Ngày Báo chí Cách mạng 21/6 lại đến, cả nước như hòa chung không khí hân hoan kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2022).
Trong ngày này, những người làm báo trên khắp cả nước cũng đang hòa mình vào không khí hân hoan, ôn lại những kỷ niệm.
Cơ duyên với nghề từ 30 năm trước, tìm mọi cách để được đọc báo
Trao đổi với chúng tôi, chị Vũ Thị Liễu, đang công tác tại Báo điện tử VTC News, chia sẻ chị đã gắn bó với nghề báo được 10 năm nay. Ban đầu, chị làm việc tại một số kênh truyền hình, đến 2016, chị chính thức chuyển sang làm báo điện tử.
Nói về cơ duyên với nghề, chị Liễu tâm sự: “Khoảng gần 30 năm trước, khi ấy là đầu những năm 90. Khi đó tôi mới nghỉ hè năm lớp 2, bố tôi đặt báo Nhi Đồng cho tôi đọc.
Đọc xong tôi mê đọc báo luôn, mê lắm cứ chiều thứ 2 là cố đi học về thật nhanh, vì biết rằng bác bưu tá đưa báo đến nhà. Khi ấy, gần nhà có một thầy giáo làm quản lý thư viện ở trường cấp 3, bác bưu tá hay gửi báo cho thầy giáo đó ở nhà tôi, mỗi khi thầy đi vắng là tôi đọc ké hết.
Tôi vẫn nhớ khi ấy là báo Nhân Dân, báo Lao Động, mặc dù đọc không hiểu mấy, vì lúc đó mới lớp 2, lớp 3 thôi nhưng vẫn thích đọc lắm”, chị Liễu tâm sự.
Sau khi bố mẹ không còn đặt báo nữa, chị vẫn tìm mọi cách để được đọc báo. Lên cấp 2, chị hay mượn được đọc báo Thiếu niên Tiền phong, phù hợp với độ tuổi.
“Tôi cũng tập tành viết, gửi cho báo Thiếu niên Tiền phong nhưng không được đăng bài nào cả. Lên cấp 3, tôi tự để dành tiền để mua báo Hoa học trò và cũng kiên trì gửi bài cho báo này lắm nhưng chờ mãi cũng không có bài nào được đăng, khi ấy buồn nhưng không nản”, chị Liễu chia sẻ.
Đến ngày 23/12/2003, chị Liễu như vỡ òa cảm xúc. Chị vẫn nhớ như in cái ngày hôm ấy khi bài viết đầu tiên được đăng trên báo Hoa học trò.
Không đợi được đến lúc về nhà, vừa hết giờ học, chị lao thẳng đến cái bốt điện thoại công cộng, gọi về khoe với bố mẹ: “Nhuận bút năm đó tôi được tận 50 ngàn đồng. Khi ấy là số tiền lớn lắm đấy”, chị Liễu hào hứng nói.
Sau những niềm vui ấy, chị có thêm một số bài khác được đăng, điều này càng thúc đẩy đam mê theo nghề báo của chị mỗi lúc một nhiều hơn.
Đến khi bước chân vào nghề, trải qua rất nhiều khó khăn, trông gai, mọi thứ không chỉ có “màu hồng”.
“Trước đây có những thời điểm tôi làm lương thấp lắm, thậm chí không đủ tiền thuê nhà. Làm mãi không được vào chính thức, khi ấy tôi đã nghĩ đến việc bỏ nghề.
Thế nhưng, nghề vẫn cứ bên tôi, ưu ái tôi cho cơ duyên được đến với những tòa soạn khác. Dù khi ấy thu nhập cũng chưa cao nhưng mỗi nơi lại cho tôi thêm những kinh nghiệm, cơ hội quý báu. Tôi luôn mãi trân trọng những điều đó”, chị Liễu tâm sự.
Biết ơn khi được theo nghề báo
Chị Liễu luôn cảm thấy biết ơn khi được theo nghề báo, được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, nhiều mảnh đời và câu chuyện khác nhau.
