Đối với nhiều người dân Việt Nam, dịp năm mới, một trong những phần việc quan trọng nhất định phải làm là đi lễ chùa cầu may. Những người dù theo hay không theo đạo Phật cũng đều tin rằng, việc đi lễ chùa, thắp hương và cầu nguyện sẽ đem đến may mắn, sức khỏe và bình an. Không chỉ cầu nguyện cho bản thân, người đi dâng hương còn thành tâm khẩn cầu cho cả gia đình, cầu mong 1 năm bình an, may mắn.
Sài Gòn - người dân xếp hàng chờ gõ chuông chùa ngày đầu năm
Tại Sài Gòn, những chùa lớn như Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi (quận 3), Việt Nam Quốc Tự (quận 10), Phổ Quang (Tân Bình)… đều chật kín người sáng Mùng 1 Tết. Nhiều ngả đường tắc nghẽn vì người dân đổ đi du xuân, lễ chùa đầu năm.
Tại chùa Vĩnh Nghiêm, ngoài thắp hương lễ phật, hàng trăm người xếp hàng chờ đến lượt tự tay gõ vang tiếng chuông. Dòng người đổ về đây càng lúc càng đông, nhiều người phải chờ khá lâu mới dâng được nén hương, khấn cầu may mắn cho năm mới 2018.
Với nhiều người, lễ chùa đầu năm không chỉ ước nguyên, mà còn để hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh.
Hà Nội - Người dân bắt đầu lễ chùa ngay sau khi điểm canh giao thừa
Đối với người Thủ đô, giao thừa là khoảnh khắc linh thiêng nhất trong năm. Khi kim đồng hồ điểm mốc 0h, bầu trời Hà Nội không chỉ rực sáng bởi pháo hoa mà hàng nghìn ngôi nhà đều đồng loạt thắp điện sáng trưng. Những ngôi chùa trên toàn thành phố điểm chuông giao thừa. Không gian lúc này không chỉ ấm áp mà còn đậm chất văn hóa tâm linh.
Khác với nhiều nơi, người Hà Nội thường tranh thủ đi lễ chùa ngay sau lúc giao thừa. Họ tin rằng, việc cầu may lúc này dễ làm thần linh cảm động. Hơn nữa, nhiều người cũng tranh thủ lúc du xuân đón giao thừa để đi lễ chùa và trở về xông đất cho nhà bạn bè, người thân. Cuối cùng, ý nghĩa mà ai cũng muốn hướng đến là cầu mong may mắn cho 1 năm mới an lành. Ngoài tục đi chùa lúc giao thừa, nhiều người cũng tranh thủ ngày mùng 1 để đến các đền chùa dâng hương, tỏ lòng thành kính.