Những ngày qua, các con số thống kê của ngành y tế về ca mắc Covid-19 trên cả nước và Thủ đô vẫn tăng đều. F0 tăng cao đến độ nhiều khi người ta vẫn trêu đùa nhau trong sự chua chát “xung quanh toàn F0, ây” và dần trở thành một trào lưu.
Không hẳn là diễu cợt, đôi khi mọi người chỉ đang cố thốt lên những câu nói vu vơ để xua đi phần nào những nỗi lo nặng trĩu về tình hình dịch bệnh căng thẳng.
Các con số thống kê về tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Hà Nội và trên cả nước khiến không ít các gia đình, bậc cha mẹ phải đau đầu, lo lắng khi có con nhỏ.
Đến hiện tại, người trên 18 tuổi đa phần đã được tiêm đầy đủ vaccine phòng chống Covid-19. Thế nhưng các bé dưới 12 tuổi vẫn chưa được tiêm chủng phòng bệnh. Chính vì điều này, nhiều bậc phụ huynh càng lo lắng hơn khi con có thể đối mặt với dịch bệnh bất cứ lúc nào.
“Covid mà! chẳng may chúng nó đến thì chúng mình tiếp”
Từng trải qua những khoảnh khắc lo lắng tột độ khi 3 con nhỏ cùng vợ trở thành F0, anh Nguyễn Văn Định, (32 tuổi, HH Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn nhớ như in ngày đầu gia đình đối mặt với dịch bệnh.
Ngày 8/2, vợ anh Định mới sinh con gái út được 10 ngày thì chị và con gái đầu 10 tuổi nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2: “Nhận kết quả dương tính, tôi bắt đầu lo lắng. Khi ấy tôi chỉ lo các con và vợ. 2 bé đầu thì chưa đủ tuổi tiêm, bé út vừa sinh được 10 ngày, vợ đang ở cữ sau sinh. Tôi không dám nghĩ gì thêm”, anh Định chia sẻ.
Là người đàn ông, trụ cột trong gia đình, anh trấn an vợ con bình tĩnh và thu xếp mọi công việc để tập trung cho gia đình. Cách ly, điều trị F0 tại nhà giờ đây đã trở nên phổ biến. Do gia đình anh sống trong căn chung cư, không còn cách nào khác, vợ anh và con gái cả được chia ra cách ly trong 1 phòng riêng.
“Căn chung cư nhà tôi có 2 phòng, tôi và con trai 5 tuổi sống ở phòng còn lại. Bé út mới sinh được 10 ngày nên tôi chuẩn bị dụng cụ để bé ở phòng khách. Do bé còn quá nhỏ nên hàng ngày vợ tôi vẫn phải đeo khẩu trang, sát khuẩn rồi ra cho con bú, xong lại vào phòng cách ly cùng con gái lớn”, anh Định chia sẻ.
3 ngày sau, con trai anh cũng có kết quả dương tính và anh Định cũng thành F0 sau 1 tuần: “Tôi động viên vợ con là không sao cả, cứ ăn uống ngủ nghỉ tốt là được nhưng thực ra tâm lý mình lúc đó cũng lo.
Ai cũng vậy thôi, con út mới sinh còn không test được nhưng trải qua mới thấy mọi thứ không đáng sợ như mình vẫn tưởng tượng”, anh Định tâm sự.
Sau khi gia đình bị Covid-19 “tấn công”, anh Định đã chủ động nhờ người thân, hàng xóm mua thức ăn đầy đủ dự trữ trong nhà. Thuốc ho, hạ sốt và thuốc đau đầu cũng được mua sẵn để gia đình sử dụng.
Các loại thảo dược và gia vị “quốc dân” như gừng, xả, canh, tía tô… dùng để xông mũi cũng được anh chuẩn bị để mọi người trong gia đình xông khi cần thiết.
“Tôi thì một đêm mất ngủ, con cũng khó chịu, mình chỉ biết động viên cố gắng. Lúc đầu thì lo lắng nhưng sau khi mọi thứ vào khuôn khổ thì cũng không có gì đáng sợ. Bé và gia đình uống thuốc ho theo liều lượng chỉ định của bác sĩ. Quan trọng nhất là ăn uống đầy đủ và tâm lý thoải mái, vững vàng là được.