Khi mệt mỏi, khó khăn, chị Liễu lại nghĩ đến những nhân vật từng gặp có hoàn cảnh khó khăn hơn gấp bội: “Họ sống, người hi vọng, ước ao chỉ cần được sống. Tôi lại hỏi mình tại sao phải từ bỏ?”, chị Liễu nói.
Làm việc trong mảng thời sự, luôn phải cập nhật tin tức cao độ nên thời gian là áp lực lớn nhất đối với chị Liễu. Thế nhưng, càng áp lực chị lại càng cảm thấy bản thân được rèn dũa, chau chuốt hơn. Bằng mọi cách chị luôn cố gắng đưa những tin tức chính xác, nhanh chóng nhất đến với đọc giả.
“Ngày này thì vui lắm, anh em đồng nghiệp ai cũng vui. Tôi chúc cho những người làm báo “chân cứng, đá mềm”, chúc mọi người luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và giữ sức khỏe”, chị Liễu chia sẻ.
10 năm theo nghề, chưa bao giờ nhụt trí
Cũng hòa chung không khí hân hoan, trải lòng, chia sẻ kỷ niệm nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Nhà báo Nguyễn Văn Định (Bút danh: Gia Khiêm – Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt), cho biết cơ duyên đến với công việc làm báo của anh rất đặc biệt.
“Tôi có niềm đam mê với báo chí khi đang còn ghế nhà trường, năm cấp 3. Sau đó, có một cậu bạn thân cũng cùng chí hướng nói với anh: “Tôi với anh cùng thi vào ngành báo chí đi”.
Thế rồi sau vài ngày suy nghĩ tôi đã quyết định đăng ký thi vào ngành báo chí. Từ những chập chững với nghề từ khi còn ghế nhà trường đến nay tôi đã có gần 10 năm gắn bó với nghiệp cầm bút, sống và đam mê với nghề chưa bao giờ nhụt trí”, anh Định tâm sự.
Trước khi đến nơi làm việc hiện tại, anh Định từng công tác tại 2-3 cơ quan báo chí. Mỗi nơi làm việc đều cho tôi rất nhiều kỷ niệm, cảm xúc. Tinh thần gắn bó đoàn kết trong cơ quan, tính hỗ trợ lẫn nhau và giúp đỡ, quan tâm nhau lúc khó khăn nhất.
“Trước đó tôi cũng có tìm hiểu và nghe nói về cơ quan báo chí nơi mình công tác bởi nơi đây là cơ quan báo chí chuyên nghiệp, là tờ báo giấy lâu năm. Sau khi xin vào và làm việc tại đây, tôi mới thấy sự lựa chọn của mình hoàn toàn đúng đắn, bổ ích”, anh Định luôn tự hào về nơi làm việc của mình.
“Nếu nói làm báo không vất vả, khó khăn thì không phải. Chúng tôi đã từng trải qua những cuộc trèo đèo lội suối, những đêm không ngủ, thậm chí trên những chiếc xe máy cà tàng băng băng hàng trăm km trên những đoạn đường đầy ổ gà, ổ voi…
Những chuyến tác nghiệp để đời nơi rừng thẳm
Tôi nhớ khi mình theo mảng Thời sự - Pháp luật có những chuyến công tác “đột xuất” trong đêm từ Hà Nội đi Thanh Hoá, Yên Bái, Sơn La… Nhớ nhất là một chuyến công tác đi Yên Bái cách đây không lâu chúng tôi phải leo đồi núi hiểm trở vài tiếng đồng hồ mới đến hiện trường.
Toàn bộ khu vực này vùng sâu vùng xa nên hoàn toàn không có sóng điện thoại, cách biệt với bên ngoài. Lúc đó để gửi được tin bài về toà soạn chúng tôi phải ra tận đường quốc lộ. Tôi phải vẫy nhờ tài xế xe tải chở cả đoàn phóng viên ngồi sau thùng xe để đi qua đoạn đường hiểm trở cách vài km mới có thể gửi bài”, anh Định nhớ lại.
Cũng có những lần, anh Định và các đoàn Nhà báo, Phóng viên của các Cơ quan Báo chí phải bám bản ở rừng núi nhiều ngày trời theo dõi, đưa tin…
Làm báo nhiều kỷ niệm và hạnh phúc, anh Định nói thế. Hạnh phúc đơn giản ngay từ những bài viết của mình. Với anh, báo chí luôn bảo vệ công lý, lẽ phải, những người kém may mắn trong xã hội. Anh nhớ mãi những hoàn cảnh khó khăn từng gặp, cảm nhận, lắng nghe và viết về họ.
