Ngày 11/5, ban tổ chức cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 47 vòng quốc gia đã trao giải nhì cho Vũ Kiều Ngân, học sinh lớp 8A4, trường THCS Chu Văn An (Hà Nội). Sau buổi trao giải, Kiều Ngân đã khiến nhiều người có mặt tại hội trường xúc động khi em tiến xuống hàng ghế khán giả, trao tận tay lá thư cho chị Thùy Dương, mẹ của bé Hải An.
Với đề tài “Hãy tưởng tượng bạn là một lá thư du hành xuyên thời gian. Bạn muốn gửi gắm điều gì tới người đọc lá thư ấy?”. Kiều Ngân đã hóa thân thành một “lá thư truyền yêu thương và sẻ chia” để xuyên thời gian gửi tặng Hải An, cô bé 7 tuổi đã tự nguyện hiến giác mạc sau khi qua đời vì căn bệnh u não.
Kiều Ngân chia sẻ, khi mới biết đến thông tin bé Hải An hiến tạng trên báo, em không hiểu hết hiến tạng là gì nên nhờ mẹ giải đáp. Sau hơn 1 tuần tìm hiểu thông tin, với sự trợ giúp của mẹ, em đã quyết định viết thư cho em bé Hải An.
“Cảm xúc đong đầy, em phải viết đi viết lại lá thư 3 lần để cảm xúc trọn vẹn nhất. Qua bức thư, em muốn gửi mọi người thông điệp “cho đi là còn mãi”. Bé Hải An chỉ mới 7 tuổi, bằng nửa tuổi em nhưng đã có những nghĩa cử cao đẹp. Em hiểu rằng việc hiến tạng không phải ai cũng làm được vì có những rào cản nhất định”, Kiều Ngân nói.
Trước tình cảm đáng trân trọng của cô bé Kiều Ngân, chị Thùy Dương, mẹ bé Hải An không kìm nổi xúc động. Chị cho biết, đã từ rất lâu chị không thể khóc nữa, nhưng hôm nay đọc thư của Kiều Ngân, chị lại rơi nước mắt, bởi dù chỉ một đứa trẻ nhưng Ngân có thể thấu hiểu và cảm nhận sâu sắc về việc cho đi là nhận lại là như thế nào.
“Mong sau này các con có thể học thay bé Hải An và làm nhiều điều tốt đẹp hơn nữa”, chị Dương xúc động nói khi nhận được bức thư.
Nguyên văn bức thư như sau:
“Hà Nội, ngày… tháng… năm 2018
Thân yêu gửi Hải An!
Những ngày đầu Xuân 2018, khi đất trời vẫn còn khoác trên mình những màu sắc tươi mới của hoa lá, mưa phùn bay nhè nhẹ đủ làm ướt những chồi non, lộc biếc, mình xin gửi đến bạn những lời yêu thương chân thành từ trái tim. Mình chỉ là lá thư mỏng manh, mang sứ mệnh truyền lời yêu thương và thông điệp đến mọi người. Mình đã khóc cùng triệu người khi đọc câu chuyện hiến giác mạc của bạn. Vì vậy, hôm nay, mình mang theo tình yêu thương và trái tim của tất cả mọi người đến với Hải An.
Ở cái tuổi lên 7, tuổi mà ông bà, cha mẹ chúng mình vẫn nói “ăn chưa no lo chưa tới”, vậy mà Hải An đã biết lo cho người khác, lo cho tương lai. Bạn đã biết cho đi không phải để nhận lại. Căn bệnh u não quái ác gây bao đau đớn cho bạn, thế nhưng trái tim của bạn luôn nồng ấm yêu thương, đập những nhịp đập của lòng nhân ái. Ai đó bảo, câu chuyện bạn hiến giác mạc, đem lại ánh sáng cho người khác là “chuyện cổ tích hiện đại”. Nhiều người gọi Hải An là thiên thần. Điều này hoàn toàn có ý nghĩa. Bởi trong thế giới hiện tại ngày hôm nay, vẫn còn nhiều người sống ích kỷ, vô cảm, không quan tâm đến những người xung quanh. Nhiều bạn trẻ chỉ biết đến cái “tôi” cá nhân của mình, đắm chìm vào thế giới “ảo”, không bao giờ biết cho đi mà chỉ quen với hưởng thụ, chờ đợi mọi thứ đến với mình từ công sức, mồ hôi và nước mắt của người khác.
