhà, đây là khoảng thời gian căn phòng đông đúc nhất cũng là bữa cơm có đông các thành viên trong nhà. Mọi người quây quần, ngồi sát bên nhau. Các món ăn đạm bạc, chủ yếu là cá khô, trứng vịt và canh rau.

Tuy cuộc sống cơ cực , mọi sinh hoạt trong căn phòng chật hẹp cũng trở nên khó khăn nhưng các ông bà cụ đồng hương Phú Yên vẫn luôn yêu thương nhau. Họ cùng chia sẻ mọi khó khăn, nỗi nhớ nhà để quên đi cuộc mưu sinh vất vả, nhiều tủi nhục nơi đất khách.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc