Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

An ơi, đừng sợ: Câu chuyện về 'đôi chân tròn' và nghị lực đáng ngưỡng mộ của thầy giáo trẻ

Khi đang ở trong giai đoạn đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ thì anh Đặng Hoàng An (giảng viên trường ĐH Sư Phạm, TP.HCM) lại gặp biến cố về sức khoẻ khiến đôi chân không thể hoạt động được. Có nước mắt xen lẫn nụ cười, hành trình đầy nghị lực để tìm lại niềm vui sống của anh đã truyền cảm hứng cho bao người.

An ơi! Đừng sợ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân có hoàn cảnh khó khăn nên từ nhỏ, cậu bé Hoàng An luôn nỗ lực học tập. Cậu miệt mài đèn sách, chăm chỉ đến trường, những buổi không đi học lại lao vào phụ giúp gia đình, An là một niềm tự hào của cha mẹ. Và sự cố gắng không ngừng nghỉ ấy đã được đền đáp xứng đáng khi cậu học trò nghèo năm nào đã trở thành giảng viên, thạc sĩ Tâm lí của trường ĐH Sư Phạm TP.HCM. 

Câu chuyện về 'đôi chân tròn': Nghị lực đáng ngưỡng mộ của một thầy giáo trẻ vươn lên từ tật nguyền Ảnh 1
Anh Hoàng An ngày còn khoẻ mạnh

Biến cố ập đến trong một lần anh bị ngã từ trên lầu xuống, chân bị chấn thương khá nặng. Từng ngày trôi qua, An đau đớn nhận ra hai chân mình ngày càng trở nên yếu ớt. Và rồi căn bệnh suy giảm hệ thống miễn dịch kèm theo đó khiến anh hoàn toàn không có cảm giác ở chân nữa. 

Anh nhớ lại: “Lúc đầu khi nghe bác sĩ bệnh viện 30/4 thông báo về tình trạng sức khoẻ của mình, tôi rất hoang mang và lo sợ. Bao nhiêu thứ còn dang dở cứ trôi qua trong đầu: đề tài nghiên cứu ở trường sẽ thế nào, cha mẹ mình sẽ ra sao, và đôi chân này liệu có thể còn cứu chữa được không… Nhiều đêm nằm trong bệnh viện mà nước mắt cứ tuôn ra, tôi không dám để cho bất kì ai biết vì sợ mọi người sẽ càng lo lắng hơn”.

Câu chuyện về 'đôi chân tròn': Nghị lực đáng ngưỡng mộ của một thầy giáo trẻ vươn lên từ tật nguyền Ảnh 2

Cuối năm 2016, bệnh viện Chợ Rẫy cho Hoàng An xuất viện vì không còn phác đồ điều trị nào thích hợp nữa. “Từ khi về nhà, tinh thần tôi suy sụp và thường xuyên ngồi bất động như cái xác không hồn. Cha mẹ tôi quan niệm còn nước thì còn tát, nên nghe ở đâu có thầy thuốc giỏi đều mang tôi đến đó chữa bệnh. Đó là hành trình 2 năm ròng rã đi qua các tỉnh heo hút từ miền Tây cho đến miền Đông chỉ mong tìm được người giỏi cứu lấy đôi chân cho tôi. 

Câu chuyện về 'đôi chân tròn': Nghị lực đáng ngưỡng mộ của một thầy giáo trẻ vươn lên từ tật nguyền Ảnh 3

Có một lần, tôi theo cha đi chữa bệnh ở Vĩnh Long. Quãng đường từ ngoài lộ lớn đi đến nhà thầy lang khá dài và nhỏ mà xe không vào được nên tôi phải nhờ cha ẵm vào. Sau khi thầy lang xem qua bệnh thì lắc đầu, mọi thứ trong tôi sụp đổ. Ngồi trong lòng cha, tôi cảm nhận được hơi thở của ông. Tôi biết ông đã rất mệt, đã kiệt sức sau chuỗi ngày dài nhưng không ngừng động viên: Thầy này không được mình đi thầy khác, con không được bỏ cuộc nha. Cha sẽ luôn ở đây và đồng hành cùng con. Tôi bật khóc”.

Đôi chân tròn lăn dài trên cát…

Không thể tiếp tục công việc giảng dạy, An chính thức quay trở về nhà. Từ một thanh niên khoẻ mạnh, anh bắt đầu cuộc sống mới với “đôi chân tròn” là chiếc xe lăn. Anh chia sẻ: “Ban đầu, tôi còn không muốn ngồi vào nó, bởi vì khi bước đi trên “đôi chân tròn”, tôi thấy mình thấy nhỏ bé và bất lực. Ai nói chuyện với tôi cũng phải nhìn xuống. Điều này khiến tôi nhìn vào đôi chân teo tóp của mình hàng trăm lần với bao nhiêu tủi hổ. Tôi thu mình lại và cất nỗi buồn vào một góc mà không ai nhìn thấy”.