Sự kiên cường chống chọi với bệnh tật và tấm lòng nhân ái của bạn đã làm lay động và thức tỉnh hàng loạt trái tim. Chia sẻ với Hải An một tin vui, chỉ ngay sau khi bạn đến với thế giới của bên kia ánh sáng, rất nhiều người đã tự nguyện xin đăng ký hiến tạng sau khi đến với thế giới của bạn. Trái tim nhỏ bé của Hải An đã “chạm” đến trái tim của mọi người. Sự vô cảm đã nhường chỗ cho sự sẻ chia, lòng nhân ái.
Chắc Hải An đã từng được mẹ đọc cho nghe câu chuyện của nhà văn An - đéc - xen rồi nhỉ! Cô bé ấy cũng mang theo ước nguyện của mình vào những ngày đầu năm mới, gieo bao hy vọng và niềm tin cho những người ở lại.
Mình cũng chợt liên tưởng đến hình ảnh của cụ Bơ-men trong truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng của nhà văn O-Hen-ri. Cụ đã vẽ tranh trong một đêm mưa gió, một đêm có lẽ chiếc lá thường xuân cuối cùng còn sót lại đã rụng từ đêm đó. Cụ Bơ-men đã đội mưa, đội gió vẽ lên nền tường chiếc lá sinh mệnh kéo dài sự sống cho cô gái Giôn-xi. Cụ đã đánh đổi mạng sống của mình để mang lại cuộc sống mới cho cô gái trẻ tràn đầy nhiệt huyết. Một hành động cao đẹp gắn liền với tâm nguyện suốt cuộc đời của ông họa sĩ già.
Các nhà văn đã hiện thực hóa cái đẹp của lòng nhân ái qua những nhân vật của mình. Còn Hải An là hiện thực của một trái tim biết hy sinh, biết yêu thương và biết cho đi. Giác mạc được lấy từ đôi mắt trong veo và trái tim thánh thiện của bạn đã đem lại ánh sáng cho hai người khác không may bị hỏng mắt. Đó là thứ ánh sáng hiện thân của lòng nhân ái. Bạn cũng giống như những nhân vật thánh thiện ấy, sẽ còn “neo đậu”, mãi nhắc nhở chúng tôi về nhân sinh trong đời sống.
Giờ đây, Hải An đang ở một thế giới thật đẹp. Nơi đó không còn những nỗi đau, không còn căn bệnh u não quái ác, không còn sự vô cảm, ích kỷ, chỉ có những thiên sứ. Thiên đường đón bạn vào những ngày xuân mới. Bạn sẽ là bông hoa nhỏ tô điểm thêm cho thế giới tươi đẹp đó. Trong mình đang hiện lên hình ảnh của bạn mặc chiếc váy trắng tinh, đeo đôi cánh thiên thần đang bay lượn khắp thiên đường đem theo trái tim nhân hậu, ánh mắt sáng ngời và nụ cười trong veo.
Không bao giờ là sớm hay muộn để làm những việc đem lại ý nghĩa và giá trị tốt đẹp cho cuộc sống, cho nhân loại. Hải An là người gieo hạt, mầm nhân ái từ tấm lòng của bạn sẽ tiếp tục được viết tiếp từ những người bạn nhỏ. Người mẹ kiên cường, nhân hậu, giàu đức hy sinh và có tấm lòng rộng mở của bạn giờ có rất nhiều con gọi cô bằng mẹ. Đó là các bạn học cùng với Hải An ở ngôi trường tiểu học xinh xắn. Hôm tiễn Hải An đi, tất cả mọi người và các bạn ấy đã khóc rất nhiều, khóc bởi nhớ thương cô bạn nhỏ đáng yêu và bởi cảm phục việc làm nhân hậu của bạn.
Hải An đã để lại cho chúng mình một bài học làm người - bài học về lòng nhân ái, về tình người và chung tay vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Điều này đem lại động lực và niềm tin vào cuộc sống cho chúng mình, để từ đó mỗi người sẽ xích lại gần nhau hơn, yêu thương và trân trọng cuộc sống ngày hôm nay hơn. Hãy mãi là cô bé thiên sứ, đem yêu thương vun đắp thế gian này nhé, Hải An nhỏ bé của chúng tôi!
Thân ái!
Lá thư truyền yêu thương và sẻ chia”.