Những con số “ám ảnh người tiêu dùng”
Số liệu của cơ quan hải quan cho thấy, trong 3 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam cũng phải dành ít nhất gần nửa tỉ USD để nhập khẩu TTS từ Trung Quốc, trong đó năm 2014, Việt Nam chi 411 triệu USD, năm 2015 là 376 triệu USD. Ông Hồ Kiên Trung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường - Bộ TNMT) - cho biết: Nếu như trước năm 1985 khối lượng hóa chất BVTV dùng hằng năm khoảng 6.500 - 9.000 tấn thì trong 3 năm gần đây, hằng năm Việt Nam nhập và sử dụng từ 70.000 - 100.000 tấn, tăng gấp hơn 10 lần.
Tính đến năm 2013, danh mục thuốc BVTV được sử dụng ở nước ta có gần 1.700 hoạt chất, trong khi các nước trong khu vực chỉ có khoảng 400-600 loại hoạt chất. Như vậy, số lượng hoạt chất BVTV được phép sử dụng ở ta hơn gấp 3-4 lần so với nước bạn.
Trao đổi với PV chiều 23.6, ông Nguyễn Thơ - Phó Chủ tịch Hội Khoa học BVTV Việt Nam - cho rằng: Số lượng 100 tấn nguyên liệu, hóa chất BVTV, TTS nhập khẩu vào Việt Nam chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Thực tế, lượng TTS từ Trung Quốc được tuồn vào thị trường nội địa còn lớn gấp nhiều lần, thông qua con đường không chính ngạch, gọi nôm na là “nhập khẩu đường cửu vạn”. Hằng ngày, lượng TTS vẫn được các tiểu thương “cõng” từ bên kia biên giới thẩm lậu vào Việt Nam thông qua các lối tắt, “đường mòn biên mậu” do dân tự mở để thẩm lậu vào Việt Nam mà lực lượng quản lý thị trường, hải quan, biên phòng căng mình cũng không thể quản lý xuể.
Tại sao Trung Quốc thâu tóm “sân chơi” TTS?
Mỗi năm dành ra đến 140 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu và TTS của Trung Quốc là con số khổng lồ, thậm chí là một con số “khó hiểu”.
Ông Nguyễn Thơ cũng tỏ ra lo ngại: Trong khi các nước Châu Âu từ lâu đã nói “không” với các hoạt chất BVTV từ hóa chất vì quá độc hại, sử dụng công nghệ sinh học trong diệt trừ sâu bọ, thì các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam vẫn coi hóa chất là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ mùa màng. Công nghệ sản xuất trong nước của ta chưa có khả năng sản xuất được thuốc BVTV, mà chỉ dừng lại ở mức pha chế, gia công, đóng gói… nên chủ yếu phải sử dụng TTS từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, TTS của Trung Quốc vì giá rẻ, không đội giá thành nông sản, lại dễ sử dụng nên được nông dân nước ta ưa chuộng.
Tình trạng lạm dụng TTS, hóa chất BVTV đang như “bom chờ nổ”
Việc lạm dụng thuốc BVTV đã và đang gây nên những tác hại lớn tới môi trường. “Hóa chất BVTV, TTS của Trung Quốc có dược độc mạnh, diệt rộng đối với hầu hết các loại sâu bệnh, nên nông dân sử dụng mà không biết vô tình gây nên nhiều hậu quả, trong đó có cả tình trạng sâu bệnh kháng TTS. Chưa kể, ô nhiễm do TTS ảnh hưởng đến cả môi trường, nguồn nước, sản phẩm nông nghiệp, khiến người ăn vào sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe” - ông Nguyễn Thơ tỏ ra lo ngại.
Theo một con số được đưa ra bởi các chuyên gia quốc tế, có tới 80% thuốc BVTV tại Việt Nam đang được sử dụng không đúng cách, không cần thiết và rất lãng phí. Lượng thuốc BVTV dư thừa thẩm thấu xuống đất và nguồn nước, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Do ý thức của người dân còn kém nên sau khi sử dụng thuốc, vỏ bao bì được vứt ngay xuống đồng ruộng. Căn cứ vào số lượng thuốc BVTV sử dụng hằng năm thì môi trường nông nghiệp Việt Nam có khoảng từ 150 - 200 tấn thuốc từ bao bì thải loại vào đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường.
Theo quy định mới tại Thông tư số 03/2016/TT-BNNPTNT, từ 6.6.2016, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trong nông nghiệp gồm 1.710 hoạt chất, trong đó có 775 hoạt chất thuốc trừ sâu với 1.678 tên thương phẩm, 608 hoạt chất thuốc trừ bệnh với 1.297 tên thương phẩm, 227 hoạt chất thuốc trừ cỏ với 694 tên thương phẩm, 50 hoạt chất thuốc điều hòa sinh trưởng với 142 tên thương phẩm… Bộ NNPTNT cũng đưa vào danh mục thuốc BVTV 29 hoạt chất cấm sử dụng tại Việt Nam.
Trước đó, Cục BVTV (Bộ NNPTNT) cũng đã ra thông báo về việc tạm dừng đăng ký một số loại thuốc BVTV. Theo đó, từ ngày12.4.2016 đến hết ngày 31.12.2016, Cục BVTV sẽ tạm dừng cấp giấy phép khảo nghiệm, đăng ký thuốc BVTV có chứa một trong các hoạt chất: Glyphosate, Diazinon, Malathion, Tetrachlorvinphos.