Những vụ “chửi hớ” của cộng đồng Facebook đến nay không còn là hiếm nữa, nhưng vẫn chưa có được sự thay đổi hay cải thiện nào mà “quy mô” còn ngày một lớn hơn, hậu quả để lại cũng càng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Cách đây không lâu, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin tố con trai đánh cha một-cách-dã-man ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, với những những bức ảnh cho thấy một thanh niên đang giằng co, xô đẩy và đè ngã một người đàn ông lớn tuổi khá bạo lực.
Cư dân mạng đã “truyền tay nhau” những bức ảnh này với tốc độ nhanh đến chóng mặt, và tất nhiên là không quên kèm theo những lời chửi bới, nhục mạ thanh niên kia, thậm chí còn tăng mức độ của vụ việc lên bằng những dòng miêu tả “con trai đánh cha thừa sống thiếu chết”.
Chỉ cho đến khi thông tin được xác minh lại thì thanh niên đã bị cả cộng đồng mạng chửi “không bằng loài cầm thú” trong suốt mấy ngày trời kia mới được giải oan.
Cụ thể, người bố trong chiều định mệnh hôm đó đi đám cưới về trong tình trạng đã quá say, lại không có chìa khóa mở cổng nên ông đã trèo qua tường bao vào nhà. Vì tường bao có cắm mảnh chai nên người ông bị thương và chảy máu rất nhiều, nhưng ông không ý thức được việc đó.
Đến khi anh con trai thấy cha bị như vậy đã chạy đi mua băng gạc về, nhưng vì đang say xỉn nên ông đã phản ứng lại nhất quyết không chịu cho con băng bó.
Mọi người cố sức để ông bình tĩnh nhưng ông vẫn la lối và đẩy ra, phải mất thời gian khá lâu mọi người mới giữ được ông để anh con băng bó cho cha.
Trong lúc giằng co để chấn tĩnh người cha thì một kẻ vô lương tâm đã chụp ảnh lại sau đó đưa lên mạng, với lời lẽ rất kích động rằng “con trai đánh cha thừa sống thiếu chết”, khiến cho chỉ trong chớp mắt, chàng thanh niên từ một người con biết lo lắng, chăm sóc chu toàn cho một người cha say xỉn đã hóa thành một kẻ “nghịch tử”, “bất hiếu”, “không xứng đáng làm người”…
Tương tự, sự lú lẫn của đám đông mạng xã hội còn lên tới đỉnh điểm khi những bức ảnh về những quả cam được bọc túi nilon để bảo quản được lâu hơn được “các mẹ” truyền tay nhau kèm thông tin, đó là những quả cam bọc tẩm hóa chất rất độc hại (?!).
Từ trước đến nay, bọc màng nilon bên ngoài mỗi quả cam là một trong những cách hiệu quả để bảo quản được quả cam giữ được độ tươi, ngon trong khoảng từ một tháng đến tháng rưỡi kể từ ngày thu hoạch. Điều này đã được ông Nguyễn Năng Nhượng, Phó Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ khẳng định.
Chưa hết, ngay cả ông Phạm Mạnh Cường, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Tuyên Quang, cũng khẳng định riêng chuyện bọc cam trong túi nilon có hóa chất thì thực tình ông cũng chưa từng thấy có kiểu bảo quản cam như thế từ trước tới giờ.
Vậy là thông tin cam bọc màng nilon tẩm hóa chất là do “các mẹ” tự nghĩ ra, thế nhưng mà rất nhiều “các mẹ” khác chỉ xem ảnh và đọc những thông tin chưa được xác minh đã vội vã chia sẻ với nhau, kêu gọi nhau đừng mua cam Hà Giang bọc nilon…, đại loại như “các mẹ phải đề phòng tránh mua cam bọc nilon nhé”, hay “em vẫn hay mua cam Hà Giang ăn lắm nhưng thế này thì cạch đến già ạ”…
Cũng vì thông tin xuất hiện trong đúng khoảng thời gian cả xã hội đang “khủng hoảng” vì “bội thực” thực phẩm bẩn nên cộng đồng mạng lại càng dậy lên làn sóng phẫn nộ.
Họ lao vào chửi bới rằng những người bán cam bọc nilon là những tay thương gian độc ác, vì đồng tiền mà đi đầu độc đồng loại, phải bỏ tù, phải xử tử…
Còn những quả cam vô tội kia, họ cùng nhau lên án, tẩy chay, nghĩ ra mọi thứ độc hại nhất để “nhồi nhét” vào phía trong tấm màng nilon ấy.
Chỉ cho đến khi báo chí lên tiếng, nhiều nhà khoa học, chuyên gia cũng giải thích về cách bảo quản bọc màng nilon cho cam không phải dùng hóa chất thì “các mẹ” mới ngã ngửa ra là mình… hớ, là những người bán cam kia không phải là “thú đội lốt người”, và những quả cam bọc nilon kia không phải được tẩm chất “gây teo chân, phù não”…
Tuy nhiên, chờ khi các mẹ biết là mình bị hớ thì đến lúc đó những quả cam bọc nilon kia cũng đã héo mà chẳng ai mua, khiến cho có những người bán có khi chỉ biết trông chờ cả năm vào một vụ cam mà vì chỉ vì sự ngây dại, tâm lý hùa theo đám đông của các mẹ đã làm họ phải lao đao, khốn đốn.
