Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Màu cuộc sống

Mua điểm, chạy trường cho con hay nỗi ám ảnh danh dự, địa vị xã hội của cha mẹ

Những chiếc vương miện điểm 9, điểm 10 mà bố mẹ tận tay trao cho học sinh Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang,... đã nhanh chóng rơi khỏi mái đầu xanh, quệt phần cạnh lấp lánh sắc nhọn vào khuôn mặt vẫn còn nguyên ánh nhìn tổn thương.

Phần lớn chúng ta đều có một lộ trình giống nhau, hoàn thành xong 3 cấp học tiểu học, trung học, phổ thông, thì thi Đại học. Sự thể là vậy nên tháng 6 bao giờ cũng trở nên ‘bỏng rát’ trên mọi mặt trận thi cử.

Câu chuyện ấ.y trước giờ vẫn hay được ví von như một dạng đầu tư đầy tốn kém để đổi lấy cái lợi lâu dài, một tấm vé cho sự đổi đời. Thú vị ở chỗ, cái lợi ấy không chỉ đánh giá bằng đơn vị tiền, mà còn đong đếm bằng niềm tự hào, kiêu hãnh và thậm chí là cả sự vững chãi của địa vị, uy tín xã hội. Mà tất cả đều được quyết định thông qua kỳ thi quan trọng nhất của mỗi học sinh Việt Nam - kỳ thi đại học.

Hiểu được tầm quan trọng của những con số ấy nên ngay từ ban đầu, chúng ta đều xác định mục tiêu cần đạt trong mỗi kỳ thi là gì. Tất cả mọi thứ gắn liền với câu chuyện thi cử cũng được cân đo theo tiêu chuẩn khác nhau. Lò luyện thi chuẩn phải là nơi ‘cho ra lò nhiều thủ thuật làm bài nhất'. Giáo viên có trình độ giảng dạy chuẩn phải là người giúp được càng nhiều học sinh đỗ đại học top đầu càng tốt. Sĩ tử ‘chuẩn’, đương nhiên cũng phải là người đạt số điểm ngất ngưởng khiến bạn bè phải trầm trồ, hàng xóm phải ngước nhìn: ‘con cái nhà người ta học giỏi quá!’.

Những của chạy đua cho con số ảo, danh dự ảo.

Để đáp ứng được những tiêu chuẩn này, ‘thị trường’ giáo dục cũng thiên biến vạn hoá và tạo kẽ hở cho những câu chuyện gian dối tại Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang xảy ra. Những bậc phụ huynh bỏ tiền để mua thứ hạng vào đại học cho con, họ đều là quan chức tại địa phương. Bởi việc những cô cậu học sinh ấy chắc chắn đỗ vào trường top đầu không chỉ giúp xoá đi sự bất an về tương lai con cái mà còn củng cố thêm phần nào vị trí, hình ảnh của chính họ trong xã hội. Những đứa trẻ có cuộc chạy đua điểm số thì cha mẹ chạy đua với câu hỏi ‘con anh chị học trường nào’, và sẽ thật vinh dự khi nói tên một trường mà ai đó đã từng có nghe qua. Họ luôn được đặt trong nỗi lo nhìn nhận và đánh giá từ bên ngoài.

Rồi cũng có rất nhiều sĩ tử thi vào một ngôi trường mà chính họ cũng chẳng trả lời được câu hỏi: mình có thật sự thích không?. Tất cả cũng chỉ vì mong muốn có thể rút ngắn con đường thành công mà bậc phụ huynh đề ra. Nghe câu đáp ‘cháu nó đỗ Đại học’ được thốt ra từ khuôn miệng vui tươi của cha mẹ mỗi khi nói chuyện với hàng xóm, họ thở phào nhẹ nhõm. Ít ra là để bố mẹ tự hào. Sự đời là vậy, đó là một sự cố gắng ‘sống vì thái độ, quan điểm của người khác’.

Chúng ta chỉ đang sống vì sợ hãi những đánh giá của người khác.

