“Sự cố xảy ra không phải do chuyên môn của bác sĩ”
Chiều 21/5, HĐXX Tòa án nhân dân TP Hòa Bình tiếp tục thẩm vấn đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình để tiếp tục làm rõ những tình tiết quan trọng sau vụ án 9 bệnh nhân tử vong khi chạy thận tại bệnh viện này cách đây gần 1 năm.
Tại phiên tòa, ông Đỗ Đình Vận, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, bệnh viện là đơn vị hành chính nhà nước có chức danh, hoạt động không dựa vào ngân sách nhà nước. Sự cố tai biến chạy thận là tổn thất lớn của bệnh viện nên ông mong gia đình các nạn nhân tha thứ.
“Sau khi xảy ra sự việc, bệnh viện cũng nhiều lần thương lượng về mức hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân song đều bất thành. Lý do là đông nạn nhân, phong tục tập quán khác nhau nên không tìm được tiếng nói chung.
Khó khăn nữa là chưa có phán quyết của tòa án và nguyên giám đốc bệnh viện là ông Trương Quý Dương bị cách chức ngay sau khi xảy ra sự cố nên khó để thương thảo bồi thường”, ông Vận nhấn mạnh.
Ông Vận cho biết, sự cố này là do nguồn nước trong quá trình sục rửa máy chứ không liên quan đến chuyên môn của cán bộ bệnh viện.
“Về phía bệnh viện, tôi mong muốn, HĐXX có phán xét đúng pháp luật về mức bồi thường dân sự và phía bệnh viện sẽ chấp hành nghiêm túc phán quyết của tòa”, ông Vận cho hay. Qua xác định, sau khi xảy ra sự việc, phía Công ty Thiên Sơn đã nộp 370 triệu đồng và Bệnh viện đa khoa Hòa Bình nộp 280 triệu đồng cho cơ quan thi hành án để hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân.
Tình tiết bất ngờ từ lời khai nhân chứng
Đáng chú ý, khi sắp kết thúc phiên tòa, ông Đinh Tiến Công, điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình lên trả lời câu hỏi của luật sư trong vai trò nhân chứng. Trước đó, trong những ngày đầu xét xử, vụ việc cuốn sổ giao nhiệm vụ trong cuộc họp 2015 - 2016 có nhiều điểm chưa rõ ràng vì các nhân chứng và bị cáo Hoàng Công Lương khai khác nhau.
Trong đó, ông Hoàng Đình Khiếu và ông Đinh Tiến Công (là thư ký ghi nội dung các cuộc họp trên) khai rằng bác sĩ Hoàng Công Lương được giao phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo. Chi tiết này được cho là gây bất lợi với bị cáo Hoàng Công Lương.
Khi HĐXX hỏi: Cuộc họp giao ban năm 2015-2016 khai có phần phân công nhiệm vụ như sau này giao nhiệm vụ không?, ông Công đáp: Lời khai thực tế có phân công nhiệm vụ, khi họp chưa ghi. Sau này khi sự cố xảy ra thì mới ghi để hoàn thiện sổ sách.
Khi tòa hỏi lý do tại sao sau sự cố mới viết thêm phần nội dung phân công công việc cho bác sĩ Lương thì ông Công nói: Không vì mục đích gì cả, chỉ để hoàn thiện thủ tục hành chính. Sau sự cố tập thể khoa không biết nguyên nhân do đâu, nhưng thủ tục hành chính phải hoàn thiện. Do lãnh đạo cụ thể là trưởng và phó khoa chỉ đạo.
Tòa tiếp tục hỏi “ai chỉ đạo” thì điều dưỡng Công nói “không nhớ” nhưng ông khẳng định có vết thêm đoạn phân công nhiệm vụ ở mục cuối cùng trong biên bản vì trước đó ông có nghe được phân công công việc cho bác sĩ Lương phụ trách khoa thận tiết niệu lọc máu bằng “hình thức miệng”.
”Về nội dung cuộc họp 2015, sau sự cố, khoa thường xuyên họp và thống nhất. Tôi được Trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu chỉ đạo viết thêm. Năm 2016 thì ghi nội dung phân công không thay đổi so với năm 2015”, ông Công nói.
Đối chất về lời khai này, ông Hoàng Đình Khiếu cho biết, việc phân công cho các thành viên trong khoa là trách nhiệm và quyền hạn của ông Khiếu. Năm 2015, ông này đã phân công trách nhiệm cho cán bộ y tế nhận nhiệm vụ 2016 để hoạt động.
Ông Khiếu nói đã khai với cơ quan điều tra và không nắm được nội dung cuốn sổ đó có những nội dung gì. Việc chỉ đạo, ông Khiếu không chỉ đạo sửa chữa hay ghi thêm nội dung gì trong cuộc họp. Ông Khiếu cũng không biết Công ghi thêm nội dung lúc nào.
“Tôi khẳng định không chỉ đạo bất cứ ai sửa chữa nội dung cuộc họp. Tôi không hiểu anh Công ghi lúc nào và làm những gì. Như tôi đã nói, khi họp xong thì tôi ký ngay, từ đó đến nay tôi chưa được ký chữ ký nào”, ông Khiếu nói.