Dọc theo quốc lộ 1A tìm đến chân cầu vượt Tân Thới Hiệp (quận 12), sẽ thấy vài quán cà phê võng mở thâu đêm kèm theo đó là vài dịch vụ khác như sửa xe, vá ép. 23h đêm, một vài quán đã có người nhưng chưa đông lắm. Những chiếc võng cũ kĩ được móc trên vài ba thanh gỗ chính là nơi mang lại giấc ngủ đêm cho dân lao động và khách lỡ đường trong vài năm trở lại đây.
Cách đó chừng vài cây số cũng có một số quán cà phê võng nằm trong chợ đầu mối Thủ Đức. Những chiếc võng chủ yếu phục vụ cho dân bốc xếp nghỉ lưng hoặc cánh xe ôm trong lúc đợi khách. Ở đây, những chiếc ghế trống hay vài ba cái võng đều có thể trở thành “chiếc giường” chỉ với giá từ 15-20 nghìn đồng. Trong tiếng xì xèo của màn hình ti vi, họ cố đi vào giấc ngủ trong sự mệt nhoài.
Theo lời bác xe ôm trong chợ nông sản Thủ Đức, trước đây có rất nhiều quán cà phê võng mở ra để nhiều người ngủ vào ban đêm. Thế nhưng do tình trạng cướp giật xảy ra ngày càng phổ biến nên ban quản lý chợ phải cho ngừng hoạt động những quán cà phê này. “Là sinh viên hay người thường thì có gì đâu, con không biết chứ mấy thằng ăn trộm giả danh vô rồi lấy đồ người ta hoài nên phải đóng cửa thôi. Giờ ít ai ngủ võng lắm”.
Nói ít thì ít vậy thôi chứ đâu đó vẫn còn nhiều người cần đến những chiếc võng này. Với giá đó người ta có thể tiết kiệm vài ba trăm nghìn hàng tháng thay vì tốn tiền thuê nhà trọ. Chủ quán cà phê võng ở chân cầu vượt Tân Thới Hiệp cho hay: “Đủ người đến đây hết em ơi. Người ta không có tiền thì người ta mới ngủ võng chứ chẳng có ai lại tự dưng muốn ngủ ngoài đường ngoài xá”. Phải thế nào thì người ta mới đi mua những giấc ngủ, thứ vốn dĩ chẳng ai bán bao giờ!
Những ánh mắt đỏ hoe chợt tỉnh lúc 1h sáng chất chứa nhiều âu lo phập phòng và cả niềm ao ước về ngôi nhà và những giấc ngủ an yên. Nơi đó giường chiếu hay chăn gối đều vô cùng xa xỉ và huyễn hoặc. Nơi đó chỉ duy nhất một thứ có thể mang đến những giấc ngủ tạm bợ: Sài Gòn nhọc nhằn trên những chiếc võng đêm!