Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Không khí Hà Nội những ngày cận Tết chạm ngưỡng nguy hại: Giao thông chiếm 60-70% nguyên nhân gây ô nhiễm

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Những ngày này, không khí Hà Nội thường xuyên ở mức kém với chỉ số AQI thường xuyên ở trong khoảng từ 100-200. Có thời điểm chất lượng không khí lên ngưỡng nguy hại. Nhóm người nhạy cảm như hen suyễn, lao phổi được khuyến cáo nên ở trong nhà.

Điển hình như vào 15h30 chiều 27/1, chất lượng không khí ở 10 điểm đo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đều ở màu cam (mức kém) và màu đỏ (mức xấu). Theo bảng quy đổi giá trị AQI (chỉ số đại diện chất lượng không khí), chỉ số không khí được chia làm 5 nhóm tương đương với 5 màu.

Biểu đồ chất lượng không khí Hà Nội được ghi nhận vào chiều ngày 27/1. Ảnh chụp màn hình.

Trong đó, với chỉ số AQI từ 100-200 (màu cam), chất lượng không khí xếp loại kém, những người nhạy cảm như hen suyễn, bệnh phổi, tim mạch cần hạn chế ra ngoài, chỉ số AQI từ 201-300 (màu đỏ), chất lượng không khí xấu, tất cả mọi người nên hạn chế ra ngoài. Chỉ số AQI từ 301 (màu nâu) trở lên, chất lượng không khí xếp loại nguy hại. Với mức ô nhiễm này, mọi người nên ở trong nhà.

Vào chiều 27/1, nhiều nơi ghi nhận chỉ số AQI rất cao như điểm đo Phạm Văn Đồng lên tới 240 (xếp loại xấu, mức nguy hiểm thứ 2 trong bảng chỉ số), điểm đo Hàng Đậu là 238 (xếp loại xấu), điểm đo ở Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội là 222, điểm đo ở Tân Mai, chỉ số chất lượng không khí là 201, cùng ở mức xấu. Có 6 điểm đo khác, chất lượng không khí cũng tiệm cận mức xấu. Nơi có chất lượng không khí đo được tốt nhất là điểm đo Tây Mỗ (huyện Nam Từ Liêm), chỉ số AQI cũng lên đến 177 ở mức kém.

Không khí Hà Nội một số nơi chạm ngưỡng nguy hại.

Đáng lưu ý, trước đó vào ngày 25/1, nhiều điểm đo ở Hà Nội ghi nhận chỉ số AQI của bụi PM 2.5 (loại bụi được coi là tử thần trong không khí, thường được chọn làm đại diện để tính chỉ số chất lượng không khí) lên ngưỡng nguy hại.

Điểm đo Phạm Văn Đồng đo được chỉ số AQI PM 2.5 lên tới 400, một chỉ số mà theo đánh giá của giới chuyên gia là hiếm khi lên tới. Điểm đo Mỹ Đình, chỉ số AQI PM 2.5 cũng lên tới hơn 300, điểm đo tại Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cũng lên tới 400. Ở một số điểm đo khác, chỉ số bụi AQI PM 2.5 cũng tiệm cận mức nguy hại.

GS.TS Phạm Ngọc Đăng cho rằng, ô nhiễm do hoạt động giao thông gây ra vì giao thông là chính chiếm 60-70% trong các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Về vấn đề này, trao GS.TS Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam cho hay, nếu chỉ số AQI từ trên 300-400-500 là mức báo động vì gấp nhiều lần cho phép.

“Bụi PM 2.5 (loại bụi được coi là tử thần trong không khí, thường được chọn làm đại diện để tính chỉ số chất lượng không khí) rất độc hại, vào rất sâu trong phổi gây ra các bệnh về đường hô hấp, có một số trường hợp chứa đất độc hại lâu dài, chứa hoá chất còn gây ra bệnh ung thư. Thế nên bụi này là bụi điển hình của ô nhiễm do hoạt động giao thông gây ra vì giao thông là chính chiếm 60-70% nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Các công trình xây dựng đường xa cũng gây ảnh hưởng môi trường.

Hôm nào cường độ giao thông lớn sẽ tăng rất nhanh. Thứ 2 nữa là bụi này di chuyển rất xa như miền Nam hoặc Trung Quốc phát ra cũng có thể bay về tới Hà Nội được, theo chiều gió thay đổi rất nhanh hoặc thứ 2 do thời tiết ảnh hưởng”, GS.TS Phạm Ngọc Đăng cho hay.

Chính vì thế nên GS.TS Phạm Ngọc Đăng cho rằng Hà Nội cần có một số giải pháp để giảm thiểu để đảm bảo không khí trong lành cho người dân chứ không như TP Bắc Kinh, Trung Quốc không khí đáng báo động 4-5 lần tiêu chuẩn cho phép.

“Theo tôi cơ quan chức năng nên làm để bảo vệ không khí tránh ô nhiễm trước tiên phải kiểm soát nguồn thải quan trọng nhất là nguồn thải hoạt động giao thông như xe máy, ô tô, thực hiện đúng theo tiêu chuẩn khí thải.

Thứ hai, các hoạt động xây dựng như sửa chữa đường sá, cầu cống… tồn đọng lại khô bay bụi bùn lên nên cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ.

Thứ 3 vệ sinh đường phố, vỉa hè kém cũng sinh ra bụi bẩn nhiều. Ngoài ra vấn đề đun nấu, phải kiểm soát các nguồn thải của khu công nghiệp lớn vì nó sinh ra rất nhiều bụi”, GS.TS Phạm Ngọc Đăng thông tin thêm.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất