Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Mưa lũ diễn biến phức tạp, các tỉnh miền Trung khẩn trương ứng phó

Từ hôm qua đến nay (16/10), nhiều địa phương ở miền Trung liên tiếp có những đợt mưa lớn. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, mưa lũ cũng khiến 2 người tử vong, gồm 1 nạn nhân ở Hà Tĩnh và 1 nạn nhân ở Thừa Thiên - Huế.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7h ngày 16/10, vùng áp thấp có vị trí ở khoảng 13,5-14,5 độ Vĩ Bắc; 111,5-112,5 độ Kinh Đông; dự báo trong 24 giờ tới vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Từ ngày 16 đến 18/10, khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to từ 150-300mm, có nơi trên 450mm.

Ngày và đêm nay (16/10) ở khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và các nơi khác ở Nam Trung Bộ có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 30-60mm, có nơi trên 100mm (thời gian mưa dông tập trung vào chiều và đêm).

Từ đêm 18 và ngày 19/10, khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm. Mưa lớn trên khu vực Đà Nẵng đến Quảng Ngãi có xu hướng giảm từ ngày 19/10.

Mưa lũ diễn biến phức tạp, các tỉnh miền Trung khẩn trương ứng phó Ảnh 1
Nước sông Túy Loan dâng cao gây ngập lụt tại vùng trũng huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Ảnh: báo Thanh Niên 

Ngày 16/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng (gọi tắt Ban chỉ huy PCTT) ra công điện ứng phó với vùng áp thấp, mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ cảnh báo, từ hôm nay đến 19/10, trên sông Vu Gia và các sông thuộc TP Đà Nẵng khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên trên thượng nguồn sông Vu Gia đạt từ 3.0-6.0m, hạ lưu đạt từ 1.0-2.0m. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức báo động (BĐ) 1 đến trên BĐ2, trên các sông thuộc Đà Nẵng ở mức BĐ1 đến BĐ2.

Ngoài ra, hiện nay trên biển đang tồn tại vùng áp thấp. Hồi 7h ngày 16/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,5-14,5 độ Vĩ Bắc; 111,5-112,5 độ Kinh Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, Ban chỉ huy PCTT đề nghị các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện và đơn vị liên quan tập trung ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất.

Chủ tịch UBND các quận, huyện tiếp tục theo dõi bản tin thời tiết, chú ý đề phòng mưa lũ lớn; tiếp tục rà soát những khu dân cư đang sống ở vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét; sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; triển khai phương án sơ tán dân, nhất là tại các khu vực trọng điểm, xung yếu, thường xuyên xảy ra ngập lụt, sạt lở đất.

Bộ Chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng, Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết tin về vùng áp thấp (có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới) để chủ động phòng tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm.

Bộ Chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng chủ động thực hiện việc quản lý tàu thuyền ra khơi theo quy định; quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển và những tàu thuyền nhỏ đang hoạt động ven bờ để kịp thời tổ chức ứng cứu khi cần thiết…

Đáng chú ý, Ban chỉ huy PCTT TP Đà Nẵng đề nghị Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, đơn vị liên quan khắc phục thiệt hại trong ngành GD&ĐT, bảo đảm việc dạy và học trở lại bình thường. Tiếp tục theo dõi diễn biến mưa, lũ trong những ngày đến để quyết định việc cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học tại các khu vực nguy hiểm, ngập lụt.

Mưa lũ diễn biến phức tạp, các tỉnh miền Trung khẩn trương ứng phó Ảnh 2
Mưa lớn gây sạt lở, kéo theo đất đá tràn xuống đường và nhà dân ở Đà Nẵng. Ảnh: Kinh tế đô thị

Tương tự, để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ trên địa bàn, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các Sở, ngành và các địa phương, theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến mưa lũ, để thông tin kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; tuyên truyền, hướng dẫn người dân, nhất là người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ cao bị chia cắt do sạt lở đất.

Đồng thời, chuẩn bị phương án rà soát, xây dựng kịch bản chi tiết di dời, sơ tán dân cho các tình huống sạt lở đất, lũ quét, vùng trũng, thấp có nguy cơ bị ngập sâu. 

Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và kiên quyết trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm; tạm dừng hoạt động các đò ngang và không để người dân đánh cá, vớt củi trên sông trong thời gian có mưa, lũ. 

Bên cạnh đó, chuẩn bị triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp. Sẵn sàng vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm "4 tại chỗ".

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tổng hợp

Được quan tâm

Tin mới nhất