Trong xã hội ngày nay, đa số mọi người đã có cái nhìn thấu hiểu, đồng cảm cho những người thuộc cộng đồng LGBT. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn những dị nghị, những đàm tiếu không hay về những người thuộc cộng đồng LGBT.
Mình chỉ sống có một lần
Có mặt trong một chương trình dành cho cộng đồng LGBT mang tên “Và ta sẽ gặp nhau vào một kiếp sau”, đây cũng là tên một MV nói về cuộc sống của những người thuộc cộng đồng LGBT. Anh Das, (SN 1988), quê Hà Nội, ngồi cởi mở tâm sự với những người xung quanh ở một góc sân.
Thoạt nhìn người con trai nam tính ấy, ít ai có thể ngờ rằng anh từng mang thân hình là một cô gái. Trong câu chuyện tâm sự với chúng tôi, anh Das luôn cởi mở và vui vẻ.
Nói về những định kiến của xã hội hiện nay đối với cộng đồng LGBT, anh Das cho rằng, mọi người cũng cởi mở hơn nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít không hẳn là kỳ thị nhưng có phần né tránh đối với những người thuộc cộng đồng LGBT.
Sinh ra trong thân hình một cô gái, anh Das được gia đình đặt tên là Vũ Trang. Cuộc sống ngày ấy diễn ra yên bình và không có gì khác biệt. Tuy nhiên càng lớn lên, Vũ Trang lại càng có thiện cảm với các bạn nữ.
“Khi ấy cảm thấy vậy nhưng không xác định được đó là định hướng về giới tính. Mãi đến khi học hết lớp 12, khi đó các bạn của mình cũng thắc mắc tại sao không yêu ai đó, lúc ấy mình cũng nói là mình không có cảm xúc với ai, chỉ thích bạn nữ này bạn nữ kia.
Sau đó, các bạn cũng khuyên tìm hiểu trên mạng rồi lúc đó mình mới biết LGBT là gì”, anh Das tâm sự.
Học xong lớp 12, anh Das bắt đầu cắt tóc ngắn và thể hiện cá tính nam giới. Biết mình thuộc cộng đồng LGBT, anh Das dành 5 năm sau đó để tập trung làm việc, mọi chuyện cá nhân anh cũng ít chia sẻ với mọi người.
Trong thời gian đó anh Das cũng có bắt đầu mối quan hệ hẹn hò. Cũng nhắn tin, hẹn hò đi chơi rồi lại trở về nhà bình thường như những cặp đôi khác.
Trong những lần hẹn hò ấy, anh Das cũng không dám thổ lộ hay nói với gia đình: “5 năm đó mình đều giấu kín và không nói cho gia đình biết, khi ấy cảm thấy mình còn quá trẻ. Đến thời điểm cách đây khoảng 10 năm, tôi có quen 1 người, bạn ấy rất tốt. Lúc đấy tôi mới đủ suy nghĩ chín chắn để nói với bố mẹ, gia đình rằng đây là bạn gái của con”.
5 năm chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật thay đổi cuộc đời
Anh Das luôn cảm thấy may mắn khi có bố mẹ rất yêu thương, luôn thấu hiểu và không cấm cản việc anh hẹn hò với ai.
“Nó cá tính đấy”, bố anh thường nói với mọi người thế. Điều đó làm anh tự hào rằng bố là một người tinh tế.
“Khi bên ngoài đã thể hiện hoàn toàn là tôi đã là 1 người chuyển giới rồi. Khi tôi ăn mặc nam tính trở lại, mọi người cũng đã biết và nhìn nhận ra trong xã hội bây giờ.
Để được sống là chính mình, anh Das dành 5 năm để lao động kiếm tiền, tìm hiểu thông tin và mọi thứ cần thiết cho cuộc phẫu thuật ngực.
Trước thời điểm phẫu thuật ngực một tuần, anh nói với mẹ. Phần để xin chữ ký phẫu thuật và cũng là để thông báo với gia đình.
“Tôi quyết định thay đổi và đã quyết định phẫu thuật ngực, sau khi làm xong tôi thấy tự tin hơn rất nhiều. Khi tôi tiếp xúc với những người khác, mọi người cũng đánh giá mình là người đàn ông đàng hoàng.
Mình chỉ sống một lần. Nếu tôi và bạn không sống cho chính bản thân mình thì sẽ phải hối hận về sau và mình sẽ trở thành người bất hạnh.
Với những người trong cộng đồng LGBT, nhiều người họ phải kìm nén trong rất nhiều năm chỉ sống theo sự áp đặt của người khác nhiều hơn là sống theo ý mình mong muốn”, anh Das tâm sự.
Giờ đây, anh Das đã có công việc ổn định, cuộc sống khá giả. Anh bỏ ngoài tai nhưng lời dị nghị, ngăn chặn những năng lượng tiêu cực ngay từ đầu.
