Sắc màu Cuộc Sống

Người thầy từng dìu dắt Đinh Hữu Dư: 'Em ra đi mãi mãi, tôi mới biết cảnh đời này'

Thanh Minh
Chia sẻ

Thắp nén nhang vĩnh biệt em mà lòng nặng trĩu mãi, từ hôm ở Miền Tây Nam Bộ nghe tin em bị lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp. Thầm tự trách mình. Giá như, biết hoàn cảnh em từ khi em đang học.

Những ngày nay, nhiều tỉnh ở miền Bắc và miền Trung đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ. Sự mất mát cả về vật chất lẫn tinh thần - không thể đo đếm được.

Trong những câu chuyện đau thương của mùa lũ năm nay, nhiều người đã phải rơi nước mắt trước sự hy sinh của phóng viên Đinh Hữu Dư - người đã không may bị lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp tại cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái. Một nhịp cầu bất ngờ đổ sập đã cướp đi sinh mạng thanh niên ưu tú, với nhiều hoài bão đang dang dở và con đường sự nghiệp mở rộng phía trước.

Phóng viên trẻ Đinh Hữu Dư - người vừa tử nạn khi đang tác nghiệp về tình hình mưa lũ ở Yên Bái.

Căn nhà đơn sơ, mộc mạc ở một làng quê nghèo tại Ninh Bình những ngày qua đã đón rất nhiều lượt khách tới thăm viếng.

Ai cũng chạnh lòng trước sự ra đi của một chàng trai còn rất trẻ, và càng thương xót hơn khi biết được câu chuyện vượt qua tuổi thơ đói nghèo, để theo đuổi đam mê báo chí của phóng viên này.

Gian phòng nghèo - nơi Đinh Hữu Dư đã ở từ bé tới tận năm lớp 11.

Và trong số hàng nghìn lượt người đến viếng Dư, có PGS. TS. Nguyễn Văn Dững (nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội) - người đã từng trực tiếp dạy dỗ và hướng dẫn Hữu Dư làm luận án tốt nghiệp.

Cái chết của cậu học trò năm nào đã để lại trong lòng người thầy cảm giác đau đớn khó tả. Như không cầm được nước mắt, thầy đã viết tặng Đinh Hữu Dư những dòng thật tha thiết:

Thầy Nguyễn Văn Dững

Không ai có thể cầm được nước mắt khi về “nhà” em thắp một nén nhang, tiễn biệt em - Đinh Hữu Dư - phóng viên TTXVN thường trú tại Yên Bái, cựu sinh viên K27 (2007-2011), khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

1. Nhà để trong ngoặc kép, bởi bạn phải nhìn thật kỹ và có người giới thiệu thì mới biết; nếu không, cứ ngỡ đấy là cái gì đó, chẳng hạn như cái bể chứa nước mưa lâu ngày móc rêu phủ úa, hoặc như cái lô cốt thời nào nửa chìm nửa nổi, có cái lỗ chui ra chui vào, bé tí, phải khom lưng, …. tùy theo góc nhìn.

Nhìn kỹ ảnh để nhận ra ngôi nhà mà em Dư đã sống với bà suốt 11 năm học phổ thông; còn năm lớp 12 thì bà cất được một gian nhà tôn, nay đặt bàn thờ để mọi người viếng cháu ngoại.

2. Thắp nén nhang vĩnh biệt em mà lòng nặng trĩu mãi, từ hôm ở Miền Tây Nam Bộ nghe tin em bị lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp. Thầm tự trách mình. Giá như, biết hoàn cảnh em từ khi em đang học.

Em thi đỗ vào học khoá 27, rồi ra trường,… Mà bao sinh viên mỗi khóa, biết sao được! Bao lần nhắc giáo viên chủ nhiệm nắm lớp, hiểu sinh viên để có thể giúp các em, từ tư vấn học hành, tình cảm đến nghề nghiệp, cuộc sống…

Vậy mà em ra đi mãi mãi, mình mới biết cảnh đời này.

3. Tôi thật sự biết em khi học xong chương trình thạc sĩ, chuẩn bị đăng ký đề tài luận văn tốt nghiệp, cao học khóa 17.

Cuối buổi học, em nán lại khi tôi đang gấp laptop và bước lại gần, cười nhẹ và nói:

- Thầy có thể giúp em làm luận văn tốt nghiệp được không?

Tôi thích những sinh viên và học viên chủ động như thế.

- Em đi làm đâu chưa?

- Dạ, em đang thử việc ở Thời nay và định xin vào báo Nhân Dân.

- Uh, thế tốt. Em làm báo Nhân Dân hợp đấy. Mình nghĩ bụng, cậu này lỉm rỉm, hiền, học có chiều sâu, biết tư duy nghề, hợp với nơi đây. Và nhất định sẽ hướng bạn này đi theo hướng chính luận báo chí.

Thú thực, tôi nghĩ nhiều về việc nền báo chí ta cần đội ngũ chính luận trẻ, nhưng phải tìm được sinh viên phù hợp và có tố chất phát triển theo hướng này.

