Trà Cang - là một trong những xã khó khăn nhất huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Nơi đây có địa hình đồi núi phức tạp, di chuyển hạn chế, gây khó khăn cho các công tác thiện nguyện trong đó có công tác hỗ trợ về y tế và chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ.
Phần lớn các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở nơi đây không có đủ điều kiện để tiếp xúc với các hoạt động hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tử cung. Đa số phụ nữ xã ngừa thai bằng phương pháp đặt vòng, có một số ít dùng thuốc ngừa thai. Từ những bất cập này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng sống và làm gia tăng các bệnh phụ khoa mãn tính.
Thấu hiểu những khó khăn của bà con ở Trà Cang nói chung và chị em phụ nữ nói riêng; mong muốn giúp các chị em phụ nữ có cuộc sống tốt hơn, đảm bảo về mặt sức khỏe sinh sản, tổ chức Nơ Xanh đã vượt đường sá xa xôi, hiểm trở với mong muốn duy nhất là hỗ trợ phụ nữ tại địa phương, giúp họ tự tin trong hành trình nâng cấp trải nghiệm thay đổi tự thân và chăm sóc sức khỏe tử cung của bản thân.
Câu chuyện Chiếc quần nhỏ (CCCQN) - thoạt nghe cái tên khá ngộ nghĩnh. Thực tế, đây là một dự án phi lợi nhuận do Tổ chức Nơ Xanh khởi xướng nhằm tăng nhận thức của phụ nữ vùng cao về việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tử cung. Cuối tháng 5 vừa qua, Tổ chức Nơ Xanh - TP.HCM đã phối hợp với UBND xã Trà Cang, trạm Y tế xã Trà Cang và đội ngũ cố vấn là các y bác sĩ sản phụ khoa tổ chức tư vấn lưu động cho 400 phụ nữ dân tộc Xơ-đăng xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Một trong những thành viên cùng đồng hành với tổ chức Nơ Xanh phải kể đến “Chị Ba” Nguyễn Hồ Trà My. Với vai trò là Đại sứ dự án và bằng sức ảnh hưởng của mình, Trà My đã cùng thành viên thuộc dự án, thành công kêu gọi sự đóng góp với các tặng phẩm chuyên biệt dành cho phụ nữ được ủng hộ từ mạnh thường quân. Cùng lúc, nâng cao nhận thức thông qua những nội dung các bài tập luyện cơ sàn chậu và kiến thức vệ sinh dành riêng cho phụ nữ được lan tỏa trên các kênh mạng xã hội.
“My tin rằng, Tử cung chính là trái tim thứ hai của phụ nữ. Bảo vệ trái tim này cũng chính là đang nuôi dưỡng hạnh phúc và sự sống thứ hai của phụ nữ chúng mình. Điều bền vững hơn đây là hoạt động tác động xã hội chứ không phải thiện nguyện đơn thuần, thay vì những gói mì hay phong bì tiền hỗ trợ, hành trang của đoàn My chính là…những chiếc quần nhỏ, băng vệ sinh và kiến thức hữu ích - Đây mới là cấp độ 1, và cấp độ tiếp theo sẽ quay lại để tiến hành thăm khám, kiểm tra sức khoẻ họ nữa", chị Trà My chia sẻ.
Cuối tháng 5 vừa qua, Trà My đã cùng đội ngũ y, bác sĩ trực tiếp đến địa phương, tiếp cận và khuyến khích tham gia hoạt động. Để sẵn sàng cho buổi giao lưu với bà con, những bài tập thực hành sàn chậu do Trà My phổ biến và phần chia sẻ kiến thức sức khỏe sinh sản từ bác sĩ, Trà My cùng cả đoàn thiện nguyện đã dành rất nhiều nỗ lực và chuẩn bị kỹ càng cho chuyến đi.
Trước dự án này, “Chị Ba” Nguyễn Hồ Trà My không còn xa lạ và được biết đến qua những nội dung chia sẻ về ẩm thực lành mạnh và lối sống thú vị thông qua kênh TikTok với hơn 1.4 triệu người theo dõi. Qua đó kênh Myuminess cũng thường xuyên chia sẻ mẹo hữu ích trong cuộc sống cả hai vợ chồng: cùng nhau tập thể dục, ăn uống lành mạnh và dễ dàng, mẹo chăm sóc nhà cửa bằng các vật liệu bền vững,..
Bên cạnh đó, Trà My còn gây ấn tượng với nhánh nội dung kể về hành trình “Làm dâu Thổ Nhĩ Kỳ". Nếu như trước đây, mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu là điều rất nhạy cảm, thì Trà My cùng ba mẹ chồng Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua khoảng cách về địa lý và văn hóa mà đối xử vô cùng yêu thương, ấm áp, tình cảm và rất mực tôn trọng lẫn nhau. Chính vì năng lượng lành mạnh và chất lượng này đã khiến Trà My “cảm hoá" cộng đồng với gần 190 triệu lượt xem.