Lựa chọn ... vaccine
Trước tình hình căng thẳng của dịch COVID-19, một chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn đã diễn ra tại TP.HCM. Vaccine được cho là một trong những biện pháp để phòng chống dịch bệnh khi Việt Nam đang đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ 4. Trong thời gian qua, có 5 loại vaccine đã được Việt Nam phê duyệt là AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer và Sinopharm và Moderna.
Dựa trên báo cáo của Bộ Y tế, ngoài vắc xin AstraZeneca, trong năm nay Việt Nam đã đàm phán để có thêm vaccine của Moderna (5 triệu liều), của Pfizer (31 triệu liều) và 20 triệu liều vaccine Sputnik V. Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Trong đó ngoài nguồn của Chương trình COVAX Facility, AstraZeneca, Việt Nam đã đàm phán để có thêm các nguồn vaccine khác.
Đặc biệt, lô vaccine Pfizer đầu tiên về Việt Nam vào tháng 7. Theo đó, nhiều người đã có tâm lý chờ đợi loại vaccine này thay vì chủ động tiêm AstraZeneca như hiện tại. Anh Đức Tiến (ngụ tại TP.HCM) chia sẻ: "Sắp tới đây, tôi cũng được cơ quan làm việc cho tiêm phòng vaccine. Tuy nhiên, một vài đồng nghiệp lại có xu hướng chờ đợi các loại vaccine sau về để tiêm. Điều này cũng khiến tôi lo lắng về hiệu quả cũng như sự tương quan giữa nhiều loại khác nhau. Không chỉ tôi mà nhiều người cũng có tâm lý e ngại, lo lắng trước khi tiêm vaccine".
Để giải đáp những băn khoăn này, SAOStar đã liên hệ với bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM). Bác sĩ chia sẻ: "Tính đến thời điểm hiện nay, vaccine được nhiều quốc gia trên thế giới dùng như một biện pháp để khống chế dịch bệnh. Vì thế, chúng ta cần tiêm vaccine một cách nhanh chóng. Đối với tôi, các loại vaccine đều có hiệu quả. Điều quan trọng nhất là mỗi người cần chuẩn bị tâm lý vững vàng, không nên chờ đợi. Vì trong lúc chờ đợi vaccine, khả năng mắc bệnh là vẫn có".
Nên chăng việc tiêm 2 loại vaccine?
Bên cạnh đó, một số người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca lại bày tỏ sự lo lắng về tính hiệu quả khi chuẩn bị tiêm mũi 2 là một loại vaccine khác. Anh Lê Hồng Thanh Duy, hiện đang là phóng viên tại TP.HCM đã được tiêm AstraZeneca vào ngày 26/6 vừa qua. Anh bày tỏ lo ngại: "Khi tiêm phòng xong, bác sĩ có gửi cho chúng tôi giấy xác nhận đồng thời thông tin vào mũi 2 sẽ được tiêm vào 3 tháng sau. Tuy nhiên, điều này cũng khiến tôi lo lắng vì mũi 1 và mũi 2 không cùng loại vaccine. Liệu rằng tính hiệu quả của vaccine có được đảm bảo?".
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Đỗ Trọng Khanh - Giám đốc Y khoa bệnh viện FV cho biết: "Trên cương vị cá nhân và bệnh viện FV, tôi vẫn khuyến cáo cho các nhân viên, gia đình và người thân theo chủ trương của chính phủ, cứ có vaccine nào thì sử dụng vaccine đó, không nên chờ đợi, lựa chọn. Theo cá nhân tôi thì cứ tiêm một mũi vaccine AstraZeneca sau đó có thể tiêm thêm vaccine Pfizer cũng không sao cả.
Hai loại vaccine này có cách hoạt động và chủng loại khác nhau. Hiện nay, một số quốc gia như Mỹ thì dùng vaccine Pfizer hay Moderna rất nhiều. Tuy nhiên, một số nước ở Châu Âu hiện nay vẫn theo chủ trương tiêm cả 2 loại vaccnie, kể cả một số nguyên thủ của họ cũng tiêm cả 2 loại vaccine.
Có một mũi vaccine bất cứ loại nào cũng sẽ hơn là chờ đợi hay lựa chọn vì trong thời gian chờ đợi, chúng ta có thể sẽ bị nhiễm bệnh. Tất cả các loại vaccine đã được WHO thẩm định có độ an toàn rất cao. Đặc biệt, những loại vaccine đã được chính phủ cấp phép và lưu hành thì chắc chắn là an toàn. Tuỳ từng người, từng cá thể mà việc tương tác của vaccine đó với cơ thể mình như thế nào và tạo ra lượng cá thể như thế nào. Điều này cũng tuỳ theo các chủng tộc khác nhau. Chúng ta nên tiếp cận ngay các loại vaccine khi có thể, hiện nay vaccine AstraZeneca cũng rất tốt".