Cải thìa là một loại rau lá xanh có nhiều dưỡng chất thiết yếu cho hoạt động sống của cơ thể. Loại thực vật này chứa nhiều nước và rất giàu chất xơ. Dù là người bị tiểu đường, đang có vấn đề tiêu hóa hay tập luyện thể thao đều sẽ đạt được nhiều lợi ích sức khỏe nếu ăn cải thìa thường xuyên.
Trong bữa cơm của người Việt nói riêng và châu Á nói chung, cải thìa là một loại rau vô cùng quen thuộc, có thể chế biến đa dạng thành nhiều món ngon.
Theo cách nấu của người Quảng Đông (Trung Quốc), cải thìa được chần sơ và phủ với dầu hào, rượu gạo, nước tương, dầu mè hoặc xào với tỏi. Người Quảng Đông từ xưa đã ưu ái cải thìa vì nó được mệnh danh là “nhân sâm đầu mùa” vì có giá trị dinh dưỡng cao và hương vị chẳng kém gì nhân sâm.
Theo chuyên trang sức khỏe Verywellfit (Mỹ), một chén cải thìa khoảng 70 gram sẽ có khoảng 0,7 gram chất xơ, 1,1 gram protein, 45,5 mg natri, 223µg vitamin A cùng vitamin K, caroten và nhiều dưỡng chất khác.
Loại rau này là nguồn cung cấp canxi tuyệt vời. Canxi là khoáng chất quan trọng giúp xương chắc khỏe. Ngoài ra, hàm lượng vitamin K trong cải thìa cũng có tác dụng tăng cường trong quá trình chuyển hóa xương và giảm nguy cơ gãy xương.
Bên cạnh đó, cải thìa rất giàu vitamin C. Trên thực tế, loại vitamin này là một chất chống oxy hóa có tác dụng hỗ trợ chức năng miễn dịch, bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh thông thường, chẳng hạn như cảm lạnh hay cúm.
Không chỉ thế, đây là loại rau rất giàu chất xơ, có tác dụng nhuận tràng, giúp ruột và dạ dày thải độc tố, đồng thời giảm tích tụ chất béo. Nó có thể bài tiết muối ra khỏi cơ thể và có tác dụng lợi tiểu.
Lượng khoáng chất, vitamin cùng với các chất chống oxy trong rau cải thìa còn là loạt chất giúp chống lão hóa làn da hiệu quả. Trong các kì kinh nguyệt, bổ sung nhiều cải ngọt vào chế độ ăn giúp bổ khí, đẩy lượng máu đông ra khỏi cơ thể nhanh chóng.
Theo nghiên cứu từ các chuyên gia dinh dưỡng, trung bình 100 gram cải thìa chỉ chứa khoảng 50 calo nên nó cũng xuất hiện trong nhiều thực đơn ăn kiêng, giảm cân của nhiều người.