Dương Minh Tuyền với biệt danh “thánh chửi” nổi lên nhà một “giang hồ mạng”. Ban đầu, Tuyền thực hiện những video chửi bới từ năm 2014 và đăng tải trên Facebook cá nhân. Sau thời gian dài, thanh niên này tiếp tục mở rộng hình ảnh qua YouTube và bắt đầu tham gia khá nhiều video quảng cáo.
Ngày 18/4/2017, TAND Thành phố Bắc Ninh đưa Dương Minh Tuyền ra xét xử và tuyên phạt 32 tháng tù về các tội gây rối trật tự công cộng (26 tháng tù) và hủy hoại tài sản (6 tháng tù). Nhờ cải tạo tốt, Dương Minh Tuyền đã được ra tù trước thời hạn vào chiều 28/9/2018. Sau thời gian dài truyền bá những video có nội dung bạo lực, mô tả đời sống giang hồ, kênh Dương Minh Tuyền đã bị loại khỏi nền tảng nội dung của YouTube.
Được biết, trước khi bị xóa, kênh YouTube của Dương Minh Tuyền với hơn 500.000 lượt người đăng ký và có khoảng 60 video được đăng tải lên kênh này. Các video với nội dung chửi tục và bạo lực vẫn được bật chức năng kiếm tiền.
Theo nhiều người, việc kênh YouTube trước đó của Dương Minh Tuyền bị xoá sổ đã dẫn đến thiệt hại rất lớn về kinh tế cho nhân vật này khi sở hữu kênh có lượng người theo dõi lên tới hàng trăm nghìn, hàng triệu, thậm chí có cả nút vàng YouTube. Theo thống kê của Socialblade, chủ kênh Dương Minh Tuyền có thể kiếm được 5.000 - 79.800 USD (khoảng 116 triệu - 1,86 tỉ đồng) mỗi tháng.
Thời gian gần đây, Dương Minh Tuyền đã lập lại kênh mới thay cho kênh cũ bị mất. Đáng chú ý, nhân vật này không chỉ tạo một mà lập tới hai kênh có tên là Tuyền Mốc và Dương Minh Tuyền. Một trong hai kênh YouTube của Dương Minh Tuyền tính đến thời điểm này đã có hơn 600.000 người đăng ký sau hơn 4 tháng.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người bất ngờ là kênh mới của Dương Minh Tuyền vẫn xuất hiện những clip với những nội dung bạo lực, bất chấp những tiêu chuẩn cộng đồng của YouTube và tính chất bạo lực của các video ảnh hưởng đến người xem.
Trước đó, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình - Thông tin điện tử, Bộ TT-TT, cho biết Cục này đã yêu cầu YouTube, Facebook gỡ các kênh/fanpage có nội dung dung tục, phản cảm, gây tác động xấu tới xã hội như: Khá BảnH, bà Yến chùa Ba Vàng,…
“Trước đây, chúng ta yêu cầu gỡ các video có nội dung xấu, thì hiện tại, yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải gỡ bỏ cả kênh/fanpage vi phạm các quy định, chuẩn mực đạo đức, sai sự thật,… Mỗi kênh vi phạm có thể chứa tới hàng trăm, hàng nghìn video. Tuy nhiên, việc hạ bỏ các video hay một kênh vi phạm không phải là giải pháp cho mọi vấn đề. Nếu không răn đe, cảnh báo, xử lý với những người tạo ra video/fanpage thì vấn đề vẫn tồn tại, vì chúng ta hạ bỏ kênh này, lập tức sẽ có một kênh khác ra đời”, ông Lâm cho biết.