Trên chương trình Dateline của kênh SBS, Ace và vợ, Sheila, cho biết họ chính là những sát thủ được tuyển mộ để gia nhập “biệt đội tử thần” chuyên diệt trừ các con nghiện và kẻ buôn bán ma túy, như một phần trong chiến dịch truy quét ma túy mạnh tay do Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát động.
100 USD mỗi vụ
Ace và Sheila tiết lộ họ nhận được 100 USD từ cảnh sát cho mỗi vụ hành quyết và đây là cách duy nhất giúp họ kiếm tiền nuôi 4 con nhỏ.
Theo Ace, ông chủ của họ sẽ liên lạc qua điện thoại và thông báo công việc họ cần làm, thông thường là “xử” một người nào đó. Các con mồi đều có những điểm chung như thuộc thành phần buôn bán ma túy hoặc tội phạm hay “chống lại ông chủ chúng tôi”, anh cho hay.
Chỉ một cú điện thoại, Ace sẽ nắm trong tay thông tin nhận dạng của kẻ cần triệt hạ. “Nếu chúng tôi phát hiện ra kẻ đó đang ở một mình, chúng tôi sẽ lập tức lên đường thủ tiêu đối tượng rồi bỏ đi”, Ace nói.
“Ông chủ của chúng tôi là một cảnh sát tiếng tăm. Giây phút chúng tôi được trao bức ảnh nhận dạng cũng là lúc chúng tôi tự hiểu việc phải làm”, Ace chia sẻ.
“Ngay từ đầu khi mới làm công việc này, tôi đã biết nó ẩn chứa nhiều rủi ro. Nhưng nếu không làm, tôi sẽ phải đối mặt với một rủi ro khác, thậm chí còn lớn hơn, đó là không thể nuôi sống gia đình vì tôi chẳng thể kiếm nổi một công việc nào khác”, Ace giãi bày.
Ace nhấn mạnh anh buộc phải tiếp tục tham gia các vụ giết chóc, nếu không, “ông chủ có thể trả thù tôi. Tôi có thể bị thủ tiêu, vậy nên tôi phải tuân theo mệnh lệnh”.
Bên cạnh đó, Sheila sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ “biệt đội tử thần” của chồng khi họ không thể tiếp cận sát mục tiêu. “Cô ấy có thể tiến gần mục tiêu vì là phụ nữ”, Ace giải thích.
Sheila cho biết có lần, suốt gần một tuần, “biệt đội tử thần” của chồng cô không thể hoàn thành nhiệm vụ nên ông chủ rất giận dữ.
“Chồng tôi nảy ra ý tưởng kéo tôi tham gia. Tôi có thể làm điều này”, Sheila nói. “Thỉnh thoảng, tôi vào vai một vũ nữ quán bar hoặc tiếp viên. Tuy nhiên, nó còn tùy thuộc vào mục tiêu bởi có thể họ không thích đi bar. Vậy nên, khi được cung cấp thông tin nhận dạng, chúng tôi sẽ căn cứ vào sở thích của đối tượng để tính toán hành động tiếp theo. Đấy là lúc tôi thể hiện vai trò”.
Cắn rứt lương tâm
Theo Sheila, đội của cô thường tiêu diệt mục tiêu bằng súng. “Khi chúng tôi được cung cấp thông tin nhận dạng, chúng tôi không hỏi thêm gì cả vì nguyên tắc số một trong 'biệt đội tử thần' là 'không hỏi'”, cô cho hay.
“Chúng tôi nghiên cứu thông tin khoảng một ngày và lên kế hoạch hạ sát mục tiêu trong vòng ba ngày sau đó… Khi tiếp cận mục tiêu hoặc nhận ra họ, chúng tôi sẽ bắn ngay nếu có cơ hội. Chúng tôi không rời đi chỉ với một phát bắn vì chúng tôi phải đảm bảo họ đã chết hẳn. Chúng tôi cũng thường đặt một tấm bìa ghi dòng chữ 'kẻ buôn bán ma túy' bên thi thể họ”, Sheila kể về quy trình làm việc của “biệt đội tử thần”.
Cô giải thích việc đặt tấm bìa nhằm mục đích khiến báo chí chú ý và đưa tin vì đó là cách để họ chứng minh đã hoàn thành nhiệm vụ với ông chủ.
“Ước chừng nhóm chúng tôi đã thực hiện 25% trong 2.800 vụ hành quyết”, Sheila nói.
Theo Sheila, mỗi “biệt đội tử thần” nhận lệnh từ một ông chủ khác nhau. Số vụ hành quyết mà cảnh sát ra lệnh thực hiện nhiều hơn số vụ mà tự họ ra tay.
“Tất nhiên, tôi thấy tội lỗi. Sau mỗi lần làm nhiệm vụ, lương tâm bạn luôn bị đè nặng, đặc biệt là lúc về nhà. Sau khi hoàn thành công việc, chúng tôi mỗi người mỗi ngả. Về đến nhà, bạn sẽ nhìn con cái và trào dâng cảm giác cắn rứt”, Sheila giãi bày.
“Nhưng tôi tự nhủ rằng người mà tôi giết là kẻ xấu. Nhiều cuộc sống sẽ bị hủy hoại nếu hắn ta không bị giết. Thế nên, kẻ đó phải chết và đấy không phải lỗi của tôi. Tôi không làm gì sai. Nếu kẻ đó không phải người xấu, hắn ta đã không phải chịu số phận như vậy”, Sheila bày tỏ.
Sheila cũng chia sẻ cô và chồng đang lâm vào tình thế “đâm lao phải theo lao” vì “nếu dừng công việc, tình thế sẽ đảo ngược. Chúng tôi sẽ bị đặt vào tầm ngắm”, cô nói.
Theo Sheila, cô không thể nói “không muốn làm công việc này nữa” bởi nếu làm thế, ông chủ sẽ nghi ngờ và ra lệnh thủ tiêu cô.
“Tôi nghĩ con nghiện đang dần biến mất là điều tốt cho xã hội và sẽ tốt đẹp hơn nữa nếu những tay trùm buôn bán ma túy cũng bị triệt hạ. Nhưng với chúng tôi, đó chỉ là công việc. Còn việc, chúng tôi còn kiếm được tiền”, Sheila lạnh lùng nói.
Gần 3.000 người đã chết vì liên quan đến ma túy kể từ khi ông Rodrigo Duterte nhậm chức tổng thống Philippines vào cuối tháng 6. Cảnh sát Quốc gia Philippines hồi tháng 9 cho biết gần 1.500 “nghi phạm ma túy” đã bị giết trong các hoạt động của cảnh sát, số còn lại bị kết liễu bởi các nhóm tự cho mình là “thực thi công lý”.
Các nhóm như trên thường bịt mặt, đi xe máy, tiếp cận nạn nhân rồi bắn chết họ trên đường phố. Không có bằng chứng cho thấy chính phủ liên quan đến những cái chết dạng này.