Mà tìm khó chứ không đơn giản. Sinh viên bây giờ phần lớn lướt web chứ ít bạn chịu đọc sách. Mà chỉ thích lướt web thì chỉ đi săn tin là chính, chứ khó hình thành tư duy logic hệ thống để hình thành luận điểm, luận chứng, luận cứ để có thể rèn đúc tư duy và thành cây bút chính luận….

- Em định về báo Nhân Dân thì nên đi theo hướng báo chí chính luận. Và em có thể làm về phong cách chính luận nhà báo Nguyễn Hữu Chỉnh được không?

Em về suy nghĩ đi nhé, vài hôm sau ta trao đổi…

Khoảng tuần sau, em gặp và nhất trí làm đề tài “Tìm hiểu phong cách báo chí chính luận Nguyễn Hữu Chỉnh trên báo Nhân Dân”.

4. Khi luận văn xong xuôi, em đến nhà chơi, nói chuẩn bị bảo vệ luận văn. Tôi lấy chai rượu ngâm táo mèo ra, hai thầy trò lôi rượu ra nhâm nhi chúc mừng em hoàn thành luận văn tốt nghiệp.

Trong câu chuyện, tôi có hỏi gia đình, nhưng em chỉ trả lời một hai câu, thoáng buồn như không muốn nói.

Và giữ ý, tôi không hỏi nữa.

Và chuyển sang câu chuyện chuẩn bị hành trang cho nghề báo ngày nay….

5. Không hề biết em lên Hà Nôi học thuê trọ một phòng không cửa sổ, bé tẹo đủ chui ra chui vào; nhưng có lẽ còn khá hơn cái hầm mà em và bà ngoại đã chui ra, chui vào suốt hơn 10 năm.

Không hề biết bố mẹ em phải bươn chải hết chỗ nọ đến chỗ kia, cho đến hôm nay vẫn không có chỗ để đặt lư hương cho em an nghỉ.

Không hề biết việc em lên Hà Nội là tự lập hoàn toàn, tự kiếm sống nuôi thân và lo học hành….

Không hề biết từ khi ra trường, đi thử việc rồi đi làm, mỗi tháng chắt chiu tiết kiệm gửi về giúp bố mẹ 3 triệu đồng. Và từ khi vợ chồng em gái ly hôn, em nhận nuôi 2 đứa con em của gái mình…

Mới biết, khi viết về một doanh nghiệp, doanh nghiệp ấy cho người đem tiền đến cục tiền để ngưng phanh chuyện tiêu cực, nhưng em từ chối một mực,…

Em thật tuyệt vời - một thanh niên, một phóng viên trẻ bản lĩnh, nhân cách và có chí lập nghiệp, rèn nghề.

Em ra đi trong cơn lũ thịnh nộ từ rừng bị phá để cho quan giàu nhà biệt phủ và bao nhiêu dân lành chịu cảnh lầm than! Em để lại bao dòng nước mắt cho anh chị em đồng nghiệp, thầy cô, bạn bè,…

Em còn trẻ, nhưng đủ để lại một nhân cách sáng, một tấm gương sáng cho các thế hệ sinh viên báo chí noi theo!

Nhắc đến em, mắt lại cay xè. Vì thầy cũng đã trải qua một thời như vậy!

Người thân và hàng xóm đau đớn trước cái chết của chàng trai trẻ.

Đừng bắt phóng viên ra chiến trường khi không trang bị đủ kỹ năng cần thiết

Thầy Nguyễn Văn Dững cho biết, Đinh Hữu Dư trong ký ức của thầy là một chàng sinh viên hiền lành, ít nói, hay cười, rất nghiêm túc và bản lĩnh với nghề nghiệp mình theo đuổi. Có sự chủ động nghiên cứu và nhất là ý chí, bản lĩnh để vượt qua những gian nan trong cuộc sống.

Sự ra đi của Đinh Hữu Dư đã khiến thầy trăn trở rất nhiều về cái gọi là ”an toàn trong quá trình tác nghiệp báo chí”. Theo thầy, các cơ quan báo chí hiện nay hầu như chỉ quan tâm đến tin tức, góc nhìn, thành quả mình sẽ thu được… chứ không quan tâm đến sự an toàn của phóng viên, khi cử phóng viên đến những nơi nguy hiểm. Đó là điều không nên.

”Tùy tình hình cụ thể, cơ quan báo chí nên có những đợt tập huấn cho phóng viên. Phóng viên, ngoài chuyên môn báo chí, cần nắm cả kỹ năng sinh tồn ở những nơi có các điều kiện khác nhau. Và đây chính là trách nhiệm của các cơ quan, tòa soạn.

Không thể bắt phóng viên ra chiến trường, nhưng lại không trang bị đủ kỹ năng và thiết bị cần thiết. Khác nào đẩy phóng viên tới chỗ chết. Về phần các phóng viên, vì quá yêu nghề, cộng với cái háo hức của phóng viên trẻ, rồi nghĩ đến thành quả là những bài báo chất lượng mà rất nhiều bạn đã không biết nói từ chối hoặc tự yêu cầu được trang bị thêm điều kiện tác nghiệp, bất chấp tất cả để dấn thân. Đây có thể được xem là một bài học đầy đau đớn cho tất cả những ai làm nghề báo” - thầy Dững chia sẻ.

Chia sẻ

Bài viết

Thanh Minh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất