Con gái bị chặn đường đánh, bị lập nhóm anti trên MXH và thêm 3 học sinh khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự
Một tuần trôi qua sau sự ra đi đột ngột của con gái, chị P.T.T.V - mẹ của nữ sinh N.T.Y.N, học sinh lớp 10A15 Trường THPT Chuyên Đại học Vinh vẫn chưa hết bàng hoàng.
Nhắc đến con gái, người mẹ ấy lại không kìm được nước mắt. Trong cuộc trò chuyện với VietNamNet mới đây, chị V. cho hay, tại trường, con gái của chị V. thường xuyên bị cô lập, bị bạo lực học đường bằng nhiều hình thức khác nhau. Không chỉ có em N. mà 3 học sinh khác trong lớp 10A15 cũng chịu hoàn cảnh tương tự.
“Những học sinh này lập nhóm trên mạng xã hội như: ‘Anti thành phần khốn nạn’ hay ‘Anti…Y.N." - chị V. xót xa.
Người nhà nữ sinh N.T.Y.N. đã cung cấp thêm cho phóng viên nhiều đoạn tin nhắn trò chuyện giữa 2 mẹ con trước khi em tự tử. Trong những cuộc trò chuyện ấy, em N. đã nhiều lần chia sẻ nỗi sợ hãi với việc phải đến trường.
Mẹ nữ sinh thông tin, ngày 3/3, N. hoảng sợ nhắn về việc bị một nhóm học sinh (cả học sinh trong và ngoài trường) chặn đánh ngay trước cổng trường. Nữ sinh này "cầu cứu" mẹ đến đón về.
“Tôi bỏ cả công việc, lập tức tới đón con. Tối đó, tôi có trao đổi sự việc với cô Đặng Việt Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A15. Giáo viên này có hứa ngày hôm sau sẽ làm việc với các học sinh, yêu cầu viết bản tường trình”, chị V. trao đổi.
Người mẹ này cũng cho biết, đã 2 lần chị lên tìm gặp ban giám hiệu nhà trường để phản ánh việc con gái bị bạo lực học đường, cô lập và xin được chuyển lớp cho con. Theo đó, vào khoảng tháng 11/2022, lần thứ nhất chị V. tìm gặp ông Phạm Xuân Chung - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên ĐH Vinh nhưng thầy đi vắng. Sáng hôm sau, chị đưa con gái đi học rồi tiếp tục đến gặp hiệu trưởng.
Cũng theo chị V., lãnh đạo Trường THPT Chuyên ĐH Vinh, trong đó, có Hiệu trưởng trường, ông Phạm Xuân Chung đã đến thắp hương, xin lỗi gia đình.
“Vấn đề của N., thầy Chung cho biết nhà trường có trách nhiệm làm rõ. Thầy Chung nói “ngàn vạn lần xin lỗi” và không nhớ về việc tôi đến gặp thầy. Điều gia đình cần lúc này là họ nhận thấy cái sai, phải nhận thức được trách nhiệm của những người làm giáo dục”, chị V. nhấn mạnh.
Hiệu trưởng và cô giáo chủ nhiệm nói gì?
Chia sẻ về thông tin em N. bị cô lập với Tiền Phong, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A15 cho biết, lúc trước, em N. có chơi thân với một nhóm bạn. Từ sau ngày 20/11 năm ngoái, các bạn và N. không còn chơi chung nữa. Cô Hà sau đó cũng đã tìm hiểu, gặp riêng nhóm học sinh trên và nhận được câu trả lời “không hợp nhau nên không chơi nữa”. Học sinh có một số nhóm chat riêng trên mạng xã hội, nhưng vì nhóm kín nên cô không biết được câu chuyện và nội tình.
Ông Phạm Xuân Chung, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Vinh cho biết, trước đó vào khoảng giữa học kỳ 1, em N. có lên gặp thầy để xin chuyển sang một lớp khác cùng khối xã hội với lý do là muốn sang lớp cô giáo này chủ nhiệm để học. Tuy nhiên, đối với khối 10 năm nay, việc chuyển lớp không thể thực hiện ngay.
“Em hiện đang học lớp thứ 3 theo phân hóa của nhà trường từ đầu năm học. Nếu chuyển từ lớp mức độ thấp lên mức độ cao phải có kết quả học tập nhất định. Tôi đã trao đổi, phân tích cho em N. tiếp tục phấn đấu học tập, nếu kết quả tốt thì sẽ xem xét chuyển lớp cho em. Còn gia đình em N. chưa khi nào gặp thầy để trao đổi về vấn đề xin chuyển lớp”, thầy Chung khẳng định.