Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Mẹ trẻ người Dao và con trai 4 tuổi mắc võng, ngủ lều giữa rừng, 2 lần thực hiện hành trình xuyên Việt

Từ khi mới 18 tháng, cu Giàng đã được mẹ đưa đi khắp những cung đường từ Bắc vào Nam. Mới đây, hai mẹ con vừa hoàn thành chặng đường đi xuyên Việt lần thứ 2.

Chị Dương Thị Kim Cảnh (SN 1985, người dân tộc Dao, sống Thái Nguyên) trước đây từng là giáo viên tiểu học. Từ năm 2018, chị Cảnh bỏ nghề để theo đông y, học Y học cổ truyền.

Năm 2013, chị bắt đầu với chuyến đi trải nghiệm đầu tiên của mình. Sau đó, chị cùng hội đam mê phượt tham gia nhiều chương trình thiện nguyện và duy trì đam mê xê dịch đến nay khi đặt chân tới nhiều vùng miền của tổ quốc, trải nghiệm văn hóa của các địa phương khác nhau.

3 năm trở lại đây, người phụ nữ này còn có thêm một người bạn đồng hành đặc biệt là cậu con trai nhỏ tên Giàng. Trên chiếc xe Wave huyền thoại, cậu bé đã cùng mẹ khám phá hầu hết các tỉnh thành khắp Việt Nam, trải nghiệm những điều thú vị.

Mẹ trẻ người Dao và con trai 4 tuổi mắc võng, ngủ lều giữa rừng, 2 lần thực hiện hành trình xuyên Việt Ảnh 1
Hai mẹ con đã có những hành trình xuyên Việt tuyệt vời cùng nhau.

Trước khi đưa con trai đi phượt, chị Cảnh từng có nhiều kinh nghiệm phượt xuyên Việt. Đam mê xê dịch ngấm sâu vào máu, bà mẹ người Dao lên kế hoạch cho con đi phượt từ khi còn đang trong thai kỳ. Một hành trình được chị phác họa rất rõ ràng, khi bé cai sữa, hai mẹ con sẽ khởi hành chuyến đầu tiên.

 Khi Giàng được 18 tháng tuổi, chị đưa con thực hiện hành trình đầu tiên, dài 11 ngày qua các tỉnh vùng Đông Bắc như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn...

Mẹ trẻ người Dao và con trai 4 tuổi mắc võng, ngủ lều giữa rừng, 2 lần thực hiện hành trình xuyên Việt Ảnh 2
Khi Giàng 18 tháng tuổi, cậu bé đã được mẹ đưa đi trải nghiệm khắp nơi.

Trước mỗi chuyến đi, bà mẹ người Dao đều trang bị đầy đủ kiến thức và kĩ năng sinh tồn. Trong chuyến "phượt" Hà Giang lần đầu, chị Cảnh cùng con ngủ khách sạn, bungalow và nhà bạn bè. Cu Giàng về nhà an toàn, không ốm, không sốt, ăn ngủ khỏe mạnh.

Khởi đầu suôn sẻ, 2 tháng sau, chị Cảnh lên kế hoạch đi Tây Bắc khi con trai tròn 20 tháng tuổi. Mùng 10 tết, bà mẹ người Dao chuẩn bị xong xuôi hành lý, cột chặt phía sau xe máy. Chuyến đi du xuân của hai mẹ con với đích đến mục tiêu là "cực Tây" A Pa Chải.

Với những người mê phượt, A Pa Chải được coi là mốc khó chinh phục vì đường lên khó khăn, du khách phải đi bộ vài cây số đường bê tông nhỏ, dốc và leo 500 bậc thang mới tới. Chuyến đi không có sự cố gì đáng kể, hai mẹ con vẫn khỏe mạnh, háo hức.

Cho đến lúc về, chị Cảnh bị kẹt ở Sapa vì không khí lạnh tràn xuống. Thời tiết chỉ còn 0 đến 3 độ, mây mù, mưa phùn giăng kín nên chị không dám đưa con đi tiếp về Y Tý - Bắc Hà theo kế hoạch. Hai mẹ con ở lại Sapa 3 đêm rồi quay về nhà.