Giờ đây mọi người trong nhà đều đã khỏi bệnh và trước mắt chưa thấy có di chứng gì để lại cả. Con út nhà tôi cũng không có vấn đề gì, Covid mà, chẳng may chúng nó đến thì chúng mình tiếp, mọi người không nên quá lo sợ”, anh Định tâm sự.
“Tôi hay gọi con gái F0 của mẹ ơi, con cũng dạ rõ là dài”
Cũng từng trải qua “cuộc chiến” khốc liệt với Covid-19, Chị Quỳnh An (31 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn nhớ như in thời khắc Covid “gõ cửa”.
“Ngày 5/2, chồng tôi dương tính, nhà ở chung cư có 2 phòng ngủ và 1 nhà vệ sinh nên tôi rất lo lắng. Không biết cách ly làm sao để tôi cùng mẹ già 65 tuổi và con gái 3 tuổi được an toàn, chỉ đành để chồng tôi ở 1 phòng còn 3 người ở phòng còn lại”, chị An chia sẻ.
Mọi đồ ăn hàng ngày chị đã nhờ người thân, hàng xóm mua giúp. Mỗi khi nấu nướng xong chị An để trước cửa phòng cho chồng, khi chồng đi vệ sinh hay tắm gội chị sẽ bế con nhỏ vào phòng riêng.
“Ban đầu con gái khóc nhiều, con thích chạy nhảy nô đùa ở không gian rộng và thích xem ti vi ở phòng khách nhưng mình lại hay bắt cháu vào phòng để cách ly đảm bảo an toàn nên bé khóc. Dần mình khuyên nịnh nên bé cũng ngoan ngoãn nghe lời”, chị An chia sẻ.
Dùng chung nhà vệ sinh với F0 nên mọi thứ rất bất tiện, chị chủ động mua rất nhiều xịt khuẩn, găng tay, khẩu trang để sử dụng 1 lần. Thậm chí 3 ngày chị sử dụng gần hết 280 đôi găng tay dùng 1 lần.
Thế nhưng mọi thứ càng trở nên khó khăn hơn khi đến ngày 11/2, mẹ chị An có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Lúc này, nhà có 2 phòng, chồng chị An và mẹ cách ly tại 2 phòng riêng, còn chị An và con gái chuyển đồ ra phòng khách.
Sau đó, chị An chủ động cùng con gái 3 tuổi sang ở nhờ nhà hàng xóm khi gia đình này đã về quê hết.
Hai ngày sau đó, điều mà mọi người trong gia đình chị lo lắng nhất cũng xảy ra, con gái chị An nhiễm bệnh. Nghĩ đã tiếp xúc trực tiếp với F0, con bé lại quấn mẹ không thể tự cách ly, chị An đành dọn về nhà để tiện chăm sóc cho 3 F0 và xác định dương tính chỉ là chuyện sớm muộn.
"Gia đình tôi chuẩn bị đủ các loại thuốc ho, đau đầu, hạ sốt và đau họng… Tôi và chồng thì cũng bị triệu chứng nhưng không nặng, may mắn con gái lại không sao, chỉ ho một chút. Bé vẫn ngoan, chơi và ăn uống đều đặn không hề có vấn đề gì cả nên mọi người đỡ lo hẳn”, chị An chia sẻ.
Đến ngày 18/2, khi mẹ và con gái chị có kết quả âm tính thì chị An lại có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. “Dù nhiễm bệnh nhưng khi ấy tôi vẫn lạc quan, cả gia đình tôi vẫn sinh hoạt chung bình thường.
Điều mọi người lo nhất là con gái tôi còn bé, chưa tiêm sợ bị nặng nhưng bé lại là người khoẻ nhất nhà. Tôi hay gọi vui con gái là F0 của mẹ ơi, bé cũng leo lẻo cái miệng trả lời “dạ” rõ là dài”, chị An tâm sự.
Hiện gia đình chị An đều đã khỏi bệnh, trước mắt không ai có biểu hiện di chứng gì về hậu Covid-19.
“Theo tôi, mọi người không nên quá lo lắng, chỉ cần động viên nhau vững vàng, ăn uống điều độ, ngủ nghỉ đúng giờ thì không phải quá lo.
Về các bé dù chưa tiêm nhưng các bé còn khoẻ hơn mình, chủ yếu là cho các con ăn uống đủ chất và chú ý quan sát các con là không cần lo lắng quá” chị An chia sẻ.