Công việc bận rộn, anh Định vẫn luôn cố giành thời gian cho gia đình: “Vợ chồng tôi đều là người bận rộn nhưng vì muốn tôi chuyên tâm vào công việc nên vợ tranh thủ vừa làm vừa hỗ trợ tôi chăm sóc con cái. Những lúc bớt bận rộn thì tôi dành gian cho các con, gia đình”, anh Định tâm sự.
Những ngày này, cảm xúc của anh Định cũng như những người làm báo khác, vô cùng đặc biệt, những kỷ niệm cứ ùa về trong niềm hân hoan vào ngày đặc biệt.
“Quan điểm của tôi, làm báo phải luôn tôn trọng sự thật, phải có trách nhiệm với chính ngòi bút của mình. Mỗi khi tác nghiệp ở những nơi nguy hiểm trước tiên phải đảm bảo an toàn cho bản thân mình.
Phải bình tĩnh xử lý khéo léo từng tình huống. Đối với thế hệ phóng viên trẻ tôi cũng muốn nhắn gửi các bạn khi đã lựa chọn với nghề thì hãy sống hết với đam mê của mình.
Nghề báo tuy vất vả nhưng sau những bài viết một số phận kém may mắn có cơ hội được giúp đỡ, chia sẻ những câu chuyện hay trong cuộc sống, phê phán, phản ánh những điều tiêu cực, chưa tốt… góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội… Đó là trách nhiệm của mỗi người thì chọn nghề “đưa tin”.
Nhân ngày đặc biệt này tôi xin gửi lời chúc tới toàn thể những người làm báo sức khoẻ, thành công…”, anh Định chia sẻ.
‘Hy sinh nhiều, có nước mắt, có nụ cười”
Ngồi một góc tại quán cà phê ven đường, đôi tay anh Quang Văn Hùng – Báo Nhà báo và Công Luận, vẫn đang thoăn thoắt làm những phần việc mà cơ quan giao phó.
“Mới gắn bó nghề báo hơn 5 năm, rồi đấy”, anh Hùng nở một nụ cười tươi nói với tôi. Anh Hùng đến với nghề báo cũng rất đặc biệt, anh đã yêu thích nghề này từ khi còn là một cậu học sinh cấp 3.
Sau khi công tác tại nhiều cơ quan báo chí, anh Hùng đã có cơ duyên đến nơi làm việc hiện tại. Anh luôn cảm thấy biết ơn khi được theo nghề báo và tự hào khi được làm việc tại đây.
Anh Hùng phải xa nhà, xa quê hương Nghệ An vì công việc bận rộn, công tác tại Hà Nội: “Xa quê hương cũng nhớ lắm chứ nhưng mình lại lấy công việc làm niềm vui, làm động lực để bước tiếp, vẫn luôn cố thu xếp thời gian rảnh để về thăm gia đình”, anh Hùng chia sẻ.
Suốt những năm tháng làm báo, anh Hùng cũng có vô vàn kỷ niệm. Thế nhưng, những ngày tháng cả nước oằn mình chống chọi với đại dịch Covid-19 là những ngày tháng anh không thể nào quên.
“Có lẽ, điều đó khó quên đối với tất cả những người làm báo trên cả nước chứ không chỉ riêng tôi”, anh Hùng tâm sự.
“Làm báo thì hy sinh nhiều đấy, có nước mắt, có nụ cười. Hy sinh không có nhiều thời gian cho gia đình người thân, thậm chí đến bản thân cũng không được chăm sóc tốt cứ lăn xả với nghề hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất thôi. Nhiều khi phát khóc chứ không đùa.
Sau những phút giây ấy thì vui, vui vì hoàn thành công việc, vui vì đưa tin tức nhanh, chính xác đến đọc giả và vui vì viết được những bài báo giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh”, anh Hùng cười nói.
