Nhiều người đang chia sẻ với nhau thông tin cảnh báo thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ thời điểm hiện tại và nhiều ngày tới có chỉ số tia cực tím ở mức được đánh giá là cực cao và cực độ (9-11), có thể gây bỏng da trong thời gian rất nhanh chóng và nếu để tiếp xúc lâu dài thì hậu quả là vô cùng nặng nề.
Cần làm rõ hai điều trước thông tin này. Thứ nhất, đúng là có thang đo chỉ số tia cực tím (UV Index - UVI) do tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, mục đích giúp mọi người nhận thức và bảo vệ mình. Trong thang đo này chia cường độ tia cực tím làm nhiều mức:
- Thấp (0-2), biểu thị bằng màu lục trên thang đo - hầu như không gây nguy hiểm cho con người.
- Trung bình (3-5), biểu thị bằng màu vàng - có thể gây hại nếu tiếp xúc quá lâu, mọi người nên che chắn kỹ bằng quần áo dài tay và kem chống nắng khi ra ngoài trời.
- Cao (6-7), biểu thị bằng màu cam - nguy hiểm với con người, có thể gây cháy nắng nếu tiếp xúc không bảo vệ trong khoảng 30 phút nên mọi người phải sử dụng quần áo dài tay, kem chống nắng và hạn chế ra ngoài trong khoảng thời gian hoạt động mạnh nhất của ánh nắng Mặt trời (10 giờ sáng đến 4 giờ chiều).
- Cực cao (8-10), biểu thị bằng màu đỏ - cực kỳ nguy hiểm, có thể gây cháy nắng sau khoảng 20 phút.
- Cực độ (từ 11 trở lên), biểu thị bằng màu tím - khiến da có thể bị cháy nắng rất nhanh, chỉ trong khoảng 10 phút nếu để da tiếp xúc với ánh nắng.
Và điều thứ hai cần biết đó là Việt Nam (chứ không chỉ riêng thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ) cùng nhiều quốc gia khác nằm ở vùng xích đạo, là những nơi nhận cường độ tia cực tím mạnh nhất từ mặt trời, chỉ số UVI thấp nhất nhận được quanh năm tại những khu vực này là ở mức trung bình cho đến cực độ. Tuy nhiên, vì đã sinh sống lâu ở điều kiện nhiệt độ cao, ánh nắng gắt này nên nhiều người tỏ ra lơ là, chủ quan trong việc phòng chống nắng cho bản thân. Thực tế là dù đã “quen” thì với màu da phổ biến của người châu Á, chúng ta vẫn là những đối tượng rất dễ bị tia cực tím tác động đến.
Dễ thấy nhất là tình trạng cháy nắng, đỏ da và bỏng rát, gây ra do tia UVB. Có ba loại tia UV phân biệt theo độ dài sóng, từ dài đến ngắn là UVA, UVB và UVC. Trong số này, UVC có khả năng gây hại nhất nhưng may mắn là không vượt qua tầng ozone để chạm tới bề mặt trái đất.
Tia UVB chiếm 5% phổ tia cực tím, không tấn công vào sâu dưới da mà chủ yếu hấp thụ trên bề mặt, là thủ phạm gây cháy nắng và cũng chịu trách nhiệm chính gây ung thư da. Cường độ của UVB thay đổi theo các thời điểm trong ngày, theo mùa, theo địa điểm.
Tia UVA tuy không mạnh như UVB nhưng chiếm 95% phổ tia cực tím và duy trì cường độ ổn định trong suốt những giờ nắng trong năm, có thể thâm nhập sâu, gây nên thoái hoá da, mất đàn hồi, gây nếp nhăn, lão hóa, sạm da và không những thế còn hại cả cho mắt. Theo WHO ước tính trên thế giới mỗi năm có khoảng 12-15 triệu người bị mù vì đục thủy tinh thể, và 20% trong số này có thể xuất phát từ nguyên nhân tiếp xúc với tia UVA trong ánh nắng mặt trời.
Tháng 5 đã tới đồng nghĩa với việc đã vào mùa tia UV mạnh nhất trong năm, WHO và các chuyên gia sức khỏe đều khuyên mọi người, đặc biệt là người dân vùng nhiệt đới cần bảo đảm áp dụng tất cả các biện pháp chống nắng như tránh ra đường trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, khi ra đường thì cần mặc quần áo dài tay, đội mũ rộng vành, kính mát, thoa kem chống nắng chỉ số SPF 30+ sau mỗi 2 tiếng đồng hồ. Bạn đừng chủ quan nữa, hãy nhớ làm theo lời khuyên này, vì lợi ích của chính bạn chứ không phải ai khác!