Nhưng mỗi bài thi có 50 câu, học sinh phải giải quyết trong 90 phút, tức là chưa đầy 2 phút một câu. Thi xong một bài, được nghỉ 10 phút để thi thêm bài nữa. Tới những thầy cô trường chuyên cũng loay hoay toát mồ hôi để xử lý nhiều câu hỏi hóc búa, thì thử hỏi cơ hội đâu cho những sĩ tử với lực học làng nhàng?

Đã vậy thì không ‘chơi trò may rủi’ nữa. Đã vậy thì phải đầu tư. Còn bằng cách thức nào thì nhiều vô kể. Người chạy thẳng vào lò luyện thi giữa cái nắng thiêu đốt gần 40 độ. Người dùng quyền lực, tiền bạc, quan hệ để tạo nên sự cách biệt giữa thứ hạng trên giấy và năng lực thực tế.

Điểm thi chi phối mạnh quá, tới nỗi giờ đây người ta cứ ngầm hiểu với nhau về những mục tiêu khác của giáo dục, bên cạnh những gạch đầu dòng về nuôi dưỡng tư duy, đào tạo tài năng, vì hạt giống tương lai cho xã hội…

Có rất nhiều cách để dẫn đến thành công, trong đó có cả cách mua con điểm.

Những bậc cha mẹ tại Hoà Bình, Sơn La, Hà Giang trong đợt thi năm 2018 sẵn sàng làm mọi điều để đem tới lợi ích tốt nhất cho con, hoá ra lại đang cố gượng ép chúng vào trong ánh hào quang ảo của gia đình. Họ đâu ngờ chiếc vương miện điểm 9, điểm 10 tận tay trao cho lớp trẻ lại dễ dàng rơi xuống khỏi những mái đầu xanh, quệt phần cạnh lấp lánh sắc nhọn vào những khuôn mặt còn nguyên ánh nhìn tổn thương.

Khoảng cách giữa niềm tự hào trên đỉnh cao danh hiệu và nỗi ê chề tủi hổ, hoá ra cũng ngắn ngủi và đột ngột như một sự trừng phạt cho mọi bước chân cố tình đặt sai vị trí. Nhưng khi các trường vẫn tuyển sinh thuần tuý bằng điểm; cơ quan, công ty vẫn ưu tiên bằng cấp, thì hy vọng sự tiêu cực trong công cuộc đầu tư vào điểm sẽ giảm đi sau bê bối này, thật khó.

Chiếc vương miện điểm 9, điểm 10 tận tay trao cho lớp trẻ lại dễ dàng rơi xuống khỏi những mái đầu xanh, quệt phần cạnh lấp lánh sắc nhọn vào những khuôn mặt còn nguyên ánh nhìn tổn thương.

***

Trong khi những ồn ào bê bối điểm thi vẫn dậy sóng cả nước, nhiều đứa trẻ nghèo trong các lớp học nội trú ở khu vực vùng sâu Hoà Bình, vẫn phân vân với câu hỏi: đi gặp thầy, gặp cô hay lên nương, chăn bò. Chúng có thể sẽ mất thêm nhiều năm nữa để học xong chương trình cấp 1, và chẳng biết tương lai của mình có khấm khá hơn gì những đứa trẻ bỏ trường.

Nhưng chúng yêu con chữ…

Nhiều đứa trẻ vùng cao có thể sẽ mất thêm nhiều năm nữa để học xong chương trình cấp 1, và chẳng biết tương lai như thế nào, nhưng chúng yêu con chữ.

Điểm thi là cái gì? Không giúp no cái bụng, chúng không quan tâm, cha mẹ chúng lại càng miễn cưỡng. Bỏ ra một cơ ngơi nhằm mua thứ hạng chót vót đó là điều mà người cha, người mẹ nghèo ở bản cao ấy chưa bao giờ nghĩ tới. À, là không bao giờ nghĩ tới.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Minh Trần

Được quan tâm

Tin mới nhất