Không có thời gian tìm một nửa còn lại
“Với tôi, thực sự không có thời gian cho chuyện trai gái, tương lai. Trước kia chưa làm báo thì nghĩ nghề nào cũng như nhau, thời gian nghỉ ngơi tìm nửa kia của mình chắc cũng dễ dàng.
Nhưng đến khi làm báo, nhất là đối với Phóng viên, Nhà báo theo mảng thời sự xã hội như tôi việc đó không hề dễ dàng, gần như công việc đều đến bất chợt và không được báo trước”, anh Hùng gượng cười nói.
Giờ đây, anh cũng không đưa ra tiêu chuẩn hay đòi hỏi gì ở “nửa còn lại”: “Công việc của tôi vốn đã vất vả rồi, chỉ cần mong tìm được người nào đó hiểu công việc, hiểu nghề mà mình đang làm là được.
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam tôi muốn gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến với tất cả các đồng nghiệp đang công tác trong lĩnh vực báo chí, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ”, anh Hùng tâm sự.
Nhiều lúc nguy hiểm tính mạng, luôn cần một thần kinh thép
Anh Phi Hùng, công tác tại báo Pháp luật TP. HCM (Văn phòng Hà Nội), chia sẻ anh đến với nghề cũng tình cờ. Anh vốn mong muốn cố gắng trở thành một quân nhân để nối gót người cha vốn là sỹ quan chuyên nghiệp bị mất sức sớm nhưng do thể trạng không đủ nên anh đành bỏ ngỏ giấc mơ ấy.
Tuy nhiên, một mơ ước thầm kín của riêng anh đã ấp ủ từ nhỏ là khi anh đọc những cuốn sách, báo. Khi ấy, anh luôn tò mò muốn biết những người viết ra những bài báo ấy là ai. “Với tôi, những điều ấy bí ẩn lắm, tôi luôn muốn gặp và ngưỡng mộ những người ấy”, anh Hùng nói.
Sau này khi lớn lên, khi không thể trở thành quân nhân, anh là 1 trong số 4 người bạn thân may mắn đỗ vào chuyên ngành báo ảnh của trường Học viện Báo chí và Tuyên Truyền, mọi ước mơ bắt đầu thành hiện thực từ đó.
Vào nghề cũng như những người khác, anh bắt đầu chật vật với nghề, khó khăn bộn bề không thể kể hết: “Hiện tại mình đang làm việc tại báo Pháp luật TP. HCM (Văn phòng Hà Nội), mình cảm thấy rất có duyên với nơi đây và sẽ cố gắng làm việc tại đây hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất.
Với anh Phi Hùng, anh cảm thấy khó khăn gian khổ của bản thân không là gì so với những thế hệ đi trước: “Dù vậy nhưng, trong những năm tháng mình làm nghề cũng có những lúc nguy hiểm đến tính mạng, sự sống và cái chết khi đó mong manh.
Thế nhưng mình không mấy để tâm vì đó là công việc là lựa chọn của mình, mình cảm thấy ý nghĩa nhất đó là khi giúp được người dân, công lý, lẽ phải. Có những nhân vật giờ đây coi mình như một thành viên trong gia đình, khiến mình rất xúc động và trân trọng vì điều đó.
Người làm báo luôn cần một thần kinh thép, luôn lường trước, tính toán đến những tình huống xấu nhất và cần có phương án dự phòng.
Anh Phi Hùng cũng luôn tự dặn mình không bị cám dỗ bởi những đồng tiền, không bao giờ được phép làm sai lệch đi bản chất sự việc, tạo thêm cơ hội cho những cái xấu hoành hành.
Hiện tại, anh và vợ vừa chào đón cậu con trai được hơn 2 tháng tuổi. Công việc bận rộn, anh cũng chỉ đành xa con, mỗi khi nhớ, anh lại gọi điện về nhà ngắm vợ con qua màn hình điện thoại. “Dần cũng quen”, anh nói thế.
Trong ngày đặc biệt, anh Phi Hùng gửi lời chúc đến tất cả những người làm báo trên cả nước luôn có môt “trái tim nóng, và cái đầu lạnh”, giữ được sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề, đặc biệt là bản lĩnh chính trị vững vàng.