Ngày càng được nhiều người biết tới, bánh chưng Vân (Bắc Giang) giờ đây đã là thứ hàng hóa được người dân làm ra để phục vụ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Quy trình sản xuất vì thế cũng có nhiều thay đổi, đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Clip: Quy trình làm bánh chưng sạch ở xã Hoàng Vân. Nguồn: VTV.
Chiếc bánh chưng có hình dạng giống bánh tét này được xem là đặc sản Bắc Giang. Để làm ra nó, người dân cần dùng gạo nếp cái hoa vàng phải vo đến khi nước trong, lá chít luộc chín, rửa sạch, đậu xanh tách vỏ, thịt mỡ… Những ngày cận Tết Nguyên đán, các nnguyên liệu không mấy cầu kỳ này đang được người dân xã Hoàng Vân đang hối hả chuẩn bị để gói bánh chưng.
“Cái này nguồn gốc là do hợp tác xã nhà mình trồng và làm được. Muốn gói lên thành bánh thì mình cứ vo gạo cho nó trắng lên, để cho nó róc nước rồi trộn bột canh hoặc muối trắng“, một người dân tại đây chia sẻ.
“Bây giờ nó khác với trước kia là gạo, đỗ mình cho vào chiếc rổ sạch. Người dân lại mua thêm những chiếc bàn inox sạch sẽ để tiện gói bánh. Mình không để bánh xuống đất mà gói phải có mâm nhôm. Trước kia thì tạp dề, bao tay không được sử dụng phổ biến, bây giờ thì ai cũng dùng tới “, chị Ngô Thị Hương (Hoàng Vân, Hiệp Hòa, Bắc Giang) nói.
Được gói to, chặt tay, để đạt độ dẻo, thơm, bánh sẽ phải luộc từ 5 đến 7 tiếng. Đặc biệt, trong quá trình luộc, người dân phải tiến hành thay nước và rửa bánh. “Mình gói xong mình sẽ rửa sạch bánh đi, xếp vào nồi cho nước vào luộc. Sau khoảng 1 tiếng thì lại vớt bánh ra, rửa lại và thay nước“, một người dân chia sẻ “mẹo” gói bánh chưng ngon và sạch.
Ông Nguyễn Văn Vân (Chủ tịch hội Nông dân xã Hoàng Vân) cho biết: “Người dân có truyền thống làm bánh chưng Vân lâu rồi nhưng mà sản lượng từ xưa đến nay rất ít, chưa phát huy hết thế mạnh địa phương. Tuy nhiên, từ nay đến Tết Nguyên đán, người dân cũng sẽ cho ra khoảng từ 30 đến 50 tấn bánh thành phẩm“.
Để từng bước xây dựng thương hiệu, địa phương đã thành lập nhiều nhóm với sự tham gia của các hộ gia đình cùng sản xuất và cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, những chiếc bánh này hiện vẫn chưa có tem nhãn. Trong năm 2018, huyện Hiệp Hòa đang có nhiều kế hoạch xây dựng thương hiệu tập thể cho bánh chưng Vân, đưa sản phẩm này trở thành đặc sản nổi tiếng khắp trong nước.
Nguồn: VTV