Sự việc Negav từng có những bình luận phản cảm, đăng ảnh trẻ em trong group nhạy cảm đã khiến dư luận phẫn nộ.
Theo đó, nam rapper bị netizen đào lại việc từng lập một nhóm riêng hơn 3 nghìn thành viên để bàn những vấn đề nhạy cảm liên quan đến giới tính.
Nhóm này được lập ra vào khoảng năm 2020, khi đó Negav 19 tuổi. Trong nhóm, nam rapper liên tục có những bài đăng liên quan đến việc dùng khăn giấy ướt với hình ảnh khơi gợi, nội dung nhạy cảm. Thậm chí cậu còn thản nhiên chụp ảnh trẻ em để đăng tải lên nhóm, kèm nội dung liên quan tới khăn ướt.
Trước vấn đề này, Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình cho biết, trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin; tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí; giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.
Theo quy định tại Khoản 11 Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm; trong đó có hành vi: “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em".
Mặt khác, theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP; quy định về các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng thì: “Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng; và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng; phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.”
"Như vậy, nếu con dưới 7 tuổi thì việc bố mẹ đăng thông tin thuộc nhóm bí mật đời sống riêng tư của con lên mạng xã hội sẽ không phạm luật. Còn đưa hình ảnh trẻ em từ 7 tuổi trở lên mạng xã hội phải có sự đồng ý của trẻ và cha mẹ, hoặc người giám hộ. Vì đây là hành vi tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư; bí mật cá nhân của trẻ. Nếu tự ý đăng tải mà không được sự đồng ý thì hành vi này là vi phạm pháp luật. Có nghĩa hành vi của nam rapper kia là vi phạm pháp luật", luật sư Hùng nói.
Theo luật sư Hùng, căn cứ theo Điều 31 Nghị định 130/2021/NĐ-CP: Vi phạm quy định về cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em sẽ:
“1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên, gồm: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi khi có yêu cầu đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;
b) Thu hồi, xóa, gỡ bỏ các thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này".
Ngoài ra, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật. Họ có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Từ đó, bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.
"Nếu sử dụng hình ảnh mà vi phạm thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại; và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, cha, mẹ, người giám hộ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật; có quyền khởi kiện yêu cầu chấm dứt sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại", luật sư Hùng cho hay.
Đồng thời, đối với hành vi bình luận, phát ngôn bừa bãi trên mạng xã hội, Luật An ninh mạng năm 2018 đã quy định rõ về những hành vi đưa thông tin trái phép trên mạng internet như xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, những thông tin không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục là những hành vi bị cấm.
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP ) về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông tần số vô tuyến điện cũng có quy định về chế tài đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin, văn hóa phẩm trái đạo đức xã hội, trái thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Hành vi này có thể bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng hoặc ở khung hình phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng tuỳ mức độ của hành vi.
"Trong trường hợp nam rapper kia đăng ảnh trẻ lên mạng xã hội không có sự đồng ý của gia đình, lại có những bình luận không phù hợp với chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục thì gia đình trẻ có quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại" luật sư nói.