Gần đây cư dân mạng đang háo hức truyền tay nhau một đoạn clip ghi lại cảnh bé gái xinh xắn đang ngồi trong xe hơi và cover bài hát “Ngốc” của ca sĩ Hương Tràm. Vẻ đáng yêu cùng với biểu cảm như ca sĩ chuyên nghiệp của bé khiến mọi người thích thú dành tặng không ít lời khen ngợi.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số bình luận trái chiều cho rằng việc để cho bé hát một ca khúc người lớn với những ca từ yêu đương tình cảm là không phù hợp.
Chu Diệp Anh, cô bé được mẹ quay hình và hiện đang là gương mặt được cộng đồng mạng yêu thích. Sở hữu fanpage với hơn 22.000 lượt người theo dõi, Chu Diệp Anh thường được mẹ chụp ảnh và đăng tải nhiều clip cực kì dễ thương, gây thiện cảm với rất nhiều bạn trẻ, bà mẹ bỉm sữa.
Chị Hoàng Phương Nhung (29 tuổi) mẹ của Diệp Anh đã quay lại khoảnh khắc hồn nhiên của con khi cô bé đang vô tư nghêu ngao những ca từ khá trưởng thành trong bài hát “Ngốc” của Hương Tràm. Có đoạn: “Em cũng chỉ là con gái thôi. Buồn là khóc hay vui là cười. Em cũng chỉ muốn như bao người. Được anh yêu thương chỉ mình em thôi” được cô bé thể hiện một cách điêu luyện với biểu cảm hệt chị Hương Tràm, gương mặt buồn và đau khổ như một cô gái đang yêu thật sự.
Trước đây, cô bé đáng yêu này cũng đã có vài clip cover khác:
https://www.youtube.com/watch?v=BmcLZ-9OJKE
Điều này khiến không ít người xem trầm trồ, kinh ngạc và tỏ vẻ thích thú. Tuy nhiên cũng có nhiều bình luận cho rằng đây là một hành động không nên có ở lứa tuổi này.
Tài khoản Trần Thị Nhật Lệ có ý kiến: “Bé hát hay và dễ thương quá. Nhưng các bạn phụ huynh chú ý nên cho các con tiếp cận với những thứ phù hợp với lứa tuổi của bé”.
Đồng tình với ý kiến đó, bạn Nam Lê cũng cho rằng: “Không nên cho bé tiếp xúc quá nhiều nhạc của người lớn”.
Bạn Thương Nguyễn phân tích rằng: “Đành là bé còn nhỏ, chưa thể hiểu hết ý nghĩa của những ca từ này, nhưng về lâu dài nếu một đứa trẻ cứ mãi hát và nghe những bài có từ ngữ sầu thảm, ngôn từ quá lớn so với tuổi, chúng sẽ nhớ và phát triển quá nhanh so với tuổi thật của mình. Có không ít trẻ em hiện nay mang trong đầu nhiều suy nghĩ khiến người lớn phải ngạc nhiên, điều này khá trái với giáo dục. Mẹ nên xem lại đừng để con quá sa đà vào trào lưu này.”
Tất nhiên, đã có không ít bình luận phản pháo lại luận điểm trên:
Nick Vương Vui vẻ đã chia sẻ: “Nhiều bạn có vẻ ganh tị với bé hay sao ấy, hãy suy nghĩ một cách đơn giản, đừng phức tạp. Con nít hay bắt chước, đôi khi ba mẹ mở nhạc nó nghe hoài thì thuộc thôi, ba mẹ thấy nó còn nhỏ hát đáng yêu và đăng lên cho mọi người cùng xem. Thế thôi!
Bạn Huyền C. bày tỏ ý kiến trung lập: “Cũng không quá khắc nghiệt với con cái. Cứ để chúng phát triển tự nhiên. Tư duy theo cách của chúng. Thế mới thông minh được”.
Quan điểm: “Chúng nó còn nhỏ mà, như thế dễ thương chết được, có gì đâu mà người lớn cứ phải nghiêm trọng đến thế” theo một số người có kinh nghiệm trong việc nuôi dạy trẻ cho rằng hoàn toàn sai lầm. Sự phát triển của trẻ em từ 1 đến 5 tuổi là cực kì quan trọng trong việc hình thành nhân cách. Dù trẻ không hiểu nhưng dễ nhớ, dễ thuộc và chắc chắn sẽ sử dụng những từ ngữ ấy trong học tập và giao tiếp. Thế nên càng nhỏ, càng phải uốn nắn trẻ cẩn thận hơn.
Bạn nghĩ gì về những đứa trẻ được “ép chín” quá sớm, có thể thành thục hát nhiều bài hát mà đến cả người cũng chưa chắc đã thuộc. Nhưng Biển nhớ, Thu cạn, Trả nợ tình xa, I will always love you xuất hiện đầy rẫy trong nhiều cuộc thi âm nhạc nhí đã khiến không ít khán giả phải ngao ngán lắc đầu. Hay thì có thể hay nhưng một đứa trẻ vô cảm cất lên lời hát chưa chắc chúng đã hiểu có phải điều đáng khích lệ.
Việc trẻ em ngày càng thích hát những ca khúc dành cho người lớn đã đặt ra câu hỏi “Liệu có phải kho tàng nhạc thiếu nhi đã đến hồi cạn kiệt?” Phải chăng bởi vì những bài hát “người lớn” thường có giai điệu, tiết tấu hay; được kết hợp với vũ đạo và trang phục đẹp mắt, thu hút người xem nên các bé thích hơn là nghe đi nghe lại những bài nhạc thiếu nhi “đã cũ” như “Con cò bé bé” , “Cháu lên ba”, “Bà ơi bà”,… Sự thiếu hụt các chương trình văn hóa, nghệ thuật, các bài hát thật sự hay dành cho trẻ em không chỉ là vấn đề Việt Nam mắc phải mà còn vô số các chương trình, cuộc thi âm nhạc quốc tế khác trên thế giới
Và cuối cùng, một câu hỏi lớn khó có thể trả lời: “Nên hay không cho trẻ em hát nhạc người lớn?” - Một vấn đề nan giải cho bố mẹ nói riêng và những nhà giáo dục nói chung.