Hôm qua, một đồng nghiệp đã “mention” tôi vào một bài viết được chia sẻ bởi một facebooker. Bài báo nằm trong chuyên mục “bạn đọc viết” của một tờ báo, với đại ý nội dung nói rằng việc mở phố đi bộ quanh Hồ Gươm là lãng phí và không cần thiết bởi những nhàm chán, phiền hà mà quyết định này mang lại cho người dân. Bỏ qua nội dung, đọc những bình luận ở dưới, thật may làm sao, đa phần đều phản đối bài viết đó giống như chính tác giả của dòng trạng thái.
Không nâng cao quan điểm, nhưng thật lòng để hỏi nhau rằng: “Tết Trung Thu này bạn sẽ đưa những đứa nhóc nhà mình đi đâu chơi?”. Cho dù có phố đi bộ hay không thì đa phần dân Hà Nội sẽ nói: “Bờ Hồ (Hồ Gươm)”. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Hồ Gươm được chọn để thực hiện thí điểm phố đi bộ cuối tuần. Đơn giản, đó là trái tim của thành phố với rất nhiều yếu tố cấu thành nên. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà Hồ Gươm trở thành một địa danh được nhắc đến trong nhiều ca khúc, bài thơ về Hà Nội. Cuối cùng, đó là một địa danh gắn liền với hầu hết phần đời của những ai đã từng sinh ra, lớn lên, học tập trên đất Thủ Đô. Vậy nên chọn Hồ Gươm là điều hết sức đúng đắn, ít nhất là về tâm thức đối với người dân.
Hồ Gươm cũng lạ ở một điều, rằng, cho dù có nhìn ngắm nó hàng triệu lần trải dải khắp dọc quãng đường đời thì hình như cũng chẳng ai nói rằng chán ngắm Hồ Gươm cả. Giao thừa năm nào cũng “đòi” lên Bờ Hồ cho bằng được để ngắm pháo hoa dù chắng có gì khác những năm trước. Điều làm nên sự hấp dẫn đó, tôi cho rằng, phần nhiều ở tinh thần và không khí mà Hồ Gươm tạo được cho người đến chơi.
Gió hồ mát, đường đi bộ rộng rãi, ai cũng có phần đường của mình, không còn cảnh xe cộ chạy chật chội, không còn khói bụi, thử hỏi có mấy ai mà không thấy lòng mình khoan khoái hơn. Rồi nhìn đám trẻ con nô đùa, chạy nhảy tung tăng không lo bị va quệt xe, bậc phụ huynh nào cũng đều thấy an tâm. Rồi thì rất nhanh, đã có những ban nhạc, những nghệ sĩ đường phố, những nhóm nhảy đến góp vui mỗi đêm tại tuyến phố này. Sẽ chẳng ai xin tiền ai, sẽ chẳng ai ép khách phải xem , hoàn toàn tự nguyện, như cách mà đường đi bộ Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) đang vận hành hiện nay.
Cũng cách đây vài ngày, tôi đọc được trên facebook của nhà báo Hoàng Anh Tú một đoạn viết ngắn với nội dung như sau: “Ngày 01.09.2016 khai trương tuyến đường đi bộ Hồ Gươm, tôi với 3 đứa nhỏ nhà mình đi. Mỗi tội mưa to khiến 4 bố con không đi hết một vòng hồ được. Nhưng tối hôm 02.09 thì 4 bố con đi hết một vòng hồ. Chính xác là lê la suốt 4 tiếng đồng hồ từ 18h đến 22h. Nhiều cảm xúc! Sáng nay xem trên Facebook và trên vài trang báo điện tử lớn, chỉ thấy từ khoá “Rác” là nhiều nhất. Không thấy những cảm xúc mà 4 bố con chúng tôi đã gặp. Tôi nghĩ mãi: Sao người ta chỉ nhìn thấy rác ở nơi mà nụ cười nhiều gấp triệu lần số rác họ thấy?
