Buổi chiều Sài Gòn nắng rang, có ông chú nọ cởi con xe máy tạt ngang mâm bánh dì Gái, nài: Chị Gái ơi chị Gái, con vợ em nó thèm bánh bột lọc của chị quá, mà em quên mang tiền?
- Có sao đâu, hôm khác ghé đưa tui cũng được. Dì Gái đáp.
Thế mà, đưa xong hộp bánh, ổng đi mất tiêu tận mấy tháng trời. Người trong xóm thấy chuyện nhắc hoài, có mỗi dì là cười gọn trơn: Chắc ổng quên ý mà…
Cứ vậy, suốt 30 năm nay, từ khi cái mâm bánh của dì Gái có mặt ở góc đường Hoàng Hoa Thám (Q. Phú Nhuận, TP.HCM), người Sài Gòn lại kéo đến thưởng thức. Vì với họ, nếm được mùi vị quê nhà với giá bình dân dưới 10 nghìn đồng bạc lẻ là một điều tuyệt vời hơn cả.
Mâm bánh tiền lẻ chỉ bán đúng 1 tiếng đồng hồ, suốt 30 năm…
Mâm bánh dì Gái không cao sang, mỹ vị gì để được gọi là quán. Nó chỉ gồm một tấm bạt che, cái bàn nhỏ, chiếc ghế gỗ dài cho 4 người ngồi, và một mâm bánh, chè xôi còn nóng hôi hổi đặt ở ngay con hẻm 221 Hoàng Hoa Thám (Phú Nhuận, TP.HCM).
Tất cả đều được dì Gái chính tay làm từ sáng sớm. Đến chiều vừa bưng ra, người Sài Gòn đã đợi trước, chỉ cần “dì Gái có bánh chưa?” là quẹo lựa năm bảy hộp. Dì Gái bán không ngớt tay và luôn sẵn câu cửa miệng: Chờ Gái tí, chờ Gái tí, ai cũng có phần. Vậy là 1 tiếng đồng hồ đã hết vèo.
“Đợi suy nghĩ ăn gì xong có khi đã hết bánh, nên làm liền!” - một thực khách chia sẻ.
Mâm bánh đầy ụ thế thôi, chứ dì Gái đều bán với giá từ 1 nghìn đồng đến 5 nghìn. Nào là bánh ít 2 ngàn/1 cái, mua 3 cái lấy chẵn 5 ngàn, bánh bèo 5 ngàn/8 cái, bánh bột lọc 5 ngàn/4 cái, bánh khọt đậu xanh thì 15 ngàn/10 cái, có thêm thịt thì 20 ngàn/10 cái, riêng chè xôi đồng giá 5 ngàn/1 chén… Cứ cầm 10 ngàn là căn tròn cái bụng buổi chiều êm.
Không những vậy, dì Gái còn tinh ý lắm! Mỗi ngày, dì thay đổi thực đơn một món để khách ăn khỏi ngấy. Ai thích món nào thì lựa ngày cho phù hợp mà tới. Song, cũng có nhiều người quên cả cơm nhà, dành cả tuần lễ để ngồi ăn bánh chị Gái mà chưa bao giờ thấy ngán.
Bởi, cái bí quyết gia truyền trứ danh của dì Gái là món rau chua và nước mắm ngon ngọt không đâu pha chế bằng. Riêng món ngọt thì phải kể đến bát nước dừa đặc sệt, mớ lá dứa thơm lừng, hạt trân châu hòa chung với mè, đậu phộng rang vàng… Xong món mặn lại bưng thêm chén chè nóng, vừa thổi vừa ăn mới thấy nhớ ôi chao cái ngọt lành má nấu thuở nào ùa về.
“Mình làm công nhiều nên cực lắm, lời lãi hổng đáng là bao cả. Nhưng mà bán rồi, người ta quen ăn rồi, giờ nghỉ họ lại hỏi tìm hoài nên dì phải theo thôi” - dì Gái cười bảo.
Chị Lan (37 tuổi) chia sẻ: “Chị tới 3 lần rồi, nhà ở Q.6 xa lắc xa lơ luôn mà qua tận đây chỉ để ăn món dì Gái. Phải ăn liền, còn gì ăn nấy, chứ suy nghĩ một chút thì hết”.
Bà Út (67 tuổi) cũng kể thêm: “Chiều nào bà cũng ra đây làm chén chè, món bánh hết. Con Gái ăn nấu ở nhà nên sạch sẽ, ngon ngọt, mà còn được cái tính tình thiệt tình, dễ thương nữa… Mình ăn riết, ghiền luôn chè bánh nó, với cả nó”.
Cứ vậy, mỗi buổi chiều đầy nắng, người Sài Gòn thèm cái vị quê lại chạy ra làm cái bánh, chén chè dì Gái. Từ ông giám đốc, anh công sở, chị văn phòng, tới chú công nhân, cô vé số, bà già trông trẻ… ai ai cũng chịu ngồi chung trên chiếc ghế gỗ, vừa ăn vừa tấm tắc khen ngợi bàn tay “ma thuật” của dì. Riêng mấy bà già khó tánh, gằn: Gái ơi Gái, lấy bà 8 ngàn bánh thôi! Dì Gái vẫn múc đầy vô chiếc dĩa đất.
