Chị Trúc (30 tuổi, quê Tiền Giang) vốn là mẹ đơn thân, làm công nhân tại khu công nghiệp ở Biên Hòa (Đồng Nai). Hằng ngày, chị chăm chỉ đi làm, chịu khó tăng ca với hi vọng thu nhập cao hơn chút, đủ để chi trả phí sinh hoạt cũng như tiền học cho con gái bé nhỏ.
Chị tâm sự trên kênh P.B: "Tôi sống ở Đồng Nai chục năm nay. Tôi luôn có suy nghĩ bản thân cố gắng sẽ hoàn thành tốt trách nhiệm của một người mẹ, người cha. Nhưng tôi chẳng thể ngờ tai họa ập đến cướp đi sức khỏe – đôi chân và đôi bàn tay của tôi.
Gần một năm nay tôi mới chấp nhận được hiện thực, tự vực tinh thần phải thật vui vẻ, không suy nghĩ tiêu cực nữa”.
Sau đó chị ngược về quá khứ – thời gian kinh hoàng đã cướp đi một phần cơ thể. Chị kể hôm đó đang trên đường đi làm về, thấy chiếc xe tải trong hẻm đi ra không đèn không xi-nhan nên cứ ngỡ họ đi thẳng.
Nào ngờ họ đã rẽ khiến chị giật mình, trượt bánh xe và ngã xuống đường nhựa. Khi ấy chị vẫn tỉnh táo, nhờ người dân khiêng mình vô lề rồi nhấc chân lên xem có làm sao không. Song chị bất chợt nhận ra chân không có cảm giác gì rồi tự trấn an bản thân rằng có lẽ vì cú sốc ngã xe mà cơ thể mất đi khả năng cảm nhận.
Sau đó người phụ nữ được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu và chụp chiếu. Tại đây bác sĩ chẩn đoán chị bị lệch 3 đốt sống cổ, có nguy cơ sống như người thực vật – chân tay không thể cử động được.
Lúc này gia đình không muốn chị Trúc biết chuyện nên quyết định giấu giếm, chờ cơ hội thích hợp sẽ nói. Nhưng họ chưa kịp nói thì chị đã tự biết nhờ nghe được cuộc nói chuyện giữa bác sĩ và người nhà.
“Ca phẫu thuật thành công, tôi thử nhấc tay chân nên xem sao thì thấy không thể được. Tôi ngờ ngợ bản thân liệt tứ chi nhưng không hỏi ai cả.
Hôm sau, tôi thấy bác sĩ thông báo với người nhà rằng tôi bị liệt tứ chi mà chết điếng dù tâm lý đã được chuẩn bị sẵn. Tôi gục ngã, không thiết tha gì đến cuộc sống này”, chị bật khóc.
Sau vụ tai nạn, chị Trúc thu hẹp bản thân, không tiếp xúc với bất cứ ai, trừ người nhà. Thậm chí chị luôn nghĩ mình là người mẹ tồi, không thể chăm sóc con gái chu đáo. “Thậm chí con bé phải nghỉ học để ở nhà chăm sóc tôi. Tôi tự thấy mình như người tàn phế vậy.
Suốt 2 năm trời tôi cứ như một người khác, chẳng có ý chí cũng không có nghị lực sống. Tôi trở thành gánh nặng của cha mẹ cũng như con gái nhỏ”, chị bật khóc.
Bé Dương (12 tuổi) – con gái chị Trúc đã nghỉ học hơn 3 năm. Em ở nhà chăm sóc, đỡ đần người mẹ tàn tật. Em chia sẻ: “Con viết đơn xin nghỉ, ghi rõ lý do gia đình có công chuyện đột xuất nên không đi học được. Con không dám nói thật vì sợ các bạn cười chê.
Sau đó cô giáo chủ nhiệm gọi cho mẹ hỏi chuyện mới biết lý do thực sự là gì? Cô động viên con quay lại trường học nhưng làm gì có chăm sóc mẹ cơ chứ".
Nhìn cảnh con gái luôn nỗ lực, chị Trúc bỗng bừng tỉnh và nhận ra cuộc đời chị chưa hẳn đã hết. Chị phải biết buông bỏ quá khứ, học cách chấp nhận để lo cho con gái vốn chịu nhiều thiệt thòi. Từ đó chị bắt đầu tập luyện, vui vẻ trong cuộc sống để cả nhà bớt lo lắng về chị.