Tôi đi vòng quanh hồ, dừng lại chừng 5-7 bận (để bắt Pokemon cùng các con, để thử mua sắm xem giá cả thế nào, để nhìn ngắm những khuôn mặt đi qua). Thứ tôi thấy nhiều gấp chục lần, trăm lần số rác mà báo chí (và nhiều Facebooker) nhìn thấy lại là những hân hoan, những nụ cười, những hạnh phúc của các cặp đôi, của những đứa trẻ nhỏ xíu đang tập đi ngã oành oạch. Tôi cũng nhìn thấy rác ở những quầy kem. Nhưng tôi cũng nhìn thấy những người lao công dọn rất nhanh, nhìn thấy lũ trẻ con tìm thùng rác mà bỏ rác vào thùng, những người mẹ, người cha cúi xuống lượm rác con mình vứt ra để nhắc con phải giữ gìn vệ sinh… Sao báo chí không nhìn thấy điều ấy? Hay những điều ấy xa lạ quá mức để họ nhìn vào? Hình như người ta chỉ nhìn thấy những điều người ta muốn nhìn…”
Đọc đến đây, tôi chợt ghĩ, hình như, đôi khi một cách vô thức, chúng ta đang tự làm khó và khắc nghiệt với nhau trong cuộc sống vốn đã ngột ngạt này!
Hẳn nhiên rất nhiều bạn đọc đồng ý với tôi rằng, mỗi lần xem một bộ phim Mỹ với bối cảnh New York có cảnh quay về Center Park - một công viên - không gian công cộng lớn nhất của “city of the World”, thì chúng ta cũng đôi lần ước ao rằng, giá kể các thành phố nào ở Việt Nam mà có được một công viên như vậy thì tuyệt vời! Với quyết định biến Hồ Gươm thành phố đi bộ thì chúng ta có thể hào hứng mà nói với nhau rằng: Centrer Park của Hà Nội đây rồi!
Tôi vẫn nhớ, khi chợ đêm Đồng Xuân được đưa vào khai thác cũng nhiều ý kiến phản đối cho rằng không phù hợp và thiếu tính khoa học. Nhưng giờ thì chợ đêm Đồng Xuân đã trở thành một địa điểm tham quan, mua bán mỗi dịp cuối tuần không chỉ của dân bản địa mà của cả những du khách đến với Hà Nội. Phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng vậy! Lúc mới đưa vào khai thác cũng nhiều ý kiến nói ra nói vào, chê bai trên facebook nhưng rồi qua năm tháng, đây là một địa chỉ mà mỗi tối thu hút hàng chục nghìn người ghé đến chơi và thư giãn.
Sự đổi thay giúp chúng ta tiến bộ và thay đổi. Thế nhưng, để có được điều đó, chính chúng ta cũng phải kiên nhẫn và rộng lượng với sự đổi thay đó. Chỉ có vậy chúng ta mới có những di sản để lại cho những thế hệ sau. Hãy để nó đúng là di sản tốt đẹp chứ đừng là di sản của sự hẹp hòi. Xin mượn lời nhà báo Hoàng Anh Tú thay cho lời kết của bài viết:
“Cũng như nhiều thứ khác đang xảy ra trong cuộc đời này. Người tiêu cực nhìn đâu cũng ra thực phẩm bẩn, lừa đảo, dối gạt, ngoại tình,… Những thứ rác rưởi của cuộc sống. Và dường như, thông tin tiêu cực dễ gây chú ý hơn, dễ được tin hơn, dễ được bàn luận với nhau hơn thì phải… Ta thích quy kết, đánh giá, nhận xét một ai đó bằng cảm xúc tiêu cực chứ không phải bằng cảm xúc tích cực. Ai cũng phải xấu thì mới là người bình thường. Ai mà tốt đẹp thì chẳng qua là chưa bị phát hiện ra cái xấu thôi. Và nếu khen ngợi ai đó họ luôn kèm theo từ “nhưng” sau đó. Bởi chẳng ai muốn thừa nhận ai tốt hơn mình… Tôi cũng từng như vậy. Đôi khi cũng như vậy. Và nhận ra rằng đó là khi ta mất tự tin ghê gớm. Chỉ khi ta thấy ta kém cỏi hơn thì ta mới phải phủ nhận kẻ khác. Có ai thấy như tôi không???”