“Miễn phí” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. “Miễn phí” là những chuyến bay được quảng cáo rình rang với giá “0 đồng” nhưng khách phải chịu thêm đủ khoản phí. Miễn phí là món hàng chẳng mất tiền nhưng khách hàng muốn sở hữu phải tuân thủ theo đủ mọi quy định. Miễn phí là khi bạn bước vào một quán bar sang trọng với dòng quảng cáo “tặng không” nhưng chỉ áp dụng cho một khung giờ nhất định và sẽ “khó coi” khi thưởng thức xong bạn quên dằn dưới li một khoản tiền boa.
Thế nhưng, nói thế đâu có nghĩa những điều miễn phí dần mất đi ý nghĩa thật sự của nó. Đâu đó trên đất Thủ đô vẫn tồn tại những ổ bánh mì tặng người lao động lúc đói lòng. Nhiều tuyến đường Sài thành vẫn hay xuất hiện những thùng trà đá biếu không. Và khi có dịp đến với An Giang - vùng đất miền Tây hào hiệp thì trải dọc suốt một cung đường là tấp nập những bảng hiệu: trà đá, nước suối, bún riêu, xôi nếp, bánh tầm bì… được người dân hồ hởi tặng không.
An Giang được mọi người ưu ái dành tặng cái tên “vùng đất lễ hội” và hằng năm vào lễ hội miếu Bà Chúa Xứ, lễ hội đình Châu Phú, lễ Đôlta và hội đua bò… vùng đất này lại chào đón một lượng lớn khách phương xa tìm về. Và cũng từ đây, những câu chuyện ấm lòng trong mùa lễ được mọi người truyền tai nhau như một minh chứng cho sự hào hiệp của vùng đất và con người nơi đây.
Những hình ảnh đẹp trên được ghi lại tại Đại lễ khai sáng Phật giáo Hòa hảo lần thứ 78 (18/5 âm lịch) tại thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, An Giang. Vào dịp này hằng năm, hàng ngàn du khách thập phương nô nức kéo về tham dự đại lễ. Nhiều người vẫn hay nói vui rằng: đi lễ chẳng cần mang theo gì bởi quần áo, nước uống, thức ăn đều hoàn toàn miễn phí rồi.
Dọc theo con đường dẫn vào khu đại lễ là hàng chục biển hiệu lớn nhỏ đề dòng chữ “miễn phí”, nhưng cả người cho và người nhận đều hồ hởi với nụ cười thường trực trên môi. Những người lần đầu đến đây không khỏi bất ngờ vì tình cảnh chen lấn, xô đẩy, chặt chém từng bó nhang, cành hoa lễ… hoàn toàn vắng bóng. Thay vào đó, mọi thứ đều sẵn sàng biếu không, thậm chí với khách từ phương xa còn nhận được lời mời đon đả: “thôi vào nhà ngủ lại qua đêm rồi sáng hôm sau hãy về”.
“Về An Giang, bạn sẽ không đói, nhất là vào ngày rằm, ba mươi” là câu nói vui của du khách khi nhắc đến vùng đất hào sảng này. Dù nắng oi bức hay mưa kéo đến bất ngờ, thì hai bên đường, những cốc trà đường, ổ bánh mì vẫn được người dân niềm nở trao tay những người phương xa đi lễ. Thậm chí, nhiều người còn bảo vui: “quê tôi đã quen thuộc với hai từ miễn phí, đến ăn uống thoải mái như buffet mà nào ai lấy tiền bao giờ” hay “mang 10.000 đồng đi lễ, tốn 4.000 đồng gửi xe đến chiều về vẫn còn 6.000 đồng trong túi mà bụng đã no căng”.
Phú Tân không phải là huyện giàu và đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cái tình cái nghĩa nơi đây thì trọn vẹn, đủ đầy. Cứ như thông lệ hằng năm, chẳng ai bảo ai, người dân lại nô nức chuẩn bị suất ăn, nước uống miễn phí mà chẳng kêu than nề hà. Dẫu không giàu vật chất nhưng cái tình vẫn đậm đà tròn đầy như cách người Phú Tân hồ hởi tiếp đón khách phương xa.
Ảnh: Thanh Hòang - Tiến Lên