Ngày 18/4, ông Nguyễn Đình Hoa – Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, lực lượng chức năng đang tiến hành san lấp “hố tử thần” tại xã Quảng Bị.
“Hôm nay, chúng tôi bắt đầu cho thi công san lấp “hố tử thần”, hôm qua chúng tôi mới là công tác chuẩn bị như quây tôn… Chưa thể lấp xong trong một ngày được, phải theo quy trình, giải pháp của các nhà khoa học đưa ra”, ông Hoa nói.
Trước đó, ông Vũ Văn Mạnh – Chủ tịch UBND xã Quảng Bị (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, chiều 15/4, Sở GTVT, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch Tài chính, đơn vị nghiên cứu nước ngầm của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã phối hợp với huyện Chương Mỹ liên quan đến phương án xử lý “hố tử thần”.
Về mặt chủ chương TP đồng ý giao cho UBND huyện Chương Mỹ nghiên cứu, xử lý “hố tử thần”. Trước khi xử lý hố sụt này, các nhà khoa học cũng đã đến nghiên cứu tìm hiểu để thống nhất phương án.
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đưa ra phương án đề xuất khắc phục “hố tử thần” gồm 6 bước: Dọn dẹp mặt bằng khu sụt lún; lấp đầy hố bằng những vật liệu phù hợp; khoan tạo lỗ để phụt vữa xi măng; trải vải địa kỹ thuật gia cố 2 lớp tăng cường phía trên vật liệu; lấp đầy hố sụt lún; cuối cùng là hoàn thành rãnh nước và các lớp mặt đường như ban đầu.
Trước đó, khoảng 16h45 ngày 6/4, gia đình ông Đặng Đình Nhâm (ở thôn 2, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ) đào giếng. Trong lúc đào giếng, ông Nhâm bất ngờ nghe tiếng động, rung lắc mạnh.
Sau đó, trước cửa nhà ông Nhâm xuất hiện một hố sâu khoảng 2m, rộng 15m2 rồi sau đó sụt lún xuống độ sâu 5m, rộng khoảng 30m2. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng chức năng đã sơ tán 20 hộ dân quanh khu vực bị sụt lún.
Rạng sáng 9/4, trên địa bàn xuất hiện mưa lớn khiến phần đất xung quanh miệng hố tiếp tục bị sạt xuống, làm tăng phần diện tích sụt lún.
“Theo số liệu đo đạc mới nhất, hiện chiều dài của hố là 17,2m, còn chiều rộng 8m, diện tích rơi vào khoảng hơn 100m2", ông Mạnh thông tin thêm.