Thế là xong buổi chiều.
“Kệ đi! Tiền bạc có gì đâu, miễn người ta vui là được rồi…”
Dì Gái năm nay đã 53 tuổi, là người Sài Gòn gốc. Từ thời con gái vừa tròn đôi mươi, dì đã buôn bán hàng ăn. Dì kể: “Hồi đó, mình thích làm mấy món ăn hằng ngày thôi à. Thế mà người ta mê, nên sau này có chồng con mới bán nhiều thêm món mặn ngọt.”
Rồi dì dựng cái quán ở đầu hẻm nhà mình, cậu Sáu (60 tuổi, chồng dì) phụ thêm một tay. Cứ thế, hơn 30 năm nay, 8h sáng mỗi ngày, dì lại đi chợ, nấu nướng đủ thứ món. Cho đến 2h chiều bưng ra bán gần 1 tiếng đồng hồ là hết vèo.
Dì kể: “Người ta cũng bảo là dì bán nhiều hơn ấy chớ. Cơ mà, sức dì yếu rồi, hổng làm sớm thức khuya được nữa, nên chỉ cố gắng bao nhiêu đó à…”.
Điều đặc biệt là đã lâu lắm rồi, nhưng dì vẫn nhất quyết giữ mức giá tiền lẻ. “Mình cũng dân lao động nghèo nên hiểu mà, để cái giá rẻ rẻ thì người bình dân có cơ hội tới ăn hoài” - dì chia sẻ.
Rồi hễ ai xin thêm rau, ít mắm chua ngọt trứ danh, xíu nước cốt dừa, miếng đậu phộng, mè rang,… dì Gái vẫn niềm nở cho luôn. Đôi khi không cần hỏi, dì Gái thấy thuận con mắt là sắn thêm miếng chuối, miếng bánh bò nhét vào bịch cho vừa vặn: “Khuyến mãi thêm đó nghen”. Thế nên người ta, ai cũng thương cái tính dễ thương, chất phát của dì Gái như vậy!
“Bữa hổm có ông chú nọ ghé mâm bánh của dì, nài: Chị Gái ơi chị Gái, con vợ em nó thèm bánh bột lọc của chị quá, mà em quên mang tiền!
Dì Gái bèn nói: Có sao đâu, hôm khác ghé đưa tui cũng được.
Thế mà, đưa xong hộp bánh, ổng đi mất tiêu mấy tháng trời. Người trong xóm thấy chuyện cũng nhắc hoài, có mỗi dì là cười gọn trơn: Chắc ổng quên ý mà…”
Rồi cũng buổi chiều khác, một chị vé số kia tạt ngang qua:
- Dì Gái ơi dì Gái, mấy đứa con nhà con thèm bánh dì quá à, mà con hổng có tiền!
Dì Gái cho luôn mấy hộp để mẹ con đem về chia nhau ăn. Thế là, lần nào con nhỏ qua hẻm cũng ngó lơ, dì Gái cũng giả đó ngó lơ theo:
- Để con nhỏ nó khỏi ngại, còn qua con hẻm đi bán vé số nữa chớ…
“Kệ đi! Đồ nhà dì làm nên giá cả hổng là bao nhiêu hết, bán ở hẻm mình nên hổng tốn tiền mặt bằng gì cả. Miễn người ta ăn ngon, thấy vui mà đến hoài là dì mừng rồi…” - dì Gái cười hì hì.
Vừa nói xong, có ông khách ghé mua bánh ít trần, tay cầm mỗi 5 ngàn đồng. Dì Gái bèn đùa vui: Nè, bo luôn 3 cái bánh cho chú, như vậy mới đích thị là Gái chịu chơi… Thế là cả con hẻm cười vang.
Đó đó, dì Gái đơn thuần và chất phất vậy đó. Dì bán cũng cười, mua cũng cười, tặng-cho-thêm hay khách hàng “lỡ quên” cũng cười. Vì với dì, miễn sao cho người ta có miếng ăn ngon, nhớ tới mình là vui.
Để mỗi ngày, trong con hẻm nhỏ, dì Gái ngồi cạnh cái sạp, cô Ba, cậu Tư lại sẵn tay phụ gắp miếng bánh, múc chén chè,… rảnh rang buôn thêm xíu chuyện người Sài Gòn dễ thương. Họ mới thấy bao tình nghĩa làng xóm thơm tho tràn ngập, cái mặn mòi vị quê tan đi trong miệng, mà đọng lại mãi ở cuống họng mình thôi.
- Dì Gái ơi dì Gái, người Sài Gòn thương dì hổng chỉ bởi dì bán cái bánh, chèn chè đâu? Tôi nói.
- Chớ còn bán gì nữa cưng?
- Thì dì còn bánh cái tình cái nghĩa, cái chân chất, dễ thương và cả nụ cười tươi roi rói nữa nè… Dì hổng thấy sao? Mọi người ăn bánh của dì đều thấy hết đó.
Dì Gái cười, nắng vàng cũng giòn tan suốt buổi chiều.