Hàng cây sấu trên đường Phan Đình Phùng, (Hà Nội), lại đến mùa trĩu quả. Những ngày này, khi đi qua “con đường lãng mạn’ nhất Hà Nội, người dân lại thấy những người lao động thu nhập thấp ngồi dưới các gốc cây để bán quả sấu cho khách đi đường.
Dọc tuyến đường này, cứ qua 2-3 gốc cây lại có một người ngồi bán sấu. Những túi sấu to, nhỏ được đóng gói sẵn để tiện đưa cho khách mua và tiện “công an có đi qua đuổi thì chạy”.
Những quả sấu già, sần sùi, quả to, rắn chắc được lựa chọn kỹ càng để bày bán. Hàng ngày, dòng người đi qua nườm nượp nhưng ít ai biết rằng, những người lao động này đã đặt cược cả tính mạng để có được những quả sấu trên các ngọn cây cao vút ở tuyến đường này.
4 giờ sáng, một nhóm chừng 4-5 người đèo nhau trên những chiếc xe máy đến đường Phan Đình Phùng. Họ cầm theo một cây nhỏ có buộc móc sắt ở một đầu rồi hối hả trèo lên những cây sấu cao to nhất.
Thoăn thoắt trên những ngọn cây cao, họ vặt nhanh nhất có thể với số lượng nhiều nhất. 2 chân quặp vào thân, cành cây, 2 tay vặt thật nhanh những quả sấu trong tầm với.
Những cành xa không với tới, họ dùng móc để kéo lại gần rồi vặt. Cứ như thế, họ vặt cho đến khi những ánh sáng rõ ràng nhất của ngày mới xuyên qua tán lá sấu xanh mướt và con đường dưới chân đã ngập xe qua lại thì họ xuống.
Cả ngày hôm ấy, họ sẽ ngồi hoặc nằm ven đường, dưới những gốc cây cho tới khi trời tắt nắng để bán quả sấu. Kể từ khi sấu vào mùa, cuộc sống của những người bán sấu tại đây đều như vậy.
Gần 5 giờ chiều, giữa cái nóng oi ả đến nghẹt thở, người đàn ông nhỏ con, mồ hôi nhễ nhại, đôi tay đen nhẻm, chằng chịt vết xước, chai sạn vẫn ngồi bán những quả sấu hái được hồi sáng.
Anh thoăn thoắt bốc những quả sấu sần sùi chia đều ra các túi ni lông xanh đỏ ven đường một cách tỉ mẩn: “Tôi vẫn bán 15 nghìn đồng một cân. Anh có mua thì tôi bán cho 10 nghìn một cân thôi. Mua đi, tôi bán nhanh tôi còn về" rồi nở một nụ cười hiền hậu đến trì độn.
Dọc khu vực giữa của tuyến phố Phan Đình Phùng, có khoảng 5-6 người bán quả sấu hái được tại đây. Có cả người lớn tuổi nam, nữ, thanh niên trai tráng. Gía bán trung bình từ 10-20 nghìn đồng/kg tùy khách.
Những người bán sấu tại đây chỉ bày ra một số lượng nhỏ để khách dừng lại mua. Khi bán gần hết, sẽ có “tiếp tế” chở sấu từ nơi khác về đây bán tiếp. Những người bán sấu tại đây đều là lao động có thu nhập thấp, bươn trải đủ nghề nơi đất khách quê người để mưu sinh.
“Tôi từng làm đủ mọi nghề, từ đánh giày đến rửa bát thuê, bưng bê, đủ cả. Đến mùa sấu thì tranh thủ ra hái để bán. Dù biết là nguy hiểm đến tính mạng nhưng vì đồng tiền thì vẫn phải làm thôi”, một người phụ nữ bán sấu tại đây nói.
Đa số những người lao động này đều biết việc trèo lên cây sấu cao ngút để hái quả trong khi không được trang bị bất cứ đồ bảo hộ, an toàn lao động nào là nguy hiểm đến tính mạng nhưng họ bất chấp để bươn trải kiếm miếng ăn, đồng tiền nơi Thủ đô.
Theo một số người bán sấu tại đây, thời điểm trước đây khi cao điểm họ bán một ngày có thể lãi tiền triệu nhưng giờ đây thì không còn được như trước. Một nam thanh niên bán sấu tại đây cho rằng, trừ các chi phí ăn uống sinh hoạt, một ngày họ lãi từ 300-400 nghìn đồng.
“Chỉ được vậy thôi, giống như đánh cược tính mạng của mình ấy nhưng đâu có được bao nhiêu đâu. Bần cùng lắm chúng tôi mới phải đi bán thế này chứ không sung sướng gì cả. Cứ cầm cái cây buộc móc ở một đầu là trèo lên hái, bán đến tối thì về. Mấy ngày này nóng lắm nhưng phải chịu thôi”, một thanh niên bán sấu tại đây chia sẻ.
Mỗi người tại đây đều có những hoàn cảnh, nơi ở khác nhau nhưng họ đều có chung một mục đích là kiếm tiền mưu sinh. Họ thay phiên nhau hoặc tạm dừng công việc chính để tranh thủ hái quả sấu ngồi bán khi đang chính vụ. “Nguy hiểm đến tính mạng, biết là thế nhưng được đồng nào hay đồng đấy”, họ bảo thế.
Mặt trời dần tắt nắng, những tán cây đổ bóng đen, đèn xe nườm nượp. Mấy cái bóng đen lọ mọ bò dậy ven đường, thu gom vài túi quả sấu lấp ló trước những ánh đèn rồi lên xe lao vút, hòa vào dòng người hối hả của Thủ đô tráng lệ.