Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Kẻ đá liên tiếp vào mặt nữ sinh sau va chạm giao thông gây phẫn nộ có thể bị phạt tù

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Luật sư Nguyễn Anh Thơm nhận định, kẻ đá liên tiếp vào mặt nữ sinh sau va chạm giao thông gây phẫn nộ có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Chiều 8/12, Công an phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), đã đưa Lê Tấn Thành (29 tuổi) về trụ sở lấy lời khai. Thành được xác định là người đánh nữ sinh sau va chạm giao thông trên đường Bùi Ngọc Thu.

Trước đó, khoảng 16h40 ngày 7/12, Lê Tấn Thành chạy xe máy chở theo một phụ nữ. Khi quay đầu thiếu quan sát, xe của Thành va chạm với 2 học sinh đi xe đạp điện và một phụ nữ chạy xe máy.

Kẻ đá liên tiếp vào mặt nữ sinh sau va chạm giao thông gây phẫn nộ có thể bị phạt tù Ảnh 1
Lê Tấn Thành tại cơ quan công an.

Nữ sinh điều khiển xe chưa kịp đứng dậy thì bị Thành đạp liên tiếp vào mặt. Sau đó, anh này còn cầm gậy 3 khúc đánh vào đầu nạn nhân. Người dân địa phương đến can ngăn thì Thành mới lái xe rời đi.

Thành khai nhận, thời điểm gây tai nạn, anh ta đang quay đầu xe về nhà thì va chạm với hai nữ sinh đi xe đạp điện và một phụ nữ chạy xe máy. Do ăn nhậu với bạn bè trước đó, sẵn có hơi men trong người nên đối tượng này không kìm chế được, dùng chân đá 2 cái vào mặt nữ sinh và dùng gậy ba khúc đánh vào đầu em này.

Theo người thân nữ sinh, cú đánh bằng gậy ba khúc của Thành khiến đầu nữ sinh bị toét phải khâu hơn 10 mũi. Phần mặt nạn nhân cũng bị chấn thương và bác sĩ chưa đưa ra chẩn đoán chính xác. Gia đình đang làm đơn kiện đối tượng Thành sau vụ việc gây thương tích.

Kẻ đá liên tiếp vào mặt nữ sinh sau va chạm giao thông gây phẫn nộ có thể bị phạt tù Ảnh 2
Kẻ đá liên tiếp vào mặt nữ sinh sau va chạm giao thông gây phẫn nộ có thể bị phạt tù Ảnh 3
Hình ảnh đạp đá nữ sinh gây phẫn nộ.

Do bức xúc trước hành vi của Thành, rất nhiều người đã tìm đến tận nhà để làm cho ra lẽ. 

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết hành vi của đối tượng thể hiện sự côn đồ, hung hãn, vô giáo dục, không những xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người khác mà còn xâm phạm đến trật tự an toàn nơi công cộng. 

Sự việc chỉ vì va chạm giao thông trên đường khi đối tượng điều khiển xe mô tô bất ngờ quay đầu không quan sát làm cho hai cháu học sinh đi xe đạp điện phía sau không xử lý kịp tông vào xe của đối tượng. 

Kẻ đá liên tiếp vào mặt nữ sinh sau va chạm giao thông gây phẫn nộ có thể bị phạt tù Ảnh 4
Hình ảnh Thành đạp vào đầu nữ sinh.

Đáng lẽ ra, với lỗi chuyển hướng không quan sát gây tai nạn thì đối tượng phải xem xét sự việc, giúp các cháu nhỏ nhưng lại hung hãn, tay cầm công cụ hỗ trợ cây gậy ba khúc đang tâm lao vào và dùng chân đạp tới tấp cháu rất dã man, tàn bạo là điều không thể chấp nhận được và gây bức xúc cho quần chúng nhân dân.

"Xét hành vi của đối tượng đã có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích và tội Gây rối trật tự công cộng. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134 và Điều 318 Bộ luật hình sự.

Hành vi sử dụng chân đạp liên tiếp vào đầu cháu gái, tuỳ theo tính chất, mức độ hậu quả, đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về tỷ lệ thương tích gây ra theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự. Trường hợp nếu cháu bé bị chấn thương sọ não nặng, nguy hiểm đến tính mạng thì đối tượng còn phải chịu trách nhiệm về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự", luật sư Thơm nhận định.

Theo luật sư Thơm, trong trường hợp tỷ lệ thương tích của cháu học sinh dưới 11% thì đối tượng vẫn phải chịu chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c, i Khoản 1 Điều 134 BLHS với tình tiết định khung đối với người dưới 16 tuổi và có tính chất côn đồ.

Ngoài ra, đối tượng còn phải chịu xử phạt hành chính về hành vi tàng trữ công cụ hỗ trợ cây gậy ba khúc theo Điểm c, Khoản 5 và Điểm a, Khoản 8 , Điều 10 của Nghị định 167/2013/nđ-cp quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định quy định phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đối với hành vi tàng trừ công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép và hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm.

Đối với hành vi điều khiển xe mô tô quay đầu xe không quan sát gây tai nạn giao thông, đối tượng sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm b, khoản 7, Điều 6 Nghị đinh 100/2019/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

"Hành vi phạm tội của đối tượng đã gây phẫn nộ trong dư luận xã hội và gây ảnh hưởng xấu đến tình tình an ninh trật tự tại địa phương, đặc biệt là có dấu hiệu phạm tội với trẻ em là người dưới 16 tuổi nên cần thiết phải xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe phòng ngựa tội phạm sử dụng bạo lực trong xã hội hiện nay", luật sư Thơm chia sẻ thêm.

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc