Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Ngồi trong ô tô liệu có an toàn khi trời có sấm sét?

Những ngày qua, Hà Nội xuất hiện hiện tượng tia sét dội xuống mặt đất liên tục trong cơn mưa lớn. Điều này khiến nhiều người lo ngại rằng việc ngồi trong một chiếc ô tô giữa trời mưa dông, sấm sét có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên, trên thực tế, ô tô lại được xem là một trong những nơi trú ẩn an toàn cho mọi người khi trời mưa dông, sấm sét.

Thông tin trên Tiền Phong, các chuyên gia ô tô cho hay, sở dĩ người ngồi trong ô tô không bị sét đánh không phải do lốp xe, mà là nhờ vào khung kim loại của nó. Khi một phương tiện có kết cấu kim loại bị sét đánh, dòng điện chủ yếu chạy xung quanh bên ngoài ô tô và tràn xuống mặt đất bên dưới (quá trình này được gọi là nối đất).

Về cơ bản, ô tô của bạn sẽ biến thành một thứ giống như một chiếc lồng Faraday. Lồng Faraday (hoặc tấm chắn Faraday) là một vỏ bọc, khi nhận được một tia lửa điện cực lớn, nó sẽ truyền dòng điện đó xuống đất, khiến cho người hoặc vật trong lồng không bị truyền điện.

Ngồi trong ô tô liệu có an toàn khi trời có sấm sét? Ảnh 1
Ảnh minh họa

Chiếc xe của chúng ta về cơ bản là một chiếc lồng Faraday di động. Tuy nhiên, nếu thành phần kim loại không đạt tiêu chuẩn trên thân xe của bạn có thể ảnh hưởng đến thuộc tính 'lồng Faraday' và nâng cao mức độ nguy hiểm. Thêm nữa, xe mui trần hoặc mở cửa sổ, khả năng bảo vệ con người sẽ giảm đi do chiếc lồng Faraday này không kín.

Theo VietNamNet, để đảm bảo an toàn cho người ngồi bên trong xe, các chuyên gia cũng đưa ra một số lưu ý cho mọi người khi di chuyển trong điều kiện thời tiết mưa dông, sấm chớp.

Điều đầu tiên mà người lái cần làm là tấp xe vào lề đường, tắt máy và không chạm vào bất kì chi tiết kim loại nào. Ngoài ra, người ngồi trong xe cũng không nên mở cửa kính xe hay thò tay ra ngoài và tốt nhất chỉ nên đặt tay lên đùi. Bên cạnh đó, người ngồi bên trong xe cũng được khuyên là nên tắt hết các thiết bị điện tử như điện thoại hay máy tính bảng.

Nếu trong trường hợp bắt buộc phải di chuyển, người lái cần chú ý chạy xe ở tốc độ thấp. Điều này không chỉ giúp hạn chế sức gió mà còn giúp người lái dễ dàng xử lí trong những tình huống khẩn cấp. Điển hình như việc nếu bị sét đánh trúng, hệ thống điện trên xe vụt tắt thì ở tốc độ chậm sẽ vẫn dễ xử lý hơn là khi đang chạy nhanh. 

Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, chỉ trong 3 giờ sáng sớm ngày 5/6, đã có hơn 10.200 tia sét xuất hiện trên bầu trời Hà Nội, trong đó hơn 7.000 tia sét dội xuống mặt đất.

Cụ thể, khung 6-7h, có hơn 3.5000 cú sét đánh trên bầu trời Hà Nội, trong đó 2.300 tia đánh xuống mặt đất.

Khung 7-8h, có hơn 4.000 tia sét, trong đó gần 2.900 cú sét đánh xuống mặt đất. Trung bình cứ 10 phút sẽ có hơn 470 cú sét đánh xuống đất. 

Khung 7h30 đến 8h50 là sét đánh nhiều nhất. Ngoài ra, ở khu vực Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa xuất hiện sấm, sét dày đặc.

Ông Vũ Anh Tuấn (Phó trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết, ảnh hưởng của rãnh áp thấp đi qua Bắc Bộ bị nén yếu bởi bộ phận không khí lạnh từ phía Bắc là nguyên nhân gây ra sấm sét.

Các đợt mưa đặc trưng trong tháng 5 và 6 thường đi kèm theo nhiều dông, gây ra lốc sét và mưa đá. Đây là thời điểm các khối khí nóng và lạnh giao tranh.

Theo chuyên gia khí tượng, sấm sét thường xuất hiện nhiều trong giai đoạn đầu mùa mưa, sau một thời gian nắng nóng, khô hạn. Trước khi đón đợt mưa diện rộng từ ngày 5/6, miền Bắc đã trải qua một tuần nắng nóng gay gắt, oi bức.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Linh

Bình Luận

BÌNH LUẬN

Tin mới nhất