Khi màn đêm buông xuống thì một ngày làm việc của những người nhặt rác đêm mới bắt đầu. Vào một buổi chiều nắng gắt, hơi nóng hầm hập mặt đường, chúng tôi tìm tới căn phòng trọ của vợ chồng chị Vui - một trong những người nhặt rác đêm hơn chục năm nay ở Hà Nội, để tìm hiểu rõ hơn công việc nặng nhọc, vất vả này.
Căn phòng nhỏ tạm bợ nằm trong khu ổ chuột trên đường Đê La Thành (Hà Nội). Đồ đạc, vật dụng trong nhà hầu hết là đồ lượm được, ngay đến chiếc áo bảo hộ treo ở góc nhà cũng là của những công nhân môi trường khu phố chị hay nhặt rác, thương tình đem cho - chị Vui kể.
Khi tôi đến, chị Vui đang chuẩn bị cho bữa cơm của hai vợ chồng: chỉ đúng một món canh và một món mặn. Bữa cơm này chị sắp sẵn để đêm đi làm về có cơm ăn cho đỡ đói.
Buổi sáng, công việc của chị là đóng hàng và chờ những người thu mua đến lấy. Người ta đến mua đủ thứ, có người mua giấy, có người mua chai lọ nhựa, túi nilon, thậm chí cả cơm thừa canh cặn…
Như mọi ngày, vào quãng 5 giờ chiều, chị lại chuẩn bị các dụng cụ cần thiết trước khi ra đường nhặt rác. Đồ nghề chẳng có gì nhiều ngoài mấy bao tải để đựng rác và chiếc que cời rác đã hoen rỉ, chiếc xe nhỏ cọc cạch được chị dắt bộ leo lên con dốc Đê La Thành.
Chị Vui thường làm việc từ 5h chiều đến 12h đêm. Len qua từng con phố nhỏ, tìm đến những quán xá đông đúc, nơi có nhiều rác để nhặt. Chị nhặt đủ thứ, từ vỏ lon, vỏ chai nhựa đến túi ni lông, cái gì người ta thu mua được thì chị đều nhặt mang về. Công việc nhặt rác của chị cũng như đi câu. Có hôm lượm được ít, có hôm lượm được nhiều, cũng có hôm gần như tay trắng.
Không chỉ vất vả bởi công việc diễn ra ban đêm, khó khăn chị gặp phải còn đến từ những kẻ thiếu ý thức. Với họ, những người nhặt rác như chị không hề tồn tại, họ coi đó là công việc hạ đẳng, bẩn thỉu, bần cùng của xã hội nên nhiều khi chị bị họ miệt thị, khinh rẻ. Những lúc như vậy, chị chỉ biết nín lặng cho qua, tiếp tục công việc của mình.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đối xử ác ý như vậy. Chị Vui kể vẫn gặp được rất nhiều người tốt. “Người tốt còn đầy! Họ mang rác ra, thấy mình, bình thường họ sẽ bảo trong túi có chai nhựa đấy, để mình lấy. Nhưng không, họ bới luôn ra rồi đưa cho mình. Tốt lắm!” - chị cười hiền bộc bạch. “Người tốt vẫn nhiều hơn người xấu đó chú” - Chị kết luận!
Khi được hỏi tại sao chị gắn bó với nghề này lâu thế, chị Vui nói: “Buôn bán thì không có vốn, không có tiền, làm nghề này không mất vốn liếng gì, chỉ cần chịu khó thôi, cứ năng nhặt chặt bị, hơn nữa nó lại chân chính em ạ”.
May mắn hơn cho chị Vui là có người chồng biết quan tâm, san sẻ những vất vả cùng vợ. Nghề chính của anh Tuấn là thợ làm cửa sắt xếp, thu nhập mỗi ngày khoảng hơn một trăm nghìn đồng, làm theo sản phẩm từ 7h30 sáng đến 5h30 chiều. Tan ca, anh về chuẩn bị dụng cụ rồi đến khu vực chị Vui nhặt rác để phụ giúp vợ.
Vất vả khó nhọc là thế nhưng thu nhập của hai vợ chồng chẳng đáng là bao. Anh Tuấn ngần ngại chia sẻ: “Tất cả là vì miếng cơm manh áo em ạ! Thu nhập hai vợ chồng mỗi tháng được hơn 5 triệu, 3 triệu trả tiền trọ với ăn uống còn thì gửi về quê cho hai đứa con đang ở với ông bà nội”.
Thương anh chị vất vả, những người công nhân vệ sinh ở khu vực Hồ Đắc Di luôn tạo điều kiện cho hai vợ chồng kiếm thêm thu nhập. Tầm 6h chiều hàng ngày, anh Tuấn lại ra điểm tập kết rác, giúp họ đổ rác lên xe, tranh thủ nhặt nhạnh thêm những thứ còn giá trị.
Mỗi tối, sau khi lượm xong rác, anh chị phân loại rác ở một góc đường, dưới ánh đèn vàng vọt, không gian chỉ còn tiếng sột soạt của những bao rác được thu gom, chằng buộc. Hai chiếc xe xiêu vẹo với bao rác cao ngất cùng nhau đi về lúc quá nửa đêm.
Bánh xe cứ nặng nhọc lăn đều, lăn đều qua nhũng con phố vắng. Họ trở về xóm trọ khi đồng hồ đã điểm 1h sáng, anh chị rửa chân tay qua loa rồi “và” vội bát cơm canh đã nguội ngắt. Ngoài kia, trời đang chuyển dần về sáng….