Mẹ trẻ người Dao và con trai 4 tuổi mắc võng, ngủ lều giữa rừng, 2 lần thực hiện hành trình xuyên Việt Ảnh 3
Mỗi vùng đất mà hai mẹ con đi qua đều có những trải nghiệm đáng nhớ.
Mẹ trẻ người Dao và con trai 4 tuổi mắc võng, ngủ lều giữa rừng, 2 lần thực hiện hành trình xuyên Việt Ảnh 4
Chị Cảnh hi vọng con trai mình có thể trưởng thành hơn qua từng cung đường.

Trong mỗi chuyến đi, chị Cảnh kết hợp tìm kiếm nguồn dược liệu Đông Y để bán, đồng thời kết nối nhiều bạn bè. Cu Giàng đã đồng hành cùng mẹ trên khắp các con đường đi lấy thuốc, hái lá rừng từ khi còn nhỏ nên có phần dạn dĩ, hiếu động. Chi phí không quá tốn kém vì hai mẹ con chị có khi ngủ lều, võng hoặc tự nấu ăn.

Chị cho biết, mỗi chặng đường, sau khi di chuyển khoảng 1,5 - 2 giờ đồng hồ, hai mẹ con sẽ dừng lại nghỉ ngơi, tranh thủ đi vệ sinh và ăn uống. Ngoài di chuyển chủ yếu bằng xe máy, mẹ con chị còn kết hợp trải nghiệm các phương tiện khác như xe khách giường nằm, máy bay để hành trình thuận tiện và an toàn hơn.

Kể về những chuyến đi, chị Kim Cảnh nhớ nhất lần hai mẹ con di chuyển qua đường Hồ Chí Minh. Đường vắng, ít phương tiện di chuyển, xung quanh là rừng, trời tối cũng rất nhanh.

 Hai mẹ con đứng giữa nơi hoang vắng, một bên là núi, một bên là rừng. Chị Cảnh nói, đó là trải nghiệm "4 không" khiến chị không thể quên: Không có người, không có sóng điện thoại, không điện, không xác định được vị trí mình đang đi cũng như khoảng cách từ mình ra đến đích là bao nhiêu.

Đoạn đường trong rừng rất trơn, nhiều khúc cua và dốc, con thì ngủ say vì thấm mệt nên khó khăn lắm, mình mới di chuyển được đến khu dân cư thưa thớt.

Chị thừa nhận, việc đi phượt cùng con nhỏ tuy không quá vất vả nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều tình huống mà mình khó lường trước được. Tuy nhiên, sau mỗi chuyến đi, thấy con vui vẻ, ngoan ngoãn và khỏe mạnh hơn, chị rất yên tâm và có thêm động lực thực hiện các hành trình sau đó.

Mẹ trẻ người Dao và con trai 4 tuổi mắc võng, ngủ lều giữa rừng, 2 lần thực hiện hành trình xuyên Việt Ảnh 5
Cu Giàng khỏe mạnh, ngoan ngoãn, không quấy khóc khi đi cùng mẹ

Về lại bản làng người Dao sau mỗi chuyến đi, "món quà" chị Cảnh đem về không chỉ là những tấm ảnh chụp lại kỷ niệm đẹp của 2 mẹ con mà còn là những điều mắt thấy tai nghe, những "lần đầu tiên" ấn tượng chưa từng trải nghiệm.

Chị Kim Cảnh dự định khi con lên 4 tuổi sẽ dạy bé học tiếng Anh từ nguồn kiến thức và kinh nghiệm của mình để có thể cùng con thực hiện các chuyến đi xa hơn, tới các quốc gia khác như Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Malaysia.

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, chị Kim Cảnh cho biết trên chiếc xe Wave xanh ngọc huyền thoại. Thành tích của hai mẹ con hiện tại đạt được đó là xuyên Việt trọn vẹn 2 vòng, xuyên Việt nửa vời vài lần theo hướng kết hợp xe máy và các phương tiện khác như máy bay, xe khách. 

Mẹ trẻ người Dao và con trai 4 tuổi mắc võng, ngủ lều giữa rừng, 2 lần thực hiện hành trình xuyên Việt Ảnh 6
Thời điểm hiện tại, 2 mẹ con đã thực hiện được 2 lần xuyên Việt. 

Con trai của chị nay đã được 4 tuổi và có đến 3 năm kinh nghiệm xuyên Việt cùng mẹ. Qua câu chuyện của mình, chị Kim Cảnh hi vọng sẽ tiếp thêm động lực cho mọi người để có những hành trình xuyên Việt thú vị.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Thiên Di

Được quan tâm

Tin mới nhất