Câu chuyện về 'đôi chân tròn': Nghị lực đáng ngưỡng mộ của một thầy giáo trẻ vươn lên từ tật nguyền Ảnh 4

Trong tận cùng nỗi đau đó, thật may rằng anh luôn có mẹ, luôn được nhìn thấy mẹ cố gắng và yêu thương anh mỗi ngày. “An ơi! Có mẹ luôn ở cạnh con. Con phải sống tiếp với mẹ chứ, đừng bỏ mẹ nha An” – mẹ nói mà nước mắt lăn dàiTình thương bao la và sự kiên nhẫn của mẹ đã vực anh dậy. Anh, phải sống một cuộc đời mới. 

An tập làm quen với “đôi chân tròn”. Hằng ngày, khi cha mẹ đi làm, anh dùng nó di chuyển từ góc này sang góc khác trong nhà, khi thì quét dọn vườn tược, lúc trồng rau, khi thì cho bò ăn cả… Mỗi ngày trôi qua, anh tìm thêm được nguồn năng lượng để vui sống. “Tôi yêu quý chiếc xe lăn hơn vì nó giúp tôi di chuyển từ nơi này sang nơi khác, để tôi thấy mình tàn mà không phế” – An bộc bạch.

Câu chuyện về 'đôi chân tròn': Nghị lực đáng ngưỡng mộ của một thầy giáo trẻ vươn lên từ tật nguyền Ảnh 5
Thầy An là nhân vật truyền cảm hứng tại nhiều trường THPT

Nghỉ việc ở nhà nhưng không muốn làm gánh nặng cho bố mẹ nên anh đã chủ động kiếm thêm nguồn thu nhập. Anh tự nghiên cứu và khởi nghiệp trồng nấm sạch bào ngư. Thời gian rảnh rỗi, An trở thành cộng tác viên tư vấn tâm lí học đường trên sóng radio đài Vĩnh Long. “Đôi chân tròn” đã lăn dài trên những nẻo đường gần xa, giúp An cũng đã tìm được niềm vui sống. 

Câu chuyện về 'đôi chân tròn': Nghị lực đáng ngưỡng mộ của một thầy giáo trẻ vươn lên từ tật nguyền Ảnh 6
 Tích cực tham gia các hoạt động xã hội

"Tôi biết Hoàng An từ khi em ấy là sinh viên năm thứ nhất của khoa Tâm lý Giáo dục, Đại học Sư phạm TP.HCM. Sau nhiều năm phấn đấu, với thái độ và năng lực cao em đã được nhà trường nhận về làm giảng viên. Đó là kết quả xứng đáng cho một sự nỗ lực không ngừng nghỉ. 

Khi những biến cố cuộc đời ập đến tưởng chừng sẽ làm tan mất ý chí, niềm tin của em vào cuộc sống. Nhưng không, em khiến tôi phải ngưỡng mộ bởi nghị lực phi thường và những giá trị sống tốt đẹp, nhân văn mà em lan tỏa: Tàn mà không phế. Em luôn nhắn tin và động viên ngược lại tôi  khi tôi có những khó khăn trong cuộc sống và công việc. 

Đáng lẽ, tôi phải là chỗ dựa cho em nhưng không ngờ… em lại là chỗ dựa tinh thần cho tôi. Thực sự, nếu không có nguồn năng lượng tích cực sống từ em, tôi cũng chưa kịp nhận ra: Bản thân mình may mắn và cần sống tốt, làm tốt và nỗ lực làm cảnhững điều thay em. Với tôi, em là một tấm gương, một con người tôi ngưỡng mộ, cũng là một người thân mà tôi luôn yêu quý" - NCS. Ths. Mai Mỹ Hạnh - Phó trưởng bộ môn Tâm lý học ĐHSP TP.HCM.

Câu chuyện về 'đôi chân tròn': Nghị lực đáng ngưỡng mộ của một thầy giáo trẻ vươn lên từ tật nguyền Ảnh 7

Hiện tại, An cũng đang thực hiện kênh YouTube riêng. Thật khó mà tưởng tượng một YouTuber đã ngồi xe lăn, tay thoăn thoắt dựng máy, làm hậu kì… nhưng An đã làm được. Anh muốn lan toả cảm hứng sống của mình đến với nhiều người khác. Nếu một mai bạn bị vùi lấp trong những bế tắc của cuộc đời, hãy tin vào bản thân mình để làm sức mạnh hướng tới những điều tốt đẹp.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Khải Anh

Được quan tâm

Tin mới nhất