Lại quay trở về câu chuyện gần đây nhất chứng minh cộng đồng mạng dễ dàng bị “dắt mũi” như thế nào, đó là tin đồn “EU cấm nhập khẩu cá từ Việt Nam”.
Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh cá chết bất thường ở khu vực miền Trung xảy ra không lâu, khiến cho cộng đồng mạng được đà đưa ra một loạt các nghi vấn “liệu có phải cá nhiễm độc nên mới bị EU tẩy chay”, tạo ra hàng ngàn sự hoang mang khác nhau với hàng ngàn dòng bình luận trên Facebook.
Những thông tin ấy cứ được chia sẻ hết lượt này đến lượt khác, và đáng nói là nó lan truyền theo đúng kiểu “tam sao thất bản”. Đến nay, vẫn rất nhiều người cho rằng, cá đã nhiễm độc sau sự kiện Vũng Áng và bị trả về toàn bộ nên không khó hiểu khi vẫn có những lời bình luận độc địa, những tiếng chửi bới phẫn nộ liên quan đến vụ việc xảy ra dọc biển miền Trung cuối tháng 4 vừa qua.
Tuy nhiên, thông tin trong một bài báo tiếng Anh cho thấy, thông qua Hệ thống cảnh báo nhanh (RASFF) của Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm, Ủy ban Châu Âu (EC), Nafiquad đã nhận được thông tin về các lô hàng thủy hải sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nói đến đây, phải khẳng định thêm một lần nữa, rằng những lô hàng này không-đảm-bảo-an-toàn-thực-phẩm thì không có nghĩa là những lô hàng này là cá bị nhiễm độc. Thêm nữa, chỉ có duy nhất 4 lô hàng bị từ chối, và không có nghĩa là EU cấm nhập khẩu toàn bộ cá từ Việt Nam.
Rất may thông tin này đã được kịp đính chính lại để tránh gây hiểu lầm, gây náo loạn thị trường kinh doanh trong nước và tránh tạo sự hoang mang, phẫn nộ cho người dân, khi mà tình hình vẫn còn đang rối ren bởi vụ việc cá chết bất thường vẫn chưa được làm rõ nguyên nhân cũng như bà con miền Trung đang rất khó khăn, khốn khổ đủ đường vì nghi vấn cá chết là do bị nhiễm độc.
Tuy nhiên, trước đó đã có một số người đã tung tin viết bình luận một cách “hùng hồn” rằng “cá Việt Nam bị phát hiện là có độc nên bị châu Âu trả về toàn bộ”, hay “bên đó công nghệ cao nên cá chết có chế biến như thế nào cũng không qua mắt được họ đâu”…
Những bình luận ấy là hoàn toàn không có cơ sở, chỉ là ý kiến chủ quan của cá nhân, vậy mà những người xem, những người đọc cũng đã vội vàng tin ngay, và bị kích động như đã được châm đúng ngòi nổ của quả bom trong họ vậy.
Những lời lẽ hết sức tàn độc, những câu chửi bới vô cùng thậm tệ, thấy người trước buông lời rủa xả thì người sau cũng hùa vào bới móc, thấy người trên ném đá thì người dưới ném gạch…
Tất cả tạo thành những cuộc chiến hỗn độn tưởng chừng không có hồi kết, minh chứng cho hệ quả của tâm lý a dua, hùa theo đám đông trên mạng xã hội mà chưa biết ngoài đời thực hư, đúng sai như thế nào.
Nó thể hiện sự ngây ngô, dễ tin người lại dễ bị kích động đến khó tưởng của cộng đồng mạng, thậm chí sẵn sàng làm tổn thương nhau qua những dòng chữ cay độc và tạo ra những làn sóng phẫn nộ trên mạng ảo, nhưng hậu quả không lường lại là những người khác ở ngoài đời thực gánh chịu.
Như khi chúng ta đang ngồi tranh cãi với nhau về những con cá trên mạng xã hội, khi chúng ta cứ vội tin và cứ nhất quyết khăng khăng cho rằng cá chết phải là do nhiễm độc chứ không phải bất kỳ một lý do nào khác với nhau thì ở ngoài kia, ngư dân miền Trung đang chết lặng đi từng ngày vì giờ không biết bán cá cho ai, rồi người người lo sợ phải chen nhau đi mua từng lọ nước mắm, từng cân muối hạt về tích trữ đến khổ sở như thế nào?
Và ai, ai sẽ là người trả lại danh dự cho chàng thanh niên muốn giúp người cha say xỉn băng bó vết thương, ai sẽ là người có thể giúp những người bán cam Hà Giang bọc màng nilon lấy lại được khoản tiền thất thu lên tới hàng trăm triệu do cam bị “đồn” là tẩm hóa chất, hay cũng như rất rất nhiều những trường hợp đã bị hiểu lầm khác nữa cũng chỉ bởi chúng ta đã bị những tin đồn thất thiệt trên Facebook “dắt mũi” một cách quá dễ dàng?