Với những người thuộc cộng đồng LGBT, cuộc sống hôn nhân gia đình luôn là điều thiệt thòi nhất.
“Về vấn để sinh con không thể nói trước được, bản thân tôi rất mong muốn có con, nhưng phải dựa trên thực tế là vấn đề kinh tế vững, cũng như sự bảo vệ an toàn cho con mình trước những áp lực xung quanh”, anh Das tâm sự.
“Khi nghe ‘Ui bọn đồng tính, bọn bê đê’, đó là lúc mình đau nhất”
Cũng là một người thuộc cộng đồng LGBT, Tiểu Ngư (30 tuổi), đang hoạt động ở nhóm LQBT Nam Định, cô cảm thấy xã hội ngày nay nhiều bậc phụ huynh đồng cảm với con. Đặc biệt là các bạn trẻ LGBT thuộc thế hệ Gen Z.
Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều người có định kiến, tiêu cực dành cho những người thuộc cộng đồng LGBT. Đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
“Có những trường hợp khi gia đình biết đã bắt, nhốt và trói ở ngoài sân cả một đêm”, Tiểu Ngư nói.
Hoạt động trong câu lạc bộ, Tiểu Ngư chứng kiến rất nhiều câu chuyện đau lòng về những áp lực đối với người trong cộng đồng LGBT.
“Nhiều bạn cũng có tư tưởng quá bế tắc, như nhiều gia đình mang nề nếp gia giáo rất khó chấp nhận. Thậm chí có những bạn có suy nghĩ muốn kết thúc cuộc sống vì quá áp lực.
Thế nhưng cũng có nhiều phụ huynh đồng cảm, biết được con mình là người LQBT, đã tìm đến câu lạc bộ nhờ mình hỗ trợ khi không biết làm sao có thể chia sẻ cùng con”, Tiểu Ngư tâm sự.
Nói về bản thân, Tiểu Ngư cho biết, dù là thân hình con gái nhưng cô cảm thấy không thích con trai. Từ khi học cấp 2 cũng thấy có cảm giác với một bạn nữ nhưng không thể hiện ra ngoài.
“Trước đây lờ mờ tôi thấy không hề thích con trai, thấy kỳ lạ, nó cứ trăn trở trong tâm trí, tôi cũng không hiểu vì sao. Sau khi rời gia đình lên Hà Nội, học tập thì tôi nhận thấy rất có rất nhiều bạn như mình. Sau khi gặp nhiều bạn, tâm trạng mình thấy tốt hơn rất nhiều”, Tiểu Ngư tâm sự.
Như bao người thuộc cộng đồng LGBT khác, Tiểu Ngư cũng phải đối mặt với rất nhiều định kiến của xã hội và những tổn thương sâu sắc.
“Định kiến dị nghị thì có nhiều, rất nhiều. Nhưng buồn nhất là người thân mình nói ra.
Trước đây, khi xem những bộ phim, mọi người trong gia đình mình nói: “Ui bọn đồng tính, bọn bê đê”, đôi khi trong cộng đồng mọi người có thể nói đùa với nhau thì cảm thấy bình thường nhưng khi lời nói đó từ gia đình thì đó là lúc mình đau nhất”, Tiểu Ngư tâm sự.
Đối với Tiểu Ngư, những tổn thương về mặt tình cảm đối với những người thuộc cộng đồng LGBT cũng là điếu rất khó quên.
“Để tìm được một người cùng mình đã rấ khó nhưng khi tìm được rồi, người đó có thể đồng hành cùng với mình không lại còn phải phụ thuộc vào hai bên gia đình.
Mình cũng đã từng quen một bạn nhưng gia đình bạn ấy dùng mọi biện pháp cấm đoán và sau cùng bạn ấy chọn dừng lại. Hôm nay xem tựa “Chúng ta sẽ hẹn nhau ở một kiếp sau” thực sự mình nghe nó rất đau”, Tiểu Ngư nghẹn ngào nói.
Vụ Hưng Vlog bán mật ong hoa vải gây ồn ào: Đội Quản lý thị trường vào cuộc xác minh
Theo anh Vũ Thắng, đại diện của “Và ta sẽ gặp nhau ở một kiếp sau” cho biết, chương trình và MV cùng tên được lên ý tưởng từ những câu chuyện có thật của anh và những người trong cộng đồng LGBT.
Họ phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn, sự kỳ thị trong cuộc sống: “Sự kỳ thị xuất hiện trong cuộc sống, ngay cả khi tiếp cận những dịch vụ y tế, công việc hàng ngày thậm chí ngay cả từ phía người thân, gia đình áp đặt lên chúng mình.
Chúng mình muốn những câu chuyện chưa ai dám nói ra trước truyền thông ấy sẽ phần nào mong muốn mọi người cảm nhận được những khó khăn của cộng đồng LGBT”.
Mời đọc giả xem thêm: Cuộc sống hậu nghỉ chơi của bộ ba: Khoa Pug, Vương Phạm, Johnny Đặng