Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, từ ngày hôm nay, 10/3, tất cả các quận, huyện, thị xã toàn thành phố đồng loạt ra quân đảm bảo trật tự giao thông, đô thị, xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Quyết định này được người dân đồng tình, ủng hộ. Những người bán hàng rong sẽ phải chấp hành chủ trương của Thành phố, nhưng bên cạnh đó, họ cũng trĩu nặng tâm tư, bởi lâu nay, “gánh hàng rong” là miếng cơm manh áo của nhiều gia đình nghèo.
Miếng cơm manh áo đều trông chờ vào gánh hàng rong
Những người bán hàng rong chủ yếu là dân nghèo ở các tỉnh lân cận như Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Thanh Hóa… Khắp các con phố, không khó để bắt gặp hình ảnh người bán rong với đôi quang gánh hay chiếc xe đạp thô sơ của mình chở đầy hoa quả và đồ ăn.
Trò chuyện với họ, chúng tôi nhận thấy tất cả đều đồng tình với quyết sách của thành phố về việc lập lại trật tự đô thị, “đòi” lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, người dân cho hay nếu nhà nước không cho buôn bán nên có chính sách hỗ trợ họ làm ăn, bởi hiện tại “miếng cơm manh áo” của cả gia đình đều trông chờ vào những gánh hàng rong.
Chị Hồng - một người bán hàng rong ở phố Lương Yên xuất phát từ việc phải nuôi con học đại học nên chấp nhận bỏ quê lên thành phố kiếm sống. Chị cho biết mình có con trai đang học năm nhất trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, chị chọn bán hàng rong vừa để trang trải kinh tế vừa tiện chăm sóc con.
“Công việc cũng vất vả lắm, phải đi lấy hàng từ sáng sớm ở chợ đầu mối, rong ruổi cả ngày có khi mới bán được chút ít, lời lãi không bao nhiêu đâu. Giờ chính quyền xử lý mạnh tay chúng tôi lo lắng không biết sẽ kiếm sống theo cách nào”, chị Hồng trải lòng.
Chấp nhận bỏ về quê vì không còn kế sinh nhai?
Một số người bán hàng rong cho hay, thời điểm này họ luôn sống trong trạng thái thấp thỏm lo sợ sẽ mất kế sinh nhai.
“Thời buổi buôn bán bình thường vốn đã khó khăn, giờ bị thu hàng hóa, phương tiện kinh doanh, đồng thời phải đóng tiền phạt nữa thì quá tội. Không bán hàng rong chẳng còn biết làm gì khác, già rồi không ai thuê giúp việc cả”, bà Hường (62 tuổi, quê Thái Bình) than vãn.
Tâm tư nguyện vọng của những người bán hàng rong khi thành phố Hà Nội quyết định xử lý mạnh tay lấn chiếm vỉa hè.
Đồng quan điểm với bà Hường, chị Hồng bộc bạch: “Hai hôm nay nhiều người bán hàng rong đã trả nhà trọ về quê rồi. Họ kháo nhau rằng “buôn bán bị đuổi như thế này thì về quê làm ruộng”, mà hết ruộng thì về quê biết làm gì bây giờ?”.
“Chúng tôi mong muốn có một vị trí để kiếm sống”
Chia sẻ với phóng viên, một số tiểu thương buôn bán hàng rong trên địa bàn thành phố cho rằng rất đồng tình với quyết định xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè của UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, họ mong muốn chính quyền có thể quy hoạch một vị trí nào đó để họ kiếm sống.
Bà Huyền - một tiểu thương bán rong trên phố Hàng Đào (Hoàn Kiếm) tâm sự: “Con cái đều đang độ tuổi ăn học cho nên chúng tôi phải trông cậy vào buôn bán vỉa hè. Chính quyền dọn dẹp trả lại không gian cho người đi bộ cũng là hợp lý nhưng có cách nào đó tạo điều kiện cho chúng tôi làm ăn buôn bán”.
Chia sẻ của một tiểu thương về việc quyết định của Thành phố.
Trước quyết định của Thành phố về việc xử lý mạnh sai phạm lấn chiếm vỉa hè lòng đường đồng nghĩa nhiều tiểu thương mất đi kế sinh nhai. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có biện pháp hỗ trợ để người lao động vẫn có thể kiếm sống mà không